Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an ninh, trật tự tại bệnh viện: Nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu

Thu Trang - Thành Tâm| 11/05/2017 06:18

(HNM) - Cách đây 3 tuần, sau sự việc bố của một bệnh nhi hành hung trọng thương một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội), Báo Hànộimới đã có bài viết đề cập sự cấp thiết phải có giải pháp bảo đảm an ninh ở các bệnh viện một cách hiệu quả.


Lắp đặt hệ thống camera ở các khoa, phòng… sẽ góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở y tế.


"Nóng" hơn bao giờ hết...

Vào khoảng 4h ngày 7-5, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội tiếp nhận một thanh niên bị chấn thương do đánh nhau (ở bên ngoài). Kíp trực tiến hành xử trí vết thương ở vùng đầu và để người bệnh nằm theo dõi tại khoa. Khoảng 30 phút sau, một nhóm thanh niên mang hung khí khống chế lực lượng bảo vệ và xông vào Khoa Cấp cứu tấn công bệnh nhân này.

Cùng ngày, vào 15h20, BV Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận một bệnh nhân nữ được hai nam thanh niên đưa đến bằng xe mô tô. Khi đưa bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu thì một thanh niên đi cùng có những lời lẽ xúc phạm nhân viên y tế, nhân viên an ninh của BV. Để bảo đảm an toàn, các nhân viên an ninh đã yêu cầu đối tượng đó ra khỏi Khoa Cấp cứu. Sau khoảng 5 phút, đối tượng trở lại, trên tay cầm một con dao tiếp tục đe dọa và định tấn công các nhân viên an ninh.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự BV. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra 6 vụ gây rối, mất an ninh BV nghiêm trọng. Những vụ việc nổi cộm này cho thấy tình hình an ninh, trật tự tại BV đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đánh giá: Một trong những nguyên nhân cơ bản của vấn đề mất an ninh, trật tự BV là thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo BV. Nhiều cơ sở y tế chưa có sự quan tâm đúng mức đến các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự; không tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột. Không ít BV chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên nhân viên bảo vệ.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, với trường hợp nhóm đối tượng lên tới hàng chục người mang theo hung khí lao vào BV Đại học Y Hà Nội thì "rất khó chống đỡ". Sự việc này một lần nữa là bài học cảnh giác cho tất cả các đơn vị y tế. Ông Nguyễn Viết Tiến đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh tiếp tục kiểm tra, rà soát công tác an ninh trật tự đã và đang được thực hiện ở các BV hiện nay để có biện pháp đối phó thích hợp.


Với sự hỗ trợ của cơ quan công an, lực lượng bảo vệ cần trở thành nòng cốt bảo đảm an ninh bệnh viện.


Chủ động phòng ngừa, chế tài nghiêm khắc

Gõ cụm từ “hành hung nhân viên y tế”, chỉ chưa đầy 1 phút, trang mạng Google đã cho ra gần 1,2 triệu kết quả. Con số này cho thấy, vấn đề bảo đảm an ninh tại “nơi cứu người” đã và đang là nỗi lo lắng không chỉ của riêng ngành Y tế mà của toàn xã hội.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ, khi những y, bác sĩ bị hành hung, chắc chắn niềm yêu nghề, nhiệt huyết và sự tự tin sẽ giảm đi rất nhiều và bệnh nhân là người chịu thiệt thòi. “Xã hội hãy cùng lên tiếng mạnh mẽ để nhìn nhận sự việc một cách công bằng, không thể mãi “điệp khúc” xin lỗi, thông cảm, hòa giải…, trong khi các vụ tấn công nhân viên y tế ngày càng gia tăng. Những trường hợp hành hung y, bác sĩ phải bị truy tố theo luật hiện hành, kèm theo yếu tố tăng nặng” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.

Đề cập giải pháp tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các BV, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) Phạm Văn Tám cho rằng, việc đầu tiên, các cơ sở y tế cần hoàn thiện cơ sở vật chất liên quan trang thiết bị bảo đảm an ninh, trật tự như: Có hàng rào cách ly; lắp đặt camera ở các khoa, phòng, đường đi lại… Tại cổng kiểm soát người ra vào, yêu cầu người dân sử dụng thẻ thăm khám và phải có bảng hướng dẫn chi tiết về giờ thăm; công khai quy trình khám, chữa bệnh; dán thông tin cảnh báo cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân biết để đề phòng… Cùng với đó, các BV phải lựa chọn lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp và thường xuyên tập huấn cho họ về việc xử lý các tình huống có thể xảy ra. Bởi đây là lực lượng xử trí đầu tiên, trước khi có sự góp mặt của lực lượng công an.

Còn theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý triệt để các ổ nhóm, đối tượng hoạt động tội phạm, tệ nạn tại khu vực BV. Ngoài 15 tổ công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại 15 BV lớn như hiện nay, các tổ công tác 142 của Công an thành phố sẽ được tăng cường cho địa bàn này. Công an thành phố cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ bảo vệ, giúp họ có đủ khả năng bảo đảm an ninh trật tự tại BV.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến yêu cầu các BV phải xây dựng lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, đồng thời củng cố đội an ninh phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó khi có các sự cố xảy ra. Mặt khác, lãnh đạo các BV phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương để có phương án giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an ninh, trật tự tại bệnh viện: Nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.