Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhà báo có thể tự bảo vệ mình

Vũ Thủy| 21/06/2013 06:00

(HNM) - Thông tin hơn 50 vụ việc nhà báo bị cản trở, hành hung chưa được giải quyết một cách thỏa đáng trong 5 năm gần đây được Hội Nhà báo Việt Nam vừa công bố trong buổi tọa đàm mới đây với nội dung

Nghề báo là nghề nguy hiểm, mỗi nhà báo luôn ý thức tự bảo vệ, giữ mình trong lúc tác nghiệp và suốt cuộc đời làm báo của mình. Đó là thông điệp từ những ý kiến trao đổi, tâm sự về nghề báo của đại diện các cơ quan quản lý báo chí, luật sư, nhà báo tại khu vực phía Nam. Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), người có hơn chục năm làm báo cho rằng, ngoài tự trau dồi, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, các tòa soạn báo cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật cho đội ngũ những người làm báo cơ quan mình, nhằm tránh rủi ro cho tòa soạn và phóng viên khi tác nghiệp. Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, phóng viên có quyền tác nghiệp trong các phiên xử công khai nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Nhưng thực tế nhiều phóng viên khi tham dự phiên tòa đã không thông báo cho tòa, nên nhiều trường hợp bị chủ tọa mời ra ngoài và không cho tác nghiệp. "Ở phiên tòa, phóng viên mất quyền tác nghiệp còn có cơ hội sửa sai, nhưng nếu tác nghiệp ở những hiện trường phức tạp (cưỡng chế thu hồi đất, hiện trường vụ án đặc biệt nghiêm trọng hoặc những nơi tụ tập đông người) mà phóng viên không xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy tờ chứng minh thì có nguy cơ gặp phiền hà với cơ quan bảo vệ pháp luật là rất lớn. Vì vậy, trừ những trường hợp đặc biệt, cách tốt nhất để bảo vệ mình là phóng viên phải xuất trình được giấy tờ chứng minh đang tác nghiệp". Luật sư Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.

Quá trình dấn thân của nhà báo là cần thiết nhưng không nên dấn thân đến mức vi phạm pháp luật. Nhà báo không thể để tình trạng khi đứng trước vành móng ngựa rồi mới nói vì không hiểu pháp luật nên làm vậy. Khi dấn thân, nhà báo phải biết chọn mức độ để dừng lại, nhất là khi nhập vai để điều tra, không nên dùng hành động tiêu cực để phản ảnh hành động tiêu cực. Luật sư Đức lưu ý thêm. Đồng quan điểm, nhà báo Lý Trung Dung, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhà báo phải am hiểu luật pháp, phải biết điểm dừng để tự bảo vệ mình, không thể dũng cảm xông pha theo kiểu bất chấp để dẫn đến hệ lụy xấu, nguy hiểm. Khi nhà báo đã không tự bảo vệ được mình thì làm sao có thể bảo vệ người khác?

Rủi ro luôn ẩn chứa trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của nhà báo. Điều này xuất phát từ tính chất "nóng", nhanh nhạy của thông tin mà nhà báo mang tới và những xung đột lợi ích với những đối tượng được báo chí thông tin, phản ánh, phanh phui, nhất là trong lĩnh vực điều tra chống tiêu cực. Theo nhà báo Thu An (Báo Tuổi trẻ), trước hết đối với một nhà báo là phải tuân thủ các quy định của pháp luật và không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền được nhận thông tin và được thông tin. Mỗi nhà báo phải tự chăm sóc, phát huy và bảo vệ tốt nhất nguồn tin của mình. Vì nếu nhà báo không có nguồn tin, không xây dựng nguồn tin - đồng nghĩa với việc đang dần tự từ chối quyền hành nghề. Ai sẽ cộng tác với nhà báo, ai sẽ cung cấp thông tin cho nhà báo, sẽ hỗ trợ nhà báo tác nghiệp khi nhà báo đó không bảo vệ họ? Nếu nhà báo không thể bảo vệ được nguồn tin của mình thì cũng không thể tự bảo vệ mình. Quan trọng hơn nữa, nhà báo phải luôn tỉnh táo để ứng xử đúng trong mọi tình huống, không để bẻ cong ngòi bút, không để phải viết những điều không đúng… Đó cũng là sự tự bảo vệ quyền hành nghề chính đáng, hợp pháp của mình; bảo vệ lý tưởng nghề nghiệp mà mình theo đuổi.

Ông Đào Văn Lừng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam cho rằng, thời gian qua có rất nhiều khiếu nại của các cá nhân, tổ chức về việc các thông tin trên báo xâm phạm quyền dân sự của họ. Trong đó vi phạm nằm ngay ở những thông tin thông thường chứ chưa nói đến vấn đề đấu tranh chống tiêu cực. Vì thế, trước hết và trên hết, nhà báo phải biết tự bảo vệ mình và phải xem đó như một kỹ năng. Muốn thế các nhà báo cần không ngừng trau dồi nhiều hơn phẩm chất chính trị, nghiệp vụ, kiến thức, hiểu biết luật pháp… để có thể tự bảo vệ mình trước những rủi ro, nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nhà báo có thể tự bảo vệ mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.