Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giá các tuyến xe buýt phía tây Hà Nội: Bao giờ thành hiện thực?

Thu Hằng| 09/12/2013 03:02

(HNM) - Đã hơn 5 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, thế nhưng đến nay người dân khu vực ngoại thành như Ba Vì, Mỹ Đức, Sơn Tây, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất… khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng

Mong mỏi được trợ giá

Rất nhiều người dân tỏ ra băn khoăn khi trao đổi với chúng tôi về việc chậm triển khai trợ giá xe buýt cho các tuyến khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) thời gian qua. Bà Bùi Thị Dung, xã Đông Sơn (Chương Mỹ) cho biết, nhiều năm qua bà là hành khách thường xuyên đi tuyến xe buýt Yên Nghĩa - Xuân Mai và ngược lại nhưng hỏi nhà xe thì họ nói không bán vé tháng. Chiều dài tuyến chỉ khoảng 16km nhưng mỗi lượt đi phải trả 12.000 đồng/người. Trong khi đó, cùng là xe buýt nhưng tuyến số 02 (Yên Nghĩa - Bác Cổ) chiều dài tương đương nhưng hành khách chỉ phải trả 5.000 đồng/lượt/người. "Chúng tôi mong mỏi từng ngày được trợ giá để việc đi lại giảm bớt khó khăn nhưng đợi mãi chẳng thấy kết quả gì". - Bà Dung cho biết.

Tuyến xe buýt 77 (Yên Nghĩa - Sơn Tây) vẫn chưa được trợ giá.


Cùng tâm sự, chị Nguyễn Thị Hương, xã Lại Thượng (Thạch Thất) cho biết, tôi đã hỏi nhiều người thường xuyên đi các tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố Hà Nội đi huyện Sóc Sơn, Đông Anh… người dân cũng chỉ phải trả 7.000 đồng/lượt. Lý do, các tuyến đó đã được Nhà nước trợ giá, còn các tuyến thuộc địa bàn Hà Tây (cũ) thì chưa. Tại sao chúng tôi lại phải chịu thiệt thòi như vậy?. Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan, xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) thường xuyên đi tuyến xe buýt số 77 (Yên Nghĩa - Sơn Tây) than thở: Cứ tưởng sau khi về Hà Nội, người dân các huyện ngoại thành sẽ được trợ giá khi tham gia giao thông bằng dịch vụ VTHKCC, thế mà suốt 5 năm qua chúng tôi vẫn phải đi xe buýt giá cao ngất ngưởng. Hiện tại, mỗi lượt đi tôi phải trả cho nhà xe 25.000 đồng. Không những phải trả giá cao, mà nhiều hôm còn bị lỡ xe vì nhà xe "cắt bớt" chuyến do vắng khách.

Lợi ích từ việc trợ giá xe buýt đã nhiều lần được khẳng định là sẽ thu hút được nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ VTHKCC, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, giảm chi phí đầu tư phương tiện cá nhân và đặc biệt là giảm được phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố. Hiệu quả hơn nữa, là giảm được quỹ đất dành cho giao thông tĩnh, nâng cao tính an toàn của hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông, nhất là các trục đường chính như QL6, QL32, QL21B… Vậy nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay các tuyến xe buýt còn lại, vẫn chưa được trợ giá? Điều này đồng nghĩa với việc người dân vẫn chưa được hưởng ưu đãi.

Bắt đầu trợ giá từ tháng 1-2014?

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội, ngay sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức, điều chỉnh lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Tây (cũ) nhằm mục đích tích hợp với mạng lưới xe buýt trên địa bàn toàn thành phố, giảm thiểu trùng tuyến và mở rộng được vùng phục vụ của tuyến, không chồng chéo. Theo đó, từ 7-8 tuyến đơn lẻ (cuối năm 2008), đến năm 2012 đã hình thành nên 12 tuyến bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung theo đề án phát triển VTHKCC trên địa bàn Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt, tạo sự liên thông và kết nối trung tâm các huyện ngoại thành và trung tâm thành phố, mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng (điểm dừng đỗ, thiết lập mô hình quản lý các doanh nghiệp, chỉnh trang phương tiện…). Hiện nay, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội có 86 tuyến. Mặc dù Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn, triển khai trợ giá xe buýt nhằm giúp người dân giảm chi phí đi lại, thu hút ngày càng đông người dân đi phương tiện VTHKCC, nhưng đến nay vẫn còn 12 tuyến xe buýt ở các huyện thuộc địa bàn Hà Tây (cũ) chưa được trợ giá như tuyến số 77 (Yên Nghĩa - Sơn Tây); tuyến số 74 (Mỹ Đình - Xuân Khanh); tuyến số 71 (Mỹ Đình - Đại lộ Thăng Long - Xuân Mai); tuyến số 72 (Yên Nghĩa - Xuân Mai); tuyến số 70 (Cầu Giấy - Sơn Tây)…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Sau khi hoàn thành việc tổ chức lại mạng lưới và cải tạo, nâng cấp hạ tầng, ngày 12-4-2013, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND thành phố về việc thực hiện cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt có trợ giá đối với 12 tuyến đang thực hiện tại địa bàn Hà Tây (cũ). Ngày 24-4-2013, UBND thành phố đã có văn bản số 2939/UBND-KT về việc thực hiện cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ VTHKCC có trợ giá từ ngân sách. Theo đó, UBND thành phố đồng ý về chủ trương đối với đề xuất của Sở GTVT nhằm thực hiện mục tiêu an sinh xã hội và giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

Chỉ đạo của UBND thành phố rõ như vậy nhưng đến nay đã gần hết năm 2013, việc trợ giá vẫn chưa thực hiện? Lý giải điều này, ông Hải cho biết thêm, nguyên nhân chậm thực hiện trợ giá là do sau khi UBND thành phố đồng ý về mặt chủ trương thì cùng thời điểm đó trên địa bàn Hà Nội có sự biến động về hạ tầng. Cụ thể, bến xe Kim Mã chuyển đổi công năng sang việc khác, do vậy điểm trung chuyển xe buýt tại đây phải chuyển sang khu vực Cầu Giấy; trên trục QL32 hình thành 1 điểm trung chuyển xe buýt tại Nhổn… Để phát huy hiệu quả của phương tiện VTHKCC, Sở GTVT phải khảo sát lại, lên phương án cụ thể, phù hợp với tình hình chung của địa phương trên cơ sở không trùng tuyến, phát huy hiệu quả của mạng lưới, tránh lãng phí phương tiện khi thực hiện trợ giá. Cũng theo ông Hải, hiện tại Sở GTVT đã hoàn thành việc khảo sát, lên phương án đặt hàng, dự kiến từ 1-1-2014 sẽ áp dụng trợ giá cho 4 tuyến (Phùng - Tây Đằng; Phùng - Xuân Khanh; Yên Nghĩa - Xuân Mai và Yên Nghĩa - Ba Thá). Các tuyến còn lại sẽ áp dụng trợ giá trong giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trợ giá các tuyến xe buýt phía tây Hà Nội: Bao giờ thành hiện thực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.