Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đăng ký xe chính chủ: Cũng cần phải… thông thái

Nguyễn Linh| 26/01/2013 07:33

(HNM) - Các cơ quan chức năng ước tính, hơn 40% số phương tiện đang lưu thông là xe không chính chủ. Điều này có nguyên nhân là do thủ tục sang tên đổi chủ rườm rà, lệ phí cao, gây nhiều phiền toái cho người dân. Bên cạnh đó, các chủ xe cũng rất khó khăn trong hành trình đi tìm chính chủ, ấy là chưa kể tới nhiều trường hợp là không thể thực hiện được.

Người khóc, kẻ cười

Gần 10 năm trước, khi Hà Nội ra quyết định dừng việc đăng ký xe tại khu vực nội thành, Nguyễn Văn Sơn (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) đã cho nhiều người mượn tên để đăng ký xe. Mỗi lần đi làm thủ tục, Sơn bỏ túi từ dăm bảy trăm nghìn đến cả triệu đồng. Cứ tưởng "tiền trao cháo múc" là xong, nào ngờ từ khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với những người đi xe không đăng ký chính chủ, Nguyễn Văn Sơn liên tục có những vị khách "bất đắc dĩ" hỏi thăm. Những người từng thuê anh làm đăng ký xe lại đến "nhờ" Sơn xác nhận giấy tờ mua bán, cho tặng để đi đổi đăng ký xe. Người ít, người nhiều, ai cũng tự nguyện đưa tiền cho Sơn như một thứ dịch vụ.



Trong khi những người như Sơn "được mùa" thì không ít chủ phương tiện rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười. Sau cả chục năm, chiếc xe gần 20 triệu đồng lúc trước, giờ chỉ có giá 5-6 triệu đồng hoặc thấp hơn. Tiền mua xe mới chưa có, nếu không sang tên, đi ra đường chỉ nơm nớp lo bị CSGT xử phạt. Vậy nên nhiều người sẵn sàng chi thêm một khoản để làm thủ tục "trả lại tên cho em". Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cũng không đơn giản nên một số người đã phải cất công nhờ tới các cơ sở làm dịch vụ.

Tranh thủ làm ăn

Tại Hà Nội, dịch vụ truy tìm chủ xe ô tô đã có từ lâu. Nhưng sau khi có Nghị định 71/2012/NĐ-CP, thị trường này mở rộng tới xe máy. Đến nay, dù lực lượng chức năng đã khẳng định, trong lúc chờ thông tư hướng dẫn, tạm thời chưa xử phạt lỗi phương tiện chưa sang tên, đổi chủ. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều người vẫn muốn hoàn thành thủ tục nói trên, bảo đảm việc điều khiển phương tiện lưu thông trên đường là đúng luật pháp, vì vậy dịch vụ "ăn theo" nhu cầu đó vẫn có đất sống.

Để tìm hiểu thực tế chúng tôi có mặt tại chợ xe máy cũ ở khu vực chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội). Một phụ nữ tên Thu Hoàn sau khi căn vặn chi tiết về loại xe, biển số, giá trị thực của xe cho biết, chỉ nhận làm dịch vụ sau khi khách hàng đóng tiền cọc và cam kết thanh toán đủ các chi phí phát sinh (nếu có) trong khi truy tìm chính chủ. Đó là các khoản gồm tiền tàu xe đi lại, sinh hoạt phí (ăn, uống, lưu trú, phí làm thủ tục…) của nhân viên đi làm dịch vụ, tiền "lót tay" cho người đứng tên đăng ký xe để họ vui vẻ đi làm xác nhận mua - bán, cho - tặng xe.

Liên hệ với cơ sở mang tên Taxi trực tuyến 24/7, một người đàn ông xưng tên Phương cam kết: Cơ sở chỉ ký hợp đồng làm dịch vụ nếu đã nhận đủ bản sao CMND, hộ khẩu thường trú, ảnh chụp mới nhất của chủ xe, bản sao đăng ký xe, cà vẹt (cà số khung, số máy xe), tất cả được chuyển vào hộp thư điện tử. Với mạng lưới cộng tác viên ở khắp nơi trên cả nước, cơ sở này sẽ làm việc nhanh nhất có thể, mỗi kết quả tìm kiếm chính chủ thành công, chi phí sẽ khoảng hơn 500.000 đồng.

Điều oái oăm là tìm đến dịch vụ "sang tên, đổi chủ" để làm lại đăng ký xe thường là những người có điều kiện kinh tế eo hẹp. Lý do là vì người giàu thì chẳng mấy người mua xe cũ, lại cũ tới mức đã mua đi bán lại nhiều lần đến nỗi khó tìm được chính chủ. Trong số đó có nhiều người làm nghề xe ôm, học sinh, sinh viên nghèo, rồi cửu vạn chuyên chở hàng thuê… Chính sự phiền hà, tốn kém của thủ tục sang tên, đổi chủ lại thêm một lần khiến hàng triệu người đi xe không chính chủ lo lắng cho phương tiện mưu sinh của mình. Trong khi đó, ngoài các cơ sở làm dịch vụ tìm kiếm chính chủ, hỗ trợ khách hàng làm lại đăng ký xe, có không ít dịch vụ lừa. Nhiều khách hàng sau khi nộp đủ giấy tờ, ký hợp đồng dịch vụ, trao tiền, nhưng mãi không nhận được kết quả tìm kiếm chính chủ, bản xác nhận mua bán, cho tặng xe…

Trước những bức xúc của dư luận về "xe chính chủ", Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan soạn thảo văn bản hướng dẫn về quy trình và mức phí khi sang tên đổi chủ. Mới đây, Phòng CSGT (Công an Hà Nội) cho biết: Hiện lệ phí sang tên, đổi chủ xe máy chỉ còn khoảng 200.000 đồng, trong thời gian không quá 2 ngày. Dù vậy, trong khi chờ đợi các hướng dẫn "thoáng" hơn từ cơ quan chức năng, các luật gia khuyến cáo: công dân có nhu cầu đăng ký xe chính chủ phải trực tiếp tìm hiểu thủ tục từ các văn phòng luật, rồi tự đi đăng ký xe, như vậy mới bảo đảm hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăng ký xe chính chủ: Cũng cần phải… thông thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.