Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động của các văn phòng thừa phát lại: Vẫn chưa hết khó

Hà Phong| 16/09/2016 07:02

(HNM) - Hà Nội là một trong 13 tỉnh, thành phố được lựa chọn thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại (TPL). Với kết quả đạt được, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho thực hiện chính thức Chế định TPL trong phạm vi cả nước từ tháng 1-2016.


Đến thời điểm này, các văn phòng TPL trên địa bàn Thủ đô đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nhiều khó khăn cũ chưa được giải quyết triệt để...

Chưa đáp ứng yêu cầu giảm tải trong thi hành án

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 văn phòng TPL gồm: Văn phòng TPL Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hà Nội, Thủ Đô, Nam Từ Liêm, Đông Dương. Trong những tháng đầu năm 2016, các văn phòng TPL tống đạt 24.051 văn bản của Tòa án nhân dân (TAND), với tổng số tiền phải thu là gần 527 triệu đồng; 1.097 văn bản của cơ quan thi hành án, thu hơn 101 triệu đồng; lập 1.212 vi bằng, thu gần 5,5 tỷ đồng; triển khai thực hiện 14 vụ việc với tổng số tiền phải thi hành án là hơn 82 tỷ đồng. Ngoài các công việc đã thực hiện xong, thời điểm này Văn phòng TPL Hà Nội đã và đang thụ lý, giải quyết 3 vụ thi hành án theo đơn của đương sự; Văn phòng TPL Hà Đông đang thực hiện 2 vụ từ năm 2015; Văn phòng TPL Ba Đình đang thực hiện 4 vụ từ năm 2015. Tuy nhiên, khối lượng đầu việc triển khai chưa tương xứng với tiềm năng, nhân lực hiện có.

Trong lĩnh vực thi hành án, Hà Nội là địa phương có lượng án lớn, có nhiều vụ việc thuộc danh sách án trọng điểm. Trong 3 năm (2013, 2014, 2015), bình quân mỗi năm, một chấp hành viên thuộc cơ quan thi hành án dân sự phải thi hành 152 việc và 34,9 tỷ đồng. Chưa kể, theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn Hà Nội tăng cả về việc và về tiền so với những năm trước. Trong khi đó, qua đánh giá, mỗi chấp hành viên chỉ có thể thi hành được từ 80 đến 90 việc/năm.

TPL được kỳ vọng như một lực lượng mới có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan thi hành án hiện hành, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức thi hành án, tạo thêm cho người dân quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất cho mình, nhưng rất ít doanh nghiệp, cá nhân sử dụng dịch vụ này khiến cơ quan thi hành án thì quá tải còn các văn phòng TPL thì không có việc. Tâm lý chung của người có bản án cần thi hành cho rằng TPL không phải là cơ quan nhà nước, không bảo đảm được việc tổ chức thi hành án. Những lo lắng này là có cơ sở. Diễn biến những vụ việc thi hành án TPL đã thực hiện cho thấy, một số cơ quan, UBND, công an xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức chưa hiểu nhiều về TPL nên công tác phối hợp còn hạn chế. Không ít trường hợp cán bộ, công chức đã từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL. Phổ biến là tình trạng không tích cực hợp tác, kéo dài thời gian thực hiện yêu cầu của TPL trong phối hợp thi hành án.

Ngay trong việc lập vi bằng - công việc TPL được đặt hàng nhiều nhất, sự hiểu biết của người dân cũng còn hạn chế. Hầu hết khách hàng chưa có thói quen tạo lập chứng cứ, lưu trữ các văn bản, tài liệu trong các giao dịch của mình, khi xảy ra tranh chấp, thiệt hại thì mới tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình. Quy định của pháp luật cho phép vi bằng được sử dụng trong các quan hệ pháp lý khác, tuy nhiên việc quy định không cụ thể là các quan hệ pháp lý nào, cơ quan nào được phép sử dụng vi bằng, dẫn đến TPL gặp khó khăn, lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng vi bằng, gây tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng.

Cần hành lang pháp lý

Nguyên nhân dẫn đến hoạt động của TPL còn gặp nhiều khó khăn là do Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định chính thức thực hiện Chế định TPL trong phạm vi cả nước nhưng các văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của TPL đều là quy định cũ áp dụng trong thời gian thí điểm. Trong khi theo Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội thì từ ngày 1-1-2016 đã chấm dứt việc thí điểm.

TPL được Nhà nước trao quyền để thực hiện quyền lực nhà nước, hoạt động TPL liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau. Do đó, chỉ khi Quốc hội ban hành Luật TPL, đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo hướng điều chỉnh chung các hoạt động mà chấp hành viên và TPL được làm; phân định rõ trách nhiệm phối hợp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đối với việc trực tiếp tổ chức thi hành án… mới bảo đảm được sự bình đẳng, hoạt động lâu dài, hiệu quả của các văn phòng TPL, tránh nhiều cách hiểu khác nhau về TPL.

Thời gian qua, mặc dù UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các cơ quan báo chí, các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TPL bằng nhiều hình thức nhưng nhiều người dân vẫn chưa tin tưởng đối với một số việc do TPL thực hiện. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất, trước mắt, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về TPL, cần ghi nhận chức năng thi hành án của văn phòng TPL vào trong bản án của Tòa án, giúp người dân nắm bắt được; đồng thời nghiên cứu hỗ trợ tài chính cho hoạt động TPL thông qua chính sách khuyến khích hoạt động như miễn, giảm thuế trong một thời gian nhất định góp phần bảo đảm tính cạnh tranh giữa hai hệ thống công - tư và tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho loại hình dịch vụ công do tư nhân thực hiện và còn khá mới mẻ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động của các văn phòng thừa phát lại: Vẫn chưa hết khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.