Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình trạng người dân "cấm vận" trang trại chăn nuôi ở xã Lại Thượng (Thạch Thất): Bao giờ đến hồi kết?

Minh Hoàng - Trần Lê| 13/08/2013 06:42

(HNM) - Hành động

Trang trại của các ông Nguyễn Đình Thuận, Đinh Xuân Thủy, Trịnh Kim đã được UBND huyện Thạch Thất ký hợp đồng cho thuê đất đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả tại xứ đồng Xung, thôn Phú Thụ, xã Lại Thượng với thời hạn 30 năm (2007- 2037). Cuối năm 2011, các TT chăn nuôi của hộ ông Đinh Xuân Thủy và Trịnh Văn Kim đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Tích, gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình đó, UBND huyện Thạch Thất đã xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả đối với các chủ TT nêu trên và các chủ TT đã nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3-2013 đến nay, nhân dân thôn Hoàng Xá (giáp ranh với các TT) đã có nhiều hành vi cản trở hoạt động sản xuất, đồng thời yêu cầu chủ các TT phải chấm dứt việc chăn nuôi lợn tại đây, chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới. Việc "cấm vận" này kéo dài, chưa được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng giải quyết triệt để đã và đang khiến các chủ TT có nguy cơ phá sản.

Cột bê tông được người dân thôn Hoàng Xá dựng lên từ cuối tháng 3 đến nay chưa được phá dỡ.



Ngày 7-8, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đến cơ sở chăn nuôi lợn thịt ở đồng Xung. Ngay ở đầu tuyến đường vào khu TT, hai cột bê tông lớn được người dân dựng giữa đường, hai bên đường xẻ thành rãnh lớn, ô tô không thể đi qua. Phía ngoài cột bê tông (đầu làng Hoàng Xá), một túp lều được dựng lên, bên trong có 3-4 người dân đang làm nhiệm vụ "giữ chốt". Phải cuốc bộ khoảng 800m, chúng tôi mới đến được khu nuôi lợn. Tiếp cận TT chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Đình Thuận, hơn 700 con lợn (trọng lượng bình quân 100kg/con) đã đến ngày xuất nhưng buộc phải… nằm lại TT. Do bị "cấm vận" nên TT không thể vận chuyển cám vào để chăn lợn khiến đàn lợn gầy đi trông thấy. Khẩu phần ăn của mỗi con là 2,6-2,7kg cám/ngày, nhưng thực tế lợn chỉ được ăn "cầm hơi" 0,6 - 0,7kg/ngày, thậm chí còn bị bỏ đói. Theo ông Thuận, sở dĩ có được thức ăn để chăn lợn là do công nhân của TT phải vận chuyển "kiểu du kích" bằng xe máy, hoặc vác cám đi len lỏi qua các quả đồi, ruộng sắn, bờ ruộng… vào TT. Nhiều lần, công nhân của các TT chở cám đã bị người dân Hoàng Xá cản trở, thậm chí còn bị người dân lấy hoặc rạch, phá bao cám... "Nhìn đàn lợn gầy đi vì không có cám ăn, lợn đến lứa xuất mà không bán được, chúng tôi xót lắm. Nếu chẳng may rủi lợn chết thì thiệt hại về kinh tế sẽ không thể tính nổi" - ông Thuận buồn rầu. Ông Trịnh Văn Kim cũng có tâm trạng chán chường không kém. Hiện tại, TT của gia đình ông đang tồn khoảng 400 con lợn đã đến ngày xuất nhưng thường xuyên bị bỏ đói.

Tại đây, chúng tôi ghi nhận được nhiều nỗ lực của các chủ TT trong việc thực hiện cam kết BVMT. Ở TT của hộ ông Nguyễn Đình Thuận, toàn bộ chất thải, nước thải chăn nuôi đều được thu gom, xử lý qua hầm bioga 4.000m3; thường xuyên phun chế phẩm EM, rắc vôi bột… để khử mùi, khử trùng. Ông Thuận còn phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện thí điểm dự án nuôi tảo nhằm cải tạo nguồn nước mặt, tổ chức quan trắc định kỳ theo cam kết BVMT. Hai TT của hộ ông Trịnh Văn Kim, Đinh Xuân Thủy đã phá dỡ đường ống xả nước thải ra sông Tích, tổ chức quan trắc định kỳ, từng bước thực hiện đúng cam kết BVMT. Toàn bộ lượng chất thải, nước thải chăn nuôi của hai cơ sở này đều được chuyển sang xử lý tại hầm bioga thuộc TT của hộ ông Thuận. Hiện tại, hộ ông Thủy, ông Kim đang phối hợp triển khai xây dựng thêm một hầm bioga 4.000m3, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay. Đến nay, ba TT của hộ ông Nguyễn Đình Thuận, Đinh Xuân Thủy và Trịnh Văn Kim đã lập Đề án BVMT chi tiết TT chăn nuôi lợn trình Sở TNMT thành phố Hà Nội thẩm định, phê duyệt.

Bao giờ có hồi kết?

Tại Công văn số 387/UBND-TNMT ngày 20-4-2013 của UBND huyện Thạch Thất chỉ đạo rất rõ: Đề nghị Đảng ủy xã Lại Thượng, chi bộ thôn Hoàng Xá chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhân dân tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân chủ động tháo dỡ hai cột bê tông đang làm ảnh hưởng đến giao thông tại khu vực đồng Xung, không được cản trở xe chở cám vào các TT và xe chở lợn xuất ra ngoài. Đến 15h ngày 21-4-2013, nếu thôn Hoàng Xá không tự giác tháo dỡ hai cột bê tông, lều bạt tại lối vào 3 TT thuộc khu đồng Xung, UBND xã Lại Thượng tổ chức lực lượng cưỡng chế, tháo dỡ xong trong ngày 21-4-2013". Chỉ đạo của UBND huyện rõ ràng, thời hạn phải hoàn thành tháo dỡ đã định, thế nhưng gần 4 tháng qua, hai cột bê tông và lều canh gác đặt giáp lối đi vào ba TT vẫn còn đó.

Đại diện lãnh đạo thôn Hoàng Xá cho biết, thôn đã phối hợp với cán bộ xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, nhưng người dân không chấp hành, không hợp tác khiến việc giải quyết rất khó khăn. Ông Ngô Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Thượng lo lắng, mâu thuẫn giữa người dân thôn Hoàng Xá với các chủ TT ở Phú Thụ đang rất phức tạp, nếu không được giải quyết dứt điểm thì an ninh trật tự ở địa phương sẽ ngày càng bất ổn…

Nguyện vọng của người dân mong muốn có môi trường trong lành là chính đáng. Điều này đang được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương yêu cầu chủ TT nghiêm túc khắc phục. Tuy nhiên, việc người dân Hoàng Xá yêu cầu các TT chấm dứt chăn nuôi lợn là đòi hỏi bất hợp lý. Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi TT đã đầu tư khoảng 3-4 tỷ đồng tiền thuê đất, xây dựng cơ sở vật chất… Nhằm bảo đảm ổn định tình hình, đồng thời giúp các TT hoạt động ổn định trở lại, đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố, UBND huyện Thạch Thất sớm kiểm tra công tác BVMT tại các TT ở thôn Phú Thụ, công khai kết quả phân tích mẫu nước thải, khí thải tại các TT để người dân biết, đồng thời giải quyết dứt điểm việc người dân đổ cột bê tông, lập "chốt", "cấm vận" các TT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng người dân "cấm vận" trang trại chăn nuôi ở xã Lại Thượng (Thạch Thất): Bao giờ đến hồi kết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.