Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: Chưa giải quyết dứt điểm

Ánh Dương| 23/10/2017 07:41

(HNM) - Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14-1-2014 về tăng cường công tác quản lý đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố, đến nay công tác quản lý nhà nước và đặc biệt là việc xử lý các vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, số vụ tồn tại từ trước năm 2014 chưa được chính quyền cấp xã, phường, thị trấn giải quyết dứt điểm.

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Cát Quế (Hoài Đức).


Buông lỏng quản lý, nhiều vi phạm

Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, diện tích đất công, đất nông nghiệp, đặc biệt là những khu vực thùng đào, hố đấu, khó canh tác... dễ phát sinh vi phạm dưới các hình thức: Đổ trộm phế thải, lấn chiếm, mua, bán, xây dựng trái phép, chuyển mục đích sử dụng trái pháp luật… Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 1-6-2017, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, các địa phương đã tích cực rà soát, thống kê, phân loại và xử lý vi phạm. Kết quả cho thấy, số trường hợp vi phạm mới phát sinh giảm, nhưng còn tồn đọng nhiều vụ vi phạm từ năm 2014 trở về trước.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích đất nông nghiệp tại địa bàn các xã, phường, thị trấn do UBND các quận, huyện, thị xã rà soát trong tháng 9-2017 có hơn 124.830ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp bị vi phạm là 590ha với 27.360 trường hợp. Phần lớn số vi phạm đất nông nghiệp liên quan xây dựng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích (chiếm hơn 41% số vụ). Trong đó, tồn tại tập trung ở các quận, huyện: Hà Đông (5.225 vụ), Nam Từ Liêm (3.845 vụ), Bắc Từ Liêm (2.616 vụ), Hoài Đức (3.003 vụ), Thanh Oai (2.594 vụ)... Tính đến ngày 30-9, các quận, huyện, thị xã mới xử lý 7.302 trường hợp vi phạm.

Đối với diện tích đất công ích, hầu hết UBND xã, phường, thị trấn cho các gia đình thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Tuy nhiên, nhiều trường hợp thuê đất sử dụng không hiệu quả, đã tự ý chuyển sang hoạt động khác. Qua kết quả kiểm tra, rà soát, tổng diện tích đất nông nghiệp công ích, đất công, đất chưa sử dụng tại địa bàn các xã, phường, thị trấn là hơn 24.394ha, trong đó diện tích đất bị vi phạm là hơn 585ha với 18.098 trường hợp, các địa phương mới xử lý 4.317 trường hợp...

Xử lý lúng túng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh: “Khi thống kê diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, UBND các xã không đưa diện tích đất thùng đào, thùng đấu, ao hồ, gò đống... khó canh tác vào diện tích đất nông nghiệp để giao đến hộ. Quỹ đất chưa giao này không thuộc quỹ đất công ích, địa phương cho thuê ngắn hạn để sản xuất nông nghiệp. Hiện diện tích đất nông nghiệp chưa giao trên địa bàn huyện có khoảng 1.000ha đã hết hạn hợp đồng, hoặc được UBND các xã thanh lý, chấm dứt hợp đồng, nhưng do buông lỏng quản lý nên xảy ra vi phạm, tranh chấp, khiếu kiện...”. Huyện Đông Anh đang chờ hướng dẫn của thành phố để xử lý phù hợp với từng trường hợp vi phạm.

Với quận Hà Đông, công tác quản lý quỹ đất nông nghiệp và xử lý vi phạm từ trước năm 2014 gặp khó khăn do hệ thống hồ sơ, sổ sách không được lập và lưu trữ đầy đủ qua các thời kỳ. Đặc biệt, hồ sơ xử lý vi phạm của những phường trước đây thuộc địa bàn các huyện: Thanh Oai, Hoài Đức (nay đã sáp nhập về quận Hà Đông)... rất khó xác định thời điểm vi phạm để xử lý.

Tương tự, huyện Ba Vì cũng đang gặp khó khăn về tài liệu phục vụ công tác quản lý đất đai do huyện chỉ có bản đồ 299 (chưa được nghiệm thu và độ chính xác không cao); các loại vi phạm phức tạp và chủ yếu diễn ra từ trước năm 2004, nên việc xác định mốc giới vi phạm rất khó, ảnh hưởng đến công tác thiết lập hồ sơ. Bên cạnh đó, năng lực xử lý vi phạm của cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế nên hiệu quả xử lý thấp...

Để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong quý IV-2017, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai... Đối với những trường hợp sử dụng đất công, đất nông nghiệp công ích... các xã, phường, thị trấn cần rà soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái vi phạm; đồng thời, trên cơ sở thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đất đai, lập báo cáo và đề xuất giải quyết những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền để thành phố sớm có giải pháp xử lý phù hợp, triệt để. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền về Luật Đất đai và những chính sách liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng đất đúng mục đích, đúng pháp luật. Qua đó, tạo hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh và góp phần ổn định công tác quản lý đất đai trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: Chưa giải quyết dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.