Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để "nhà ống" tiếp tay cho giặc lửa

Tiến Thành| 05/08/2017 07:23

(HNM) - Hơn 50% các vụ cháy nổ xảy ra trong 7 tháng qua liên quan tới nhà dân, trong đó có không ít những ngôi nhà dạng hình ống. Đây thực sự là nỗi lo thường trực bởi nhà dạng hình ống thường chỉ có một lối đi, khó thoát hiểm, dễ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy gặp nhiều khó khăn khi cứu hộ, cứu nạn các vụ hỏa hoạn tại “nhà ống”.


Ẩn họa vì... “không lối thoát”

Một trong những nguyên nhân khiến vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo xảy ra tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày 29-7 gây hậu quả nghiêm trọng (8 người tử vong, 2 người bị thương) là do chỉ có một cửa ra vào, không có lối thoát hiểm, nhà xưởng có kết cấu bằng khung thép, lợp mái tôn, nên đã sập rất nhanh. Qua vụ cháy cũng thấy, kỹ năng thoát nạn của các nạn nhân cũng rất hạn chế. Cụ thể, khi xảy ra cháy có 19 người đang làm việc, 9 người đã thoát ra ngoài theo lối cửa chính; 10 người còn lại chạy vào góc tường phía trong và bị kẹt lại do khi mái tôn đổ sập bịt kín lối.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc thương tâm do nhà ống không có lối thoát hiểm. Trước đó 10 hôm - ngày 19-7, vụ cháy nhà ống 4 tầng nằm trong ngõ 41 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đã khiến 2 người chết bởi nhà không có lối thoát hiểm. Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, 7 tháng, trên địa bàn thành phố xảy ra 505 vụ cháy, trong đó có 240 vụ cháy nhà dân, trong đó có không ít nhà dạng hình ống. Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, hầu hết nhà hình ống đều chỉ có một lối đi tại tầng một, có cửa lên sân thượng nhưng quanh năm bị khóa kín để phòng trộm. Nhiều nhà hình ống xây dựng với toàn bộ các tầng đều được hàn lồng sắt bao kín, tạo thành những ngôi nhà “không lối thoát”. Do đó, nguy cơ cháy gây thiệt hại về người càng cao hơn vì lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mất rất nhiều thời gian để phá những “chuồng cọp” này. Nhiều nhà ống cũng ít cửa thoát hiểm, lại bị khóa kín nên khi xảy cháy, trong cơn hoảng loạn, các nạn nhân không thể thoát ra ngoài.

Dù nguy hiểm, nhưng hiện tại trên địa bàn thành phố có hơn 500 nghìn nhà hình ống đang được sử dụng và sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Anh Trương Văn Dũng (35 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) cho biết, khả năng tài chính có hạn nên việc lựa chọn xây nhà ống (60m2) để tận dụng tối đa diện tích. Làm nhà hình ống cũng tiết kiệm được chi phí xây dựng và trang trí. Cũng xây nhà ống, nhưng ngoài sử dụng để ở, gia đình chị Vũ Thị Hoài (30 tuổi, trú quận Hoàng Mai) còn tận dụng tầng một để kinh doanh. “Đất được chia lô, không xây nhà hình ống không được vì 3 phía là 3 bức tường của nhà khác. Biết là nguy hiểm nhưng gia đình không có sự lựa chọn khác” - chị Vũ Thị Hoài cho biết.

Thiết kế ngôi nhà an toàn

Kỹ sư thiết kế công trình xây dựng Lê Tuấn Anh cho biết, với xu hướng phát triển và đô thị hóa như hiện nay, nhà hình ống rất phổ biến tại khu vực nội thành. Nhìn vào quy hoạch các khu dân cư mới được phê duyệt, hầu hết dự án đều có các nhà chia lô dạng ống. Trong khi không có sự lựa chọn khác, điều chúng ta cần làm là khắc phục những bất cập, thiết kế cho ngôi nhà trở nên an toàn hơn.

Kỹ sư Lê Tuấn Anh cho rằng, để bảo đảm an toàn, tại mỗi tầng ít nhất có một ban công thông thoáng, không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không khóa. Nếu có khóa thì cần trang bị búa, rìu và treo chìa khóa bên cạnh. Trường hợp cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ tìm khi mở và để chìa khóa nơi dễ thấy, dễ lấy. Cửa ra vào chính của ngôi nhà tại tầng một thường làm rất kiên cố, cần có giải pháp để dễ mở khi xảy ra sự cố như: để chìa khóa tại vị trí dễ lấy, nếu lắp đặt cửa cuốn thì phải có cả bộ lưu điện và bộ tời bằng tay. Mỗi nhà cần trang bị sẵn thang, thang dây, ống tụt với độ dài bằng chiều cao ngôi nhà để có thể thoát nạn khi xảy ra cháy.

Cảnh báo sự cố cháy gây thiệt hại về người chủ yếu là do ngạt khói, Thượng úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) khuyến cáo người dân khi xây dựng nhà hình ống cần chú ý tạo lối thoát khói. Giải pháp đơn giản là, tại giếng trời của mỗi nhà không nên bịt kín, chỉ cần lắp đặt các khung thép, phía trên che bằng các tấm kính chịu lực. Biện pháp này vừa giúp cho ngôi nhà thoáng khí, thoát khói độc nhanh khi xảy cháy, vừa bảo đảm an ninh và lấy ánh sáng.

“Để không còn nỗi bất an cháy nổ xảy ra ở nhà hình ống, hằng ngày, mỗi gia đình cần kiểm tra đường dây và các thiết bị điện. Trong quá trình sinh hoạt, người dân không nên để nhiều đồ dùng ở lối cửa chính, cầu thang để dễ dàng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp. Đối với hộ kinh doanh tại nhà dạng ống, cần sắp xếp hàng hóa, vật dụng sinh hoạt gọn gàng, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa và phải có lối thoát hiểm dự phòng thông thoáng, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra...” - Thượng úy Nguyễn Đức Thắng khuyến cáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng để "nhà ống" tiếp tay cho giặc lửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.