Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để truyền thông góp sức hiệu quả

Mai Hoa| 14/05/2017 07:21

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Giải Báo chí toàn quốc với chủ đề

Vai trò, trách nhiệm của cơ quan truyền thông

Bàn về vấn đề truyền thông với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu cho rằng, thực tiễn đã và đang ngày càng chứng minh báo chí, truyền thông có vai trò to lớn trong công tác này. Nhưng, trong thực tế, không phải ở đâu và lúc nào vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ, và không phải lúc nào các cơ quan truyền thông, nhà báo cũng có điều kiện tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Mặt khác, ngay với chính bản thân nhà báo, không phải lúc nào họ cũng có đủ nhận thức, kỹ năng để vừa tham gia một cách có hiệu quả vào hoạt động nghiệp vụ phức tạp này, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân và cho cơ quan…

Cùng bàn thảo cơ chế phối hợp để báo chí góp sức phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả.


Chia sẻ mối quan tâm về vai trò, trách nhiệm của các đơn vị truyền thông trong công tác này, nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội là nhiệm vụ của báo chí, đã được luật hóa trong Luật Báo chí.

Thực tế cũng đã khẳng định, các cơ quan truyền thông có vai trò tiên phong trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Có hàng nghìn tác phẩm báo chí đã phát hiện, đưa ra ánh sáng và giám sát việc xử lý hàng nghìn vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Điều đáng quan tâm là các nhà báo viết về lĩnh vực này luôn chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu sự chặt chẽ.

Tạo cơ chế để nhà báo "bám" vụ việc đến cùng

Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí hiện nay, nhà báo và cơ quan truyền thông không thể "bám" vụ việc đến cùng nếu thiếu sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Về vấn đề này, nhà báo Duy Thanh, Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết cho rằng: "Chỉ có sự minh bạch, sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng mới giúp các thông tin do báo chí phát hiện trở thành căn cứ, chứng cứ đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực".

Chính vì vậy, vấn đề xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các cơ quan thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ, ngành liên quan… cùng tham gia phối hợp giải quyết, xử lý những vụ việc tiêu cực do báo chí phát hiện cần được đặc biệt quan tâm, thảo luận, rồi thể chế hóa sớm. Đây là vấn đề quan trọng bởi thực tế cho thấy nhiều vụ việc được truyền thông phát hiện, phản ánh nhưng lại không thể theo đuổi đến cùng, khiến lòng tin của bạn đọc suy giảm.

Từ thực tế trên, nhà báo Trần Bá Dung đã đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này, trong đó mong muốn Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; MTTQ Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên gặp gỡ với các cơ quan truyền thông để trao đổi, đánh giá hiệu quả đích thực của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất: Cần có giải thưởng cho "nguồn tin tham nhũng" - mà Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là một đầu mối quan trọng tiếp nhận nguồn tin đó. Chúng ta cần lập quỹ để kịp thời động viên những nhân tố tích cực, hỗ trợ những nhà báo gặp rủi ro trong quá trình tác nghiệp.

Về vấn đề xây dựng cơ chế bảo vệ nhà báo khi tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong đề nghị, cần xếp những nhà báo này vào diện "thi hành công vụ", tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan truyền thông yên tâm dấn thân. Cùng với đó, cần sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời các cơ quan truyền thông theo luật định, giúp báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt, nhà báo Phùng Sưởng bày tỏ: "Khi xảy ra các vụ việc hành hung nhà báo, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm".

Mới đây, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khẳng định: MTTQ sẽ ngày càng phát huy vai trò giám sát, hoàn thiện quy trình xử lý thông tin trên báo chí. Khi cần thiết, MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản gửi đến chính quyền địa phương, hoặc có thể cử đoàn xuống địa phương làm việc, thậm chí, có thể kiến nghị lên Chính phủ hoặc các cơ quan liên quan ở trung ương để giải quyết vụ việc... Sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Nhưng chính tâm thế sẵn sàng giải quyết những vấn đề xảy ra trong thực tiễn sẽ góp phần tạo cơ chế, để khi phát hiện vấn đề tiêu cực, các cơ quan truyền thông sẽ được cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, xử lý thỏa đáng. Có như vậy thì báo chí mới có thể đóng góp hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để truyền thông góp sức hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.