Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh lương tối thiểu cần cân bằng lợi ích của hai bên

Minh Bắc| 06/09/2013 15:26

(HNMO) - Quan trọng nhất là Hội đồng lương chọn ra được phương án phù hợp nhất, sao cho cân bằng lợi ích của hai bên.

Đó cũng là điều được quy định trong Bộ luật Lao động mới năm 2012 và đây là sự thể hiện vai trò của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình xác định tiền lương tối thiểu. Trước đây, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hàng năm áp dụng theo cách: Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đưa ra các phương án, gửi các bên liên quan tham vấn, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ.

Về lý thuyết có thể thấy rằng các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động thông qua Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng các đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Tất cả các nhu cầu và mối quan tâm của các thành viên, các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tiền lương tối thiểu sẽ được phản ánh qua những đề xuất này. Thông qua thương lượng, tiền lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tại mức phù hợp giúp cân bằng lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Ngay số lượng các thành viên tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia của ba bên ngang nhau cũng phần nào thể hiện tính công bằng trong thương lượng. Sự tham gia của các đại diện Chính phủ (Bộ LĐTB&XH) trong Hội đồng sẽ giúp Chính phủ thực hiện cam kết duy trì tiền lương tối thiểu với tư cách là một cơ chế bảo vệ người lao động nhận mức lương thấp nhất.

Hiện nay, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam thường được xem như là “tiền lương cơ bản” để từ đó tính ra các mức lương cho các nhóm lao động khác nhau trong các doanh nghiệp nhà nước. Các mức tiền lương này được sử dụng làm cơ sở tính toán nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đóng các loại phí trong các tổ chức chính trị xã hội... Thực ra, tiền lương tối thiểu phải được xem là mức lương "sàn", theo đó tiền lương không được trả thấp hơn mức này. Với cách tiếp cận như vậy thì tiền lương tối thiểu chủ yếu liên quan tới nhóm lao động yếu thế nhất với chức năng cung cấp một mức sống tối thiểu cho họ. Còn người lao động hưởng mức lương trung bình trên thị trường sẽ thương lượng tiền lương với người sử dụng lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc thương lượng cá nhân.

Với cách hiểu như thế thì vấn đề xác định mức tiền lương tối thiểu cũng không phải dễ dàng bởi trước hết Hội đồng lương phải thống nhất được những danh mục, tiêu thức áp dụng để xác định tiền lương tối thiểu nhằm đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ trong việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Nếu xét theo chi phí sinh hoạt tối thiểu (hoặc ngưỡng nghèo đói) thì phải tính toán thật khoa học sự thay đổi của giá cả sinh hoạt. Ngoài ra còn phải xem xét đến mức tiền lương trung bình trong cả nước, năng suất lao động...

Mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất các phương án tăng lương tối thiểu năm 2014 với mức lương tối thiểu tăng thêm so với năm 2013 từ khoảng 21-36%. Đề xuất này được đưa ra từ kết quả khảo sát trong năm 2013 của Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tại 68 doanh nghiệp trong khắp cả nước. Theo các kết quả khảo sát của Viện cho thấy, tiền lương trung bình của người lao động ở các doanh nghiệp khảo sát đạt 3,667 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, vẫn còn 5,2% số lao động có mức lương dưới 2 triệu đồng. Trong khi đó, mức sống tối thiểu chung của người lao động (chưa tính nuôi con) là 1,928 triệu đồng/tháng và nếu tính cả nuôi con là 3,278 triệu đồng/tháng. Hầu như toàn bộ tiền lương, thu nhập của người lao động chi hết cho cuộc sống thiết yếu, không còn để tích lũy. Với mức lương này, đời sống tối thiểu của người lao động chỉ đảm bảo 62-68% tùy theo vùng, cuộc sống người lao động còn nhiều khó khăn. Với cách tính đó, dự báo mức sống tối thiểu năm 2014 sẽ phải từ 2,435 - 4,113 triệu đồng/tháng, tùy theo khu vực cụ thể.

Trên cơ sở đó, đại diện người lao động đã đề xuất 2 phương án mức lương tối thiểu năm 2014 để trình Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định mức lương tối thiểu năm 2014. Theo phương án 1, mức lương tối thiểu năm 2014 sẽ được điều chỉnh tăng thêm so với năm 2013 từ 400.000 - 850.000 đồng (khoảng 24-36%), lên thành 2,05-3,2 triệu đồng/tháng, đáp ứng 77-84% nhu cầu và mức sống tối thiểu của người lao động. Phương án 2, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu tăng từ 350.000-750.000 đồng (21-32%), đáp ứng khoảng 75-82% nhu cầu sống tối thiểu. Còn phía đại diện Chính phủ trong Hội đồng tiền lương quốc gia cho hay, lương tối thiểu vùng trong năm 2014 sẽ tăng bao nhiêu phần trăm là chưa thể nói trước được. Bởi tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của đất nước nữa. Nhưng chắc chắn là lương tối thiểu phải tăng và phải bù được mức trượt giá hàng năm để đảm bảo đời sống của người lao động.

Bên cạnh việc quy định mức lương tối thiểu, nghĩa là mức lương “sàn” để yêu cầu doanh nghiệp không được trả thấp hơn mức đó cho người lao động, Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng luôn khuyến khích cả “2 bên” (chủ sử dụng lao động và người lao động) thương lượng để có mức lương cao hơn cho người lao động tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đóng góp của người lao động. Được biết, trước đây đại diện của chủ sử dụng lao động cũng đã từng phản đối đề xuất tăng tiền lương tối thiểu với lý do đang khủng hoảng và suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp không chịu được.

Nói chung, việc đưa ra được một phương án điều chỉnh lương thống nhất giữa đại diện chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động luôn rất khó khăn. Quan trọng nhất là Hội đồng lương chọn ra được phương án phù hợp nhất, sao cho cân bằng lợi ích của hai bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh lương tối thiểu cần cân bằng lợi ích của hai bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.