Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắm Tết ông Công, ông Táo: Tiền tỷ thành... đồ mã

Nguyên Anh| 26/01/2011 07:30

(HNM) - Hôm nay 26-1 (tức 23 tháng Chạp) - ngày ông Công, ông Táo về Trời. Nhà nhà sắp mâm cơm, mua cá chép, hương hoa về làm lễ tiễn Táo quân. Nét đẹp văn hóa của dân tộc ấy hiện đã bị lạm dụng với những biểu hiện chưa đẹp.


Người dân mua cá chép cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: Bảo Lâm


Nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam, GS Lê Văn Lan giải thích: Tục cúng Táo quân có hai tầng ý nghĩa. Ý nghĩa khởi nguồn của nó là bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm áp, no đủ của các tộc người. Sau này, dựa trên các sự tích liên quan đến bếp lửa, dân gian mới sáng tạo ra câu chuyện "hai ông một bà" (thần Đất, thần Nhà, thần Bếp) nhưng vẫn có ý nghĩa mong muốn một cuộc sống no đủ, bếp gia đình lúc nào cũng rực lửa. Theo GS Lê Văn Lan, trong chuyến khai quật khảo cổ học ở tỉnh Hòa Bình từ nhiều năm trước, GS cùng các cộng sự đã phát hiện ra cái bếp của người nguyên thủy cách đây khoảng 10.000 năm với 3 viên đá chụm vào nhau, tạo thành thế "kiềng 3 chân". Sau này, người dân ở các vùng nông thôn Việt Nam vẫn thường bắc 3 viên gạch, hoặc 3 mảnh gốm để làm bếp. 3 viên đá cùng với những hiện vật được tìm thấy chứng tỏ từ thời nguyên thủy, các tộc người đã biết phát huy tinh thần, sức mạnh của cộng đồng bằng việc mang những sản phẩm kiếm được trong ngày về nấu chín rồi cùng nhau thưởng thức. Vì vậy, tục cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm trước hết mang ý nghĩa cầu sự no đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần bếp" chuyên cai quản việc bếp núc. Việc cúng lễ này chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình với mâm cơm canh tươm tất, với con cá chép - được coi là phương tiện để Táo quân lên Trời gặp Ngọc Hoàng báo cáo công việc của gia đình mình cai quản trong năm vừa qua, chứ không phải ở nơi thờ chung của cộng đồng như đền, chùa, miếu, phủ. Bởi thế, dù ở tầng ý nghĩa nào thì tục cúng ông Công, ông Táo cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam, cần được giữ gìn và phát huy.

Từ sự phân tích đó, GS Lê Văn Lan cho rằng, việc đốt hàng đống vàng mã, nào quần, nào áo, nào nhà lầu, xe hơi, thậm chí là cả trực thăng trong ngày tết ông Công, ông Táo thể hiện cách hiểu sai, sự biến tướng về tư duy văn hóa. Đó là sản phẩm của tư duy "thị trường", của quan niệm "trần sao âm vậy", cố gắng đốt thật nhiều đồ mã sang trọng để nhận được nhiều lộc, nhiều tiền, được thăng quan, tiến chức...

Những ngày này, đồ mã có mặt ở khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ trục đường chính tới ngõ hẻm. Chị Hà, chủ cửa hàng số 50 phố Hàng Mã cho hay: "Nhu cầu ngày càng tăng, nhưng nguồn cung không tăng nên người buôn phải tích đồ mã từ hơn một tháng trước. Những ngày hàng về nhiều, cả gia đình tôi phải ăn cơm quán, dành gian bếp để chứa hàng". Cũng theo chị Hà, thị trường đồ cúng lễ ông Công, ông Táo khá đa dạng. Ngoài những mặt hàng truyền thống còn có những mặt hàng mới như cau vàng, thỏi vàng, hũ vàng, cành lúa vàng, nhiều gia đình đặt mua cả xe ô tô Audi mui trần, Mercedes, BMW hay Lexus... Mỗi chiếc xe mã "thương hiệu" 4 chỗ có giá từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng, xe 7 chỗ từ 170-250 nghìn đồng. Nếu khách hàng có nhu cầu mua ô tô kích thước "khủng", mang thương hiệu nổi tiếng thì các cửa hàng cũng có thể đáp ứng, nhưng giá "chát" hơn, khoảng từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng/chiếc. Nhìn chung, giá đồ cúng Tết ông Công, ông Táo năm nay tăng từ 15% đến 30% so với năm trước, càng đến gần ngày lễ càng tăng.

