Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng vận tải công cộng, kết nối nội - ngoại thành

Tuấn Lương| 07/07/2018 06:15

(HNM) - Từ 68 tuyến buýt năm 2008, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay Hà Nội đã phát triển lên hơn 110 tuyến,


Xóa "vùng trắng" xe buýt có trợ giá

Trước khi điều chỉnh địa giới hành chính, mạng lưới xe buýt của Hà Nội có 60 tuyến, địa bàn Hà Tây có 8 tuyến và khi ấy, xe buýt của Thủ đô được trợ giá trong khi tỉnh Hà Tây chưa áp dụng cơ chế này.

Mạng lưới vận tải công cộng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Ảnh: Huy Khánh


Nhớ lại chuyện đi xe buýt từ huyện Ứng Hòa ra Hà Đông những năm đầu mới điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, bà Nguyễn Thị Tỉnh (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) kể, hành khách phải đi trên những chiếc xe nhỏ, chất lượng kém. Đã vậy, xe dừng, đỗ rất tùy tiện để đón, trả khách; giá vé khoảng 10.000 đồng đến 15.000 đồng/lượt. Nhưng, chuyện đó giờ đã xa. Liên tục trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư để phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt. Thực hiện đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025", vào tháng 8-2017, hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức trở thành những địa phương cuối cùng được "phủ sóng" xe buýt chất lượng cao có trợ giá sau khi Sở GT-VT Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) khai trương các tuyến buýt mới số 101 (Bến xe Giáp Bát - Vân Đình), 102 (Bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình), 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn). Giá vé bình quân trên tuyến này là 9.000 đồng/lượt, mà chất lượng phục vụ khác hẳn, trong khi trước đây giá vé không trợ giá là 12.000 đồng - 15.000 đồng/lượt.

Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết, việc mở mới các tuyến buýt liên tục trong giai đoạn vừa qua đã góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố, từ đó giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, được nhân dân và chính quyền các địa phương có tuyến buýt đi qua đánh giá cao.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) đánh giá, điều tích cực nhất trong phát triển vận tải hành khách công cộng thời gian qua là việc mở mới các tuyến buýt ra ngoại thành và xóa “vùng trắng” xe buýt có trợ giá. Các tuyến đều tiếp cận được ngay với nhu cầu của hành khách. "Trước đây, một số huyện ngoại thành cũng có xe buýt hoạt động, nhưng chủ yếu là tuyến không trợ giá, chất lượng dịch vụ không đồng đều. Còn hiện tại, các chỉ tiêu về chuyến, lượt, chất lượng dịch vụ được bảo đảm, sản lượng hành khách tiếp tục có chiều hướng gia tăng", ông Nguyễn Hoàng Hải so sánh.

Tăng tính hấp dẫn vận tải hành khách công cộng

Vào ngày cuối cùng của năm 2016, Hà Nội đã khai trương tuyến buýt nhanh - BRT đầu tiên từ Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông). Dù còn rất mới mẻ, song loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn văn minh, hiện đại này cũng cho thấy những tín hiệu tích cực khi đã làm thay đổi thói quen của người tham gia giao thông. Kinh nghiệm từ tuyến BRT này chắc chắn sẽ có ích rất lớn để sau này thành phố nghiên cứu nhân rộng các tuyến BRT khác theo quy hoạch. Bên cạnh đó, một số tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, như Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông cũng đang được khẩn trương triển khai đầu tư, xây dựng và để sớm đưa vào phục vụ.

Tuy đạt nhiều thành tựu, song vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội cũng còn không ít hạn chế, bất cập. Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội nhận định, mạng lưới tuyến dù đã từng bước được điều chỉnh, hợp lý hóa và cải thiện đáng kể về chất lượng dịch vụ, song chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân Thủ đô. Hiện, mới chỉ có loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thường và BRT, trong khi đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng. Việc tiếp cận dịch vụ vận tải công cộng chưa đủ hấp dẫn với người dân, dẫn đến việc người tham gia giao thông vẫn sử dụng phương tiện cá nhân là chủ yếu.

Một số ý kiến cho rằng, xe buýt đang hằng ngày phải "vật lộn" trong các làn giao thông hỗn hợp ùn tắc, dẫn đến việc chạy đúng giờ chưa cao. Không lâu nữa, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Tiếp sau đó là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội. Song, đó vẫn chỉ là những tuyến đơn lẻ, nên chắc chắn trong khoảng 10 năm nữa thậm chí là lâu hơn, xe buýt tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Vì vậy, ngay từ bây giờ, rất cần có những ưu tiên đặc biệt về cơ sở hạ tầng cho xe buýt như làn đường riêng, điểm đầu cuối và nhà chờ điểm đỗ dọc tuyến; có những điều chỉnh về luồng tuyến phù hợp để xe buýt bổ trợ tích cực cho các tuyến đường sắt đô thị; phát triển hệ thống thẻ vé thông minh để sau này tích hợp các loại hình vận tải công cộng với nhau. Chỉ khi nào xe buýt nâng được tính đúng giờ, việc tiếp cận các phương tiện và luồng tuyến dễ dàng hơn thì lúc đó mới có thể tác động và làm thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân; từ đó góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng vận tải công cộng, kết nối nội - ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.