Theo dõi Báo Hànộimới trên

12 cán bộ có "tác động" đã bị xử lý

Lê Hoàn - Hoàng Thu Vân| 11/01/2013 06:43

(HNM) - Như Báo Hànộimới phản ánh, việc gian lận trong thi tuyển viên chức ngành giáo dục huyện Ứng Hòa năm 2012, liên quan tới 12 cán bộ, trong đó có một huyện ủy viên.

Mối quan tâm của dư luận hiện nay là có hay không việc "chạy" tiền để trúng tuyển? Việc điều động, luân chuyển cán bộ có liên quan đến vụ việc này dịp cuối năm 2012 có gì khuất tất? Đây là những nội dung chính của buổi làm việc ngày 10-1-2013 giữa Báo Hànộimới và Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên.

Mỗi suất "chạy" hết bao nhiêu tiền?

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Xuyên cho biết, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục diễn ra vào tháng 9-2012 (tuyển dụng 281 chỉ tiêu), Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, Hội đồng tuyển dụng (HĐTD) huyện tổ chức kỳ thi bảo đảm nghiêm túc, dân chủ, công khai. Vào thời điểm chuẩn bị khai mạc kỳ thi (cuối tháng 8-2012), Thường trực Huyện ủy có thông tin về việc HĐTD bố trí các cặp chấm thi là người nhà của Trưởng phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch HĐTD Nguyễn Đức Bình và Trưởng phòng GD-ĐT, Phó Chủ tịch HĐTD Đỗ Ngọc Anh. Dù là thư nặc danh, nhưng để phòng ngừa tiêu cực có thể xảy ra, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và HĐTD thay thế các cặp chấm thi. Tuy nhiên, khi kỳ thi kết thúc, Huyện ủy vẫn nhận được thông tin phản ánh kỳ thi chưa nghiêm túc, có một số thí sinh được nâng điểm.

Đây cũng là khoảng thời gian Ứng Hòa triển khai Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) nên Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện làm rõ sự việc, coi đây là một nội dung cụ thể để tập thể và các cá nhân Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy nghiêm túc kiểm điểm. Ngày 15-10-2012, theo báo cáo của UBND huyện, bước đầu đã tổ chức xác minh song chưa đủ chứng cứ kết luận có tiêu cực hay không. Cũng thời điểm này, Huyện ủy được người dân cung cấp bằng chứng là một cuốn sổ ghi chép của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Lỗ (tổ trưởng một cặp chấm thi), trong đó "đánh dấu" họ, tên, số báo danh của 16 thí sinh và ghi rõ danh tính của 12 người "nhờ" giúp đỡ. Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra, tổ chức làm việc với HĐTD. Một số thành viên của các cặp chấm đã thừa nhận, trong quá trình chấm thi đã nâng điểm cho 15/16 trường hợp (7 trường hợp trúng tuyển, 9 trường hợp trượt). Tuy nhiên, với các trường hợp được nâng điểm, các cặp chấm đều khẳng định không thể xác định được điểm thực tế của từng thí sinh. Cũng chính vì điều này mà qua trao đổi với các cơ quan chức năng của thành phố, Huyện ủy cho biết không thể hủy kết quả của các thí sinh đã trúng tuyển. Bên cạnh đó, theo báo cáo kết quả xác minh của Đoàn kiểm tra do UBND huyện thành lập, chưa phát hiện có hành vi nhận tiền và lợi ích vật chất khác từ các thí sinh, người nhà thí sinh trong quá trình thi tuyển.

Diễn biến nêu trên cũng cho thấy, Huyện ủy Ứng Hòa đã chủ động làm rõ các vi phạm trong kỳ thi tuyển viên chức tại địa bàn từ trước khi diễn ra kỳ họp HĐND TP lần thứ sáu khóa XIV (từ ngày 3 đến 7-12-2012). Huyện Ứng Hòa đã nghiêm túc làm rõ các vấn đề có liên quan không phải là do chịu "sức ép" về ý kiến để đỗ được công chức phải "chạy" mất không dưới 100 triệu đồng nêu tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua.

Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên cho biết, việc xem xét, xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm trong kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2012 là quan điểm chung của tập thể BTV Huyện ủy thể hiện qua Thông báo số 268-TB/HU ngày 20-12-2012. Do đây là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều người, có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy chế tổ chức thi tuyển, gây tác động xấu đến dư luận xã hội; BTV Huyện ủy yêu cầu UBND huyện hoàn chỉnh và ban hành kết luận về các sai phạm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, yêu cầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTD nghiêm túc kiểm điểm; giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy xem xét xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm. Theo đó, UBND huyện đã đề nghị Huyện ủy xem xét xử lý về Đảng và chính quyền đối với 12 cá nhân có sai phạm. Trong đó, BTV Huyện ủy đã xử lý cảnh cáo về Đảng đối với Trưởng phòng GD-ĐT Đỗ Ngọc Anh, giáng chức và điều chuyển công tác, đề xuất làm thủ tục cho thôi Huyện ủy viên; xử lý cảnh cáo về đảng đối với Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình. Các cá nhân khác là chuyên viên các phòng, ban thuộc huyện, là hiệu trưởng, hiệu phó các trường tham gia HĐTD đều nhận hình thức xử lý kỷ luật nghiêm.

