Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Hà Phong| 09/02/2017 06:59

(HNM) - Tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình sửa Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng chưa được Quốc hội thông qua.


Lần này, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất thực hiện trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Một trong những phương án được đưa ra là tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để bảo đảm việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng!

Khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm và có đủ sức khỏe. Mặt khác, với quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ khiến có sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu của hai giới. Chưa kể, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai, lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không thể bảo đảm trong dài hạn.

Với thực tế này, dù sau nhiều lần đề xuất không thành công, Bộ LĐ-TB&XH vẫn kiên trì đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án để việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động do cơ quan này đề xuất là: Tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng (phương án 2), nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, phương án giữ như hiện hành: Tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi (phương án 1) cũng được Bộ LĐ-TB&XH đặt ra.

Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung ở nhiều nước. Chẳng hạn, ở Australia năm 1993 tuổi nghỉ hưu của nam là 65, nữ là 60; đến năm 2002 tuổi nghỉ hưu của nam giữ nguyên, nhưng nữ tăng lên 62,5; dự kiến năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ đều là 65.

Trước bối cảnh chung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên khá, vì vậy cần tính toán rất cụ thể. Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích, phương án 1 Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giữ lại như bộ luật hiện hành vẫn giải quyết được vấn đề những người có năng lực, trình độ chuyên môn tiếp tục làm việc, cống hiến chất xám, đồng thời sử dụng được nguồn nhân lực và giải quyết được vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm của một lực lượng lao động hiện nay. Phương án thứ 2 cũng tốt nhưng cần phải tính lộ trình.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Cao Minh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1-1-2022 là hợp lý nhằm tránh dư luận cho rằng, đề xuất như vậy để kéo dài thời gian tại nhiệm. Trước áp lực việc làm trên thị trường lao động hiện nay, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH phải xem xét hết sức thận trọng. “Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng sức ép việc làm, giảm cơ hội của lao động trẻ" - ông Chính nói.

Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo để tổng hợp và hoàn thiện lựa chọn phương án chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2017). Sau khi Quốc hội cho ý kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.