Tôn trọng truyền thống

Nói về việc ngày càng có nhiều người dân tiễn Táo quân về chầu Trời bằng những đồ mã đắt tiền, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL lý giải: Một mặt là do người dân chưa hiểu hết giá trị, ý nghĩa của cái Tết đặc biệt này; mặt khác, do tâm lý "bắt chước", thấy người khác sắp lễ thế nào thì gia đình mình cũng làm thế, cho đỡ băn khoăn. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lãng phí tiền tỷ vào việc đốt đồ mã trong ngày Tết ông Công, ông Táo.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì chỉ riêng làng Đông Hồ (Bắc Ninh), xã Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) trong 3 tháng cuối năm đã tiêu thụ trên 10.000 tấn giấy các loại cho việc sản xuất đồ mã, chưa kể hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ ở nhiều địa phương khác. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 75, trong đó có nội dung cấm đốt đồ mã nơi công cộng từ tháng 7-2010 nhưng ngay ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội), bên cạnh tấm biển thông báo nội dung nghị định được treo trang trọng thì nơi hóa vàng vẫn ngùn ngụt lửa.

Tệ sính vàng mã còn "góp phần" làm mai một nghề truyền thống. Ông Nguyễn Quang Thanh, làng Đông Hồ lo lắng: "Qua các phuơng tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Nhà nước cấm đốt đồ mã nơi công cộng, song dường như từ ngày có quy định cấm, nghề mới của làng tôi lại càng phát triển hơn". Theo ông Thanh, cái gì không phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam thì Nhà nước cấm là đúng, nhưng đã cấm thì phải làm tận gốc, tức là phải cấm sản xuất, chứ chỉ cấm người tiêu dùng mà vẫn cho sản xuất thì việc cấm không có tác dụng. Đồng tình với quan điểm trên, song GS Lê Văn Lan nhấn mạnh: Các cơ quan hữu quan nên tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị, ý nghĩa của các ngày Tết, các lễ hội, giúp họ tự nhận thức được rằng việc đốt đồ mã không những không có ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh mà còn gây lãng phí cho gia đình và xã hội. Số tiền đó dùng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình sẽ có ý nghĩa hơn.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan:
Cái gốc của ông Công, ông Táo thì vốn là tục thờ Thần Bếp, thần Nhà trong các gia đình người Việt xưa, bây giờ thành ra là chuyện sắm sửa để cho ông Công, ông Táo - hai ông, một bà lên chầu Giời. Và trước đây, người ta dùng con cá chép làm lễ để ông Công, ông Táo làm phương tiện đi chầu giời, thì bây giờ người ta lại phóng sinh rùa tai đỏ vào ngày đó. Người ta đem rùa tai đỏ thả xuống Hồ Gươm, làm hại môi trường và làm hại cho cả cụ Rùa linh thiêng đang sống ở đấy.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng BQL khu vực Hồ Gươm:
Để ngăn chặn sự phát triển của rùa tai đỏ tiến tới tiêu diệt loại độc hại này, cần phải tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nghiêm cấm việc đánh bắt, mua, nuôi và không phóng sinh rùa tai đỏ trong những ngày lễ, Tết, đặc biệt là ngày rằm và Tết ông Công, ông Táo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắm Tết ông Công, ông Táo: Tiền tỷ thành... đồ mã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.