Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công an TP Hà Nội thực thi nhiệm vụ đúng quy định

Nhóm PV| 07/11/2017 12:54

(HNMO) - Sáng 7-11, phát biểu tại hội trường kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội), Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã tranh luận lại ý kiến phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) trước đó về việc:

Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải (Đoàn thành phố Hà Nội).


Đại biểu Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã thành lập Đoàn Thanh tra do một đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng đoàn. Quá trình thanh tra cũng đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của lực lượng Công an TP Hà Nội.

Sau đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội trong sáng cùng ngày, đại biểu Đào Thanh Hải cho biết thêm, Bộ Công an đã ra quyết định thanh tra việc thực thi pháp luật của Công an TP Hà Nội trong vụ việc ở Đồng Tâm. Điều đó có nghĩa là Bộ cũng rất nghiêm túc trong việc xác minh, kiểm điểm quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng công an có gì sai không. Sau quá trình thanh tra, đến nay đã có kết luận nêu rõ: việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân là do gia đình ông Kình xông vào chống đối, cản trở, dẫn đến việc giằng co, khiến ông Kình gãy chân. Còn người mà ông Kình tố giác làm ông gãy chân thì không tham gia vào việc bắt giữ.

Theo đại biểu Đào Thanh Hải, sự việc xảy ra khi cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Kình, gia đình ông Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân.

Sau khi ông Kình bị gãy chân, ông có tố giác một cán bộ đã đánh ông bị gãy chân, nhưng trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm tra lại thì đồng chí cán bộ đó có mặt tại hiện trường nhưng không tham gia vào việc bắt giữ, mà đứng cách đó một đoạn. Căn cứ vào kết luận thanh tra thì không có việc lực lượng thực thi nhiệm vụ đánh gây thương tích cho ông Kình.

“Đây hoàn toàn là trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và gia đình ông Kình xông vào cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan điều tra, dẫn đến việc đáng tiếc như vậy” - đại biểu Đào Thanh Hải nêu rõ.

“Với diễn đàn Quốc hội, cử tri cả nước theo dõi, tôi xin thay mặt Công an TP Hà Nội phát biểu ý kiến, nói rõ quan điểm rằng, kết luận thanh tra trên là hoàn toàn đúng. Công an TP Hà Nội thực thi nhiệm vụ hoàn toàn theo đúng quy định pháp luật” - đại biểu Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định.

Vụ án ở Vân Côn (huyện Hoài Đức) không có oan sai

Cũng trong buổi thảo luận tại hội trường, đại biểu Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã tranh luận với ý kiến phát biểu của đại biểu Nguyễn Chiến về hai vụ án có dấu hiệu oan sai tại Hà Nội là: Vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ngày 19-7-2003 tại xã Vân Côn (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) và vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ.

Đại biểu Đào Thanh Hải cho biết, về vụ việc xảy ra tại xã Vân Côn (huyện Hoài Đức), nguyên nhân là do mâu thuẫn giữa hai bên gia đình vì một bức tường rào và xảy ra xô xát. Gia đình bị can đã sử dụng hung khí nguy hiểm là dao, gậy sắt để tấn công gia đình bên kia. Do điều kiện vụ án xảy ra hoàn toàn trong nội bộ hai gia đình với nhau nên việc thu thập các tài liệu, nhân chứng có tính chất khách quan gặp khó khăn. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã khẳng định, việc hai bên gây thương tích cho nhau là có thật và vụ án chỉ khó khăn trong vấn đề không cá thể hóa được hành vi của từng bị can, bị cáo. Do đó, việc xét xử gặp nhiều khó khăn và kéo dài.

Đại biểu Đào Thanh Hải cho biết: “Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kết luận thương tích của ông Đỗ Đăng Của là 34,16% và một bị hại nữa là 21%. Tỷ lệ thương tích như vậy là rất nghiêm trọng. Do đó, cơ quan điều tra, cơ quan Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã rất quyết tâm làm rõ vụ án này. Hành vi gây thương tích của đối tượng cho người bị hại là có thật, không hề có sự oan sai ở đây. Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ, tòa án đã xét xử”.

Vụ án thứ hai là vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ. Đây là vụ án mà cơ quan điều tra bắt quả tang đối tượng khi đang có tang chứng, vật chứng và có nhân chứng chứng minh rõ hành vi phạm tội đang vận chuyển động vật quý hiếm. Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ ra tòa, khi ra tòa thì phát sinh tình tiết mới nên tòa đã chuyển trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Do vậy, cũng không thể nói đây là vụ án oan sai được!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công an TP Hà Nội thực thi nhiệm vụ đúng quy định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.