Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại Khu công nghiệp Quang Minh: Doanh nghiệp đầu độc môi trường

PV Ban NN-NT| 16/07/2010 08:21

(HNM) - Năm 2001 khi hình thành KCN Quang Minh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 85 DN thuê đất đầu tư, xây dựng và hoạt động sản xuất. Thế nhưng đến tháng 2-2009, hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung của KCN mới đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng mới đây tại các điểm xả thải KCN Quang Minh cho thấy: Hàm lượng cyanua lên tới 0,56mg/l, vượt 8 lần tiêu chuẩn cho phép, BOD5 vượt 13,5 lần, COD vượt 14,7 lần, colifom vượt hơn 13 lần...

Hệ thống kênh tưới tiêu chảy qua thôn 9, 10 của thị trấn Quang Minh.


Chị Hà Thị Xinh, tổ dân phố 10, thị trấn Quang Minh cho biết: 3 năm trước, trên các con sông, kênh mương, ruộng lúa có nhiều cá, tôm, cua, giờ chẳng còn bao nhiêu, thậm chí đất nông nghiệp gần KCN không thể canh tác được do ô nhiễm quá nặng. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Mê Linh cho biết: Nước thuộc hệ thống kênh tưới tiêu đoạn qua KCN Quang Minh đang bị ô nhiễm, vì nước thải xả ra liên tục. Và có một thực tế, toàn bộ khu dẫn nước thải công nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh đã hoặc chưa qua xử lý đều xả thẳng ra hệ thống kênh tiêu thủy lợi. Hiện không chỉ hơn 283ha lúa, hoa màu của thị trấn Quang Minh, xã Tiền Phong bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hệ thống tưới tiêu Đầm Và mà còn hàng nghìn hécta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh bị ảnh hưởng từ nước thải của các DN.

Theo ông Nguyễn Khắc Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức: Hiện vẫn còn tới 57 DN cố tình chây ỳ không chịu ký hợp đồng và trả tiền thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty. Các DN này cũng không ký hợp đồng với nhà máy xử lý nước thải Nam Đức mà xả trực tiếp ra môi trường qua hệ thống thoát nước mưa. Thiết kế của nhà máy xử lý nước thải Nam Đức có công suất 3.000m3/ngày đêm nhưng hiện mới chỉ hoạt động đạt 2.000m3/ngày đêm. Giá xử lý nước thải tiêu chuẩn độ B (chỉ tiêu ô nhiễm 250mg/l) của Nam Đức hiện là trên 8.000 đồng/m3. Nếu mỗi ngày, các DN "trốn" được 1.000m3 nước thải đồng nghĩa với việc các DN đang thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng từ việc đầu độc môi trường và nông dân. Lý giải về việc chưa đấu nối hệ thống nước thải của nhà máy vào hệ thống xử lý nước thải chung KCN, ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Giám đốc Nhà máy mạ kẽm, mạ màu của Công ty Lilama Hà Nội cho rằng: Nhà máy chỉ hoạt động hiệu quả trong 2 năm 2006-2007, còn 2 năm nay, nhà máy đã ngừng hoạt động mạ kẽm. Hiện các hoạt động khác như sinh hoạt của công nhân, khu cán thép... không có chất thải nguy hại thải ra môi trường.

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh cho biết: Tình trạng các DN ở KCN Quang Minh tự xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường đã từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có biện pháp nào xử lý được, mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã có biện pháp xử phạt hành chính đối với các DN nhưng đều không còn ý nghĩa. Có DN nộp phạt tới trên 100 triệu đồng nhưng xong đâu lại vào đó.

Trong khi chờ các DN tìm tiếng nói chung thì người dân trên địa bàn tiếp tục sống chung với ô nhiễm bởi hiện nay, toàn bộ hệ thống tiêu nước của thị trấn Quang Minh và Chi Đông đều chảy qua cống đường sắt chung hệ thống nước thải, nước mưa của dân; nếu không xử lý khẩn cấp việc ô nhiễm môi trường, làm sống lại hệ thống kênh tưới tiêu Đầm Và cùng nhiều tuyến kênh "chết" trên địa bàn huyện chắc chắn sẽ nảy sinh không ít vấn đề.

Được biết UBND huyện Mê Linh yêu cầu Công ty Nam Đức hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ, thủ tục, số liệu theo báo cáo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công nghệ xử lý và hoạt động của nhà máy, kết quả xử lý nước thải đối với hơn 30 DN đã đấu nối hệ thống xả nước thải vào nhà máy xử lý nước thải để trình UBND thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường xem xét cấp phép xả nước thải ra ngoài môi trường. Nhân dân kiến nghị, cùng chế tài mạnh, những DN cố tình trốn tránh không chấp hành quy định về môi trường cần yêu cầu dừng sản xuất.

Hệ thống kênh tưới tiêu chảy qua thôn 9, 10 của thị trấn Quang Minh.
Bắt đầu từ ngày 12-7, Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an thành phố Hà Nội cùng các phòng, ban chức năng của huyện Mê Linh tiếp tục tiến hành kiểm tra việc xử lý môi trường, xả nước thải công nghiệp chưa bảo đảm tiêu chuẩn ra môi trường và xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các DN vi phạm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tại Khu công nghiệp Quang Minh: Doanh nghiệp đầu độc môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.