Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường

Kim Văn| 17/07/2017 06:31

(HNM) - Để có dữ liệu phục vụ công tác kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm... việc hoàn thiện mạng lưới quan trắc đang được ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nỗ lực thực hiện theo chủ trương của thành phố.


Hoàn thiện mạng lưới quan trắc sẽ giúp thành phố có giải pháp điều chỉnh kịp thời về công tác bảo vệ môi trường.


Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là quan trắc, điều tra và giám sát hiện trạng môi trường thông qua hệ thống quan trắc.

Tuy nhiên, do trước đây chưa được chú trọng đầu tư nên ở Hà Nội chỉ có 5 trạm quan trắc. Hiện nay, hai trạm đặt tại 36A đường Phạm Văn Đồng và khu giảng đường Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã ngừng hoạt động vì công nghệ lạc hậu, không có thiết bị thay thế hư hỏng… Các trạm còn lại hoạt động nhưng tần suất quan trắc chưa bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, số liệu cập nhật hạn chế, thiếu khả năng kết nối giữa các trạm quan trắc của thành phố với các trạm quan trắc môi trường quốc gia...

Khắc phục những hạn chế trên để phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường bền vững, UBND thành phố chủ trương đầu tư mới mạng lưới quan trắc môi trường. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt, đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc tự động cố định đặt tại UBND phường Minh Khai, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội; 8 trạm trực tuyến cảm biến đặt tại UBND phường Mỹ Đình 1, UBND phường Hoàng Văn Thụ, UBND phường Minh Khai, UBND phường Tây Mỗ, Trường Mầm non Kim Liên, Công viên hồ Thành Công, trụ sở Công an phường Hàng Mã và Công an quận Hoàn Kiếm để quan trắc và đánh giá, làm cơ sở cho việc quy hoạch hệ thống quan trắc tự động và trạm trực tuyến cảm biến theo lộ trình đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Ngoài mạng lưới quan trắc không khí, hiện trên địa bàn thành phố còn có 7 trạm quan trắc nước mặt các sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Cầu Bây và hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm. Hiện nay, các trạm quan trắc hoạt động ổn định và truyền dữ liệu liên tục về Trung tâm Quản lý dữ liệu quan trắc môi trường. Bên cạnh đó, mạng lưới quan trắc động thái nước dưới đất của Hà Nội hiện có 77 điểm với 136 công trình quan trắc. Nhờ có hệ thống quan trắc này, các cơ quan quản lý sẽ đưa ra kế hoạch quản lý tài nguyên nước, đồng thời cảnh báo, dự báo nguy cơ nhiễm bẩn, cạn kiệt nước và phòng tránh những tác động tiêu cực của nước đến môi trường sinh thái.

Triển khai Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND thành phố giao nhiệm vụ nghiên cứu triển khai đồng bộ mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn Thủ đô. Tại hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển" diễn ra tháng 6-2017, UBND thành phố đã ký biên bản ghi nhớ giao đơn vị tư nhân thực hiện dự án xã hội hóa đầu tư đồng bộ mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn Hà Nội.

Dự kiến đến năm 2018, Hà Nội sẽ đưa thêm 20 trạm quan trắc môi trường không khí vào hoạt động, bảo đảm đủ số lượng trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố theo ý kiến tư vấn của các chuyên gia môi trường quốc tế. Hà Nội cũng tiếp tục bổ sung 7 trạm quan trắc nước mặt trên các tuyến sông lớn; đầu tư trạm quan trắc nước dưới đất tại các khu vực mở rộng của thành phố...

“Hiện thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng trung tâm điều hành và xử lý dữ liệu các trạm quan trắc môi trường bảo đảm tiếp nhận toàn bộ dữ liệu các trạm quan trắc tự động liên tục (không khí, nước mặt, nước dưới đất) và các trạm quan trắc tự động, liên tục tại các khu công nghiệp chế xuất, làng nghề, nghĩa trang, bãi rác, nhà máy xử lý nước thải, các cơ sở xả thải lớn trong năm 2018…” - ông Mai Trọng Thái cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.