Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảnh khắc tháng 10

Nguyễn Thanh| 10/10/2018 06:32

(HNM) - Với mỗi người dân Hà Nội, những ngày thu tháng 10 luôn có ý nghĩa đặc biệt, gợi nhớ về thời khắc lịch sử - ngày Thủ đô giải phóng...

Cựu chiến binh tham quan Triển lãm “Những khoảnh khắc tháng 10-1954”.


Những lát cắt làm nên lịch sử

Hội trường di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò không còn một chỗ trống trong ngày khai mạc trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về”. Dường như không một ai muốn lỡ cơ hội lắng nghe những câu chuyện đã trở thành một phần lịch sử của Hà Nội, được chia sẻ từ chính những người tham gia tiếp quản, bảo vệ thành phố những ngày đầu giải phóng. Đại tá Dương Niết (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308), Tổ trưởng Tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt kể: Tham gia bàn giao, tiếp quản Hà Nội là một nhiệm vụ bí mật, chúng tôi chỉ được biết khi hành quân về cận kề cửa ngõ Thủ đô. Anh em rất phấn chấn nhưng cũng không cho phép bản thân mất cảnh giác bởi nguy hiểm vẫn trực chờ khi quân địch chưa rút khỏi thành phố. Khó khăn là vậy nhưng niềm vui cũng không thiếu, trong đó đặc biệt nhất là tình cảm của nhân dân Thủ đô dành cho quân giải phóng.

Cùng tham gia tiếp quản Thủ đô trong những ngày lịch sử khó quên ấy, cựu chiến binh Trần Quốc Thanh (Trung đoàn 57, Đại đoàn 304) chia sẻ đầy xúc động: Theo mệnh lệnh cấp trên, từ cửa ngõ phía Tây thành phố chúng tôi tiến về Thủ đô Hà Nội. Dọc đường, người dân hò reo, vẫy gọi, khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Khoảnh khắc không thể quên là lễ thượng cờ thiêng liêng. Khi còi ở Nhà hát Lớn nổi lên hồi dài, đoàn quân nhạc cử Quốc thiều, toàn quân và dân hướng lên lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính, chấm dứt những ngày khó khăn, gian khổ, những mong mỏi độc lập, tự chủ bấy lâu của quân và dân Hà Nội.

Tại không gian trưng bày, những người yêu Hà Nội được “sống lại” những khoảnh khắc làm nên lịch sử trong 9 năm kháng chiến của quân và dân Thủ đô với một tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"; một Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn, nơi nuôi chí chiến đấu của cả dân tộc; một Hà Nội thời tạm chiếm với vô vàn khó khăn, thử thách… hay “Chín năm làm một Điện Biên” với bao gian nan, xương máu vì độc lập... Cũng tại đây, lần đầu tiên, công chúng được chứng kiến hơn 20 hiện vật gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô, như: Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho các chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954; Chứng minh thư Ủy ban Quân chính TP Hà Nội cấp cho cán bộ sử dụng khi đi liên hệ công tác trong thời kỳ tiếp quản; Báo “Tiền Phong” số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô do Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội thực hiện… Tất cả góp phần làm nên ý nghĩa lịch sử quan trọng cho ngày giải phóng Thủ đô 64 năm về trước.

Tất cả cho tình yêu Hà Nội

Cũng trong những ngày tháng 10 lịch sử này, tại tầng 2 di tích Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu tới công chúng “Những khoảnh khắc tháng 10-1954” thông qua 60 hình ảnh tiêu biểu khắc họa ngày hội lớn của Thủ đô và nhân dân cả nước 64 năm về trước. Trong không gian ngợp nắng và gió thu Hà Nội, những người yêu Thủ đô thêm một lần được trào dâng xúc động khi gặp lại hình ảnh những đoàn quân giải phóng từ năm cửa ô tiến về trung tâm thành phố; biển người hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng… hay lễ thượng cờ đầu tiên khi Hà Nội sạch bóng quân thù... Rất nhiều người dân sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng trọng đại mà căng tràn cảm xúc ấy. Mọi người từ lớn, bé, già, trẻ đều chung một tình yêu, một ý chí, làm sao góp phần nhỏ bé của mình cho ngày giải phóng. Người lớn chuẩn bị cổng chào, cờ hoa, biểu ngữ…, trẻ nhỏ tập văn nghệ chào đón ngày quân giải phóng về tiếp quản Thủ đô.

Là một trong những người tham gia giải phóng Thủ đô, ông Phùng Đệ (chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô) bồi hồi nhớ lại niềm hạnh phúc khôn tả khi đi giữa đoàn quân tiến về Hà Nội với cờ hoa chào đón của nhân dân. Ông kể: Trong những ngày còn ở Việt Bắc, các chiến sĩ Trung đoàn thường dựng mô hình tháp Rùa ở nơi đóng quân cho vơi nỗi nhớ Hà Nội và cũng để khẳng định quyết tâm chiến đấu, giành lại Thủ đô. Đến buổi sáng 10-10 lịch sử ấy, nỗi nhớ và quyết tâm ấy của anh em chúng tôi cuối cùng đã được thỏa nguyện.

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Triển lãm “Những khoảnh khắc tháng 10-1954” nhằm khắc họa một Hà Nội trọn vẹn trong cả nhịp sống thường nhật lẫn chiều sâu cảm xúc những ngày đầu giải phóng. Trong đó, mỗi hình ảnh là một lát cắt làm nên lịch sử của Thủ đô và đất nước. Triển lãm không chỉ là cơ hội để mỗi người dân tìm về với lịch sử đáng tự hào của dân tộc, mà còn góp phần tăng thêm động lực, ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi người, nhằm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảnh khắc tháng 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.