Có hay không việc luân chuyển cán bộ để… chạy tội?

Việc luân chuyển Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình về làm Chủ tịch UBND xã Hòa Xá trong thời điểm nhạy cảm khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi, liệu có chuyện luân chuyển để "chạy tội", hay do đây là con của nguyên Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa nên được bao che, nương nhẹ?

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Xuyên khẳng định, hoàn toàn không có chuyện như vậy. Cùng thời điểm thi tuyển viên chức ngành giáo dục, tại xã Hòa Xá xảy ra việc Bí thư Đảng ủy xã vi phạm kỷ luật do sinh con thứ ba, tự xin thôi nhiệm vụ. Việc tăng cường cán bộ cho cơ sở nhằm bảo đảm sự điều hành thông suốt là cần thiết nên BTV Huyện ủy đã rà soát đội ngũ cán bộ và nhận thấy có 3 ứng cử viên đáp ứng yêu cầu gồm: Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đỗ Năng Bình và Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Văn Định. Tuy nhiên, Bí thư Huyện đoàn mới được bầu tại đại hội Đoàn vừa qua, đang tiếp cận công việc. Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy mới được bố trí sang làm Trưởng Đài Truyền thanh huyện. Trong bối cảnh đó, ngày 15-10-2012, UBND huyện có báo cáo bước đầu là chưa có chứng cứ kết luận liên quan đến tiêu cực nên đề xuất với Thường trực và BTV Huyện ủy luân chuyển Trưởng phòng Nội vụ, giới thiệu cho HĐND xã Hòa Xá bầu làm Chủ tịch UBND xã.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Xuyên, toàn bộ những sai phạm và việc xử lý cán bộ, đảng viên có liên quan trong thi tuyển viên chức ngành giáo dục đã được huyện Ứng Hòa báo cáo lãnh đạo TP Hà Nội và các đoàn công tác được giao trách nhiệm thanh tra quy trình thi tuyển công chức tại 29 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Đây là một sự việc đau lòng, một hiện tượng cá biệt - "con sâu làm rầu nồi canh", lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật để giữ vững kỷ cương phép nước.

Chưa phát hiện việc đưa tiền, nhận tiền để “chạy” vào công chức, viên chức

Thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Công văn số 4635/BNV-CCVC ngày 21-12-2012 của Bộ Nội vụ và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Sở Nội vụ thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác tuyển dụng, do 3 Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn, có đại diện Bộ Nội vụ tham gia làm thành viên. Ngày 26-12-2012, các đoàn đã tiến hành kiểm tra tại quận Hà Đông và hai huyện Thanh Trì, Ứng Hòa.

Đoàn kiểm tra tại UBND quận Hà Đông cho biết: Các thí sinh đều được tạo điều kiện thuận lợi theo quy định và không thấy có hiện tượng tiêu cực.

Đoàn kiểm tra tại UBND huyện Thanh Trì đã phát hiện một trường hợp sai sót trong tổng hợp điểm xét tuyển của thí sinh dự thi khối mầm non.

Đoàn kiểm tra tại huyện Ứng Hòa ghi nhận việc chủ động tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời các cán bộ vi phạm trong quá trình tuyển dụng của huyện (ngày 3-10-2012 đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra - trước khi có ý kiến phát biểu của một đại biểu HĐND TP).

Trên cơ sở báo cáo kết quả tự kiểm tra của các quận, huyện, thị xã và kết quả kiểm tra do đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ tiến hành tại 3 quận, huyện cho thấy: Công tác tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã năm 2012 đã bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Tính đến ngày 4-1-2013 chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để "chạy" vào CCVC, kể cả các trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành giảng bài (thi vấn đáp). Có cán bộ CCVC thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ (như tại huyện Ứng Hòa). Vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng bằng THPT giả để đi học chuyên nghiệp hoặc dùng bằng chuyên nghiệp giả để tham gia tuyển dụng (như tại Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây...). Đã phát hiện trường hợp Nguyễn Thị Thu Hằng ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm mạo danh cán bộ của ngành nội vụ Hà Nội lừa đảo hứa "chạy" vào làm giáo viên tại các trường phổ thông ở Hà Nội và chiếm đoạt 280 triệu đồng của 3 thí sinh. Công an TP Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử.

Về việc xử lý cán bộ vi phạm, lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định sẽ được thực hiện nghiêm minh theo quy định của pháp luật, theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ và việc xử lý cán bộ đều có Hội đồng kỷ luật.

Hiền Chi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
12 cán bộ có "tác động" đã bị xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.