Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về những cựu chiến binh “tàn nhưng không phế”

Minh Ngọc| 12/07/2017 06:21

(HNM) - Thương binh “tàn nhưng không phế” - lời động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành mục đích, phương châm sống của những chiến sĩ từng để lại một phần xương máu ở chiến trường...

Thương binh Trần Chiến, Chủ tịch Hội Người khuyết tật phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân).


Gương sáng giữa đời thường

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội có hơn 45 nghìn thương binh, bệnh binh. Trở về cuộc sống đời thường, mỗi thương binh, bệnh binh là một tấm gương đẹp về nghị lực sống. Vượt lên nỗi đau thân thể, nhiều thương binh đã truyền đi thông điệp về tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu con người thông qua những hành động, việc làm thường nhật. Trong số đó có thể kể đến như thương binh 4/4 Phạm Văn Lê, trú tại tổ dân phố 2, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy). Nhiều năm làm tổ trưởng tổ dân phố 2, ông Phạm Văn Lê thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khu phố 2, phường Dịch Vọng Hậu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương. Tin tưởng vào hiệu quả của phong trào xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp, nhân dân tổ dân phố 2 đã tự nguyện đóng góp gần 1 tỷ đồng để biến bãi rác tồn tại lâu năm giữa khu dân cư trở thành vườn hoa nhiều màu sắc.

Trường hợp “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khác được người dân tin yêu, kính trọng là thương binh 2/4 Nguyễn Trọng Khánh, trú tại thôn Ngải Khê, xã Tân Dân (Phú Xuyên). Dù bước đi tập tễnh, ông Nguyễn Trọng Khánh vẫn đến từng ngõ, vào từng nhà tuyên tuyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong giữ gìn an ninh thôn xóm. Gia đình nào phát sinh mâu thuẫn, ông nhẹ nhàng phân tích, tìm cách hóa giải hợp lý, hợp tình.

Trải qua những gian khó trong chiến tranh, vết thương trong cơ thể thường xuyên tái phát, thương binh Trần Chiến, trú tại phường Nhân Chính (Thanh Xuân) đồng cảm, thấu hiểu với những khó khăn của người khuyết tật… Bởi thế, dù ở vị trí tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Nhân Chính hay Chủ tịch Hội Người khuyết tật phường, ông Trần Chiến đều hết lòng giúp đỡ người khuyết tật. “Với tôi, cuộc sống có ý nghĩa hơn khi có thể giúp đỡ mọi người. Mỗi người làm một việc tốt, dù nhỏ, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn” - ông Trần Chiến chia sẻ. Đây cũng là suy nghĩ, hành động của nhiều thương binh, bệnh binh khi rời chiến trường, trở về quê hương.

Còn sức khỏe, còn cống hiến

Mong muốn giúp đỡ đồng đội và thân nhân của họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, thương binh 3/4 Nguyễn Mạnh Hưng, trú tại phường Liễu Giai (Ba Đình) cùng đồng đội thành lập Công ty cổ phần Dược phẩm Tây Hồ, vừa sản xuất, vừa phân phối thuốc... Phần lớn nhân sự của công ty là thương binh hoặc con, cháu của họ. Qua hơn 20 năm hoạt động, phát triển, Công ty cổ phần Dược phẩm Tây Hồ đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Hằng năm, công ty trích một phần lợi nhuận làm công tác thiện nguyện. Ông Nguyễn Mạnh Hưng cho biết, tiền lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bảo đảm cho ông và nhiều đồng đội có cuộc sống ổn định, song với ông: “Còn sức khỏe, còn cống hiến”.

Phương châm sống “tàn nhưng không phế” cũng được thương binh 1/4 Trần Thế Tôn, trú tại tổ dân phố 7, phường Mai Dịch (Cầu Giấy) phát huy tối đa. Dù bị thương nặng, ông Trần Thế Tôn vẫn cố gắng tham gia lao động, sản xuất. Hiện ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Minh Quang, trụ sở tại số 8 - 10 phố Phan Kế Thiện. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, công ty của ông còn giải quyết việc làm cho 14 lao động là bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng; đồng thời tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện.

Bị thương rất nặng, thương binh 1/4 Nguyễn Trung Đang, trú tại tổ dân phố Thống Nhất, phường Dương Nội (Hà Đông) vẫn trăn trở giữ nghề dệt truyền thống. Ông động viên vợ, con mở xưởng dệt nhỏ tại gia đình, chăm chỉ làm ăn, tích cực dạy nghề và giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.

Tại hội nghị gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: “Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của thương binh, bệnh binh hoạt động có hiệu quả đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động là con em của đồng đội, của gia đình chính sách. Thành công của các đồng chí là nguồn động viên, khích lệ đồng đội, góp phần chia sẻ trách nhiệm vì cộng đồng, cùng địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội”.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với người có công đã góp phần động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho người có công phát huy khả năng, nhiệt huyết cống hiến. “Sống trong hòa bình, no ấm và đón nhận sự quan tâm toàn diện, chúng tôi rất cảm động. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn canh cánh, trăn trở khi nhiều đồng đội hy sinh vẫn chưa xác định được danh tính hoặc chưa tìm thấy mộ phần” - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hướng, thương binh 2/4, trú tại phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) bày tỏ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những cựu chiến binh “tàn nhưng không phế”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.