Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách về giới

Hà Hiền| 11/07/2018 07:07

(HNM) - Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trong thời gian qua, nước ta đã từng bước thu hẹp khoảng cách về giới. Tuy vậy, so với nam giới, phụ nữ và trẻ em gái vẫn thiệt thòi về nhiều mặt. Trước tình trạng này, việc triển khai các mục tiêu về bình đẳng giới trong thời gian tới cần sự vào cuộc đồng bộ và nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị.


Nữ giới vẫn chịu nhiều thiệt thòi

Theo kết quả đo lường công việc của phụ nữ do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển quốc tế Canada (IDRC) công bố, ngoài công việc xã hội, hiện nay, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam sử dụng khoảng 4-5 giờ/ngày để làm việc nhà, cao hơn nam giới từ 2 đến 2,5 giờ/ngày. “Phụ nữ phải dành quá nhiều thời gian làm những công việc không được trả lương, ảnh hưởng tới cơ hội tìm việc làm, nâng cao thu nhập. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới”, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội khẳng định.

Việc triển khai các mục tiêu về bình đẳng giới cần sự vào cuộc đồng bộ và nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị.Ảnh: Nam Trần


Sự bất bình đẳng về giới được thể hiện rõ trong kết quả nghiên cứu về “Phụ nữ, việc làm và tiền lương” do Mạng lưới Hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) thực hiện. Cụ thể, 52,1% lao động nữ đang làm công việc giản đơn, 66,6% lao động gia đình. Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam.

Ở vùng dân tộc thiểu số, khoảng cách giới càng chênh lệch. Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho biết, đối với nhiều dân tộc thiểu số, nam giới được coi là “người chủ” trong gia đình. Họ vẫn được ưu tiên đi học, nên tỷ lệ nam giới biết đọc, biết viết cao hơn nhiều so với nữ giới. Đáng lo hơn, hơn 50% phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15 đến 49 tuổi “hồn nhiên” tin chồng có quyền đánh vợ.

Xuất phát từ định kiến về giới, trong gia đình, không ít người chồng tự cho mình quyền “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Điều tra quốc gia mới nhất về bạo lực gia đình đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, gần 60% phụ nữ độ tuổi 18-60 từng kết hôn phải chịu ít nhất một lần bạo lực. Đa số phụ nữ bị bạo lực từ chồng không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công khiến họ phải chịu những thiệt thòi “kép”. Chị N.T.M, trú tại huyện Hoài Đức kể: “Gần 10 năm qua, tôi vẫn chưa quên những trận đòn từ chồng. Tôi mới tìm đến Ngôi nhà bình yên. Từ khi đến đây, cuộc đời tôi sang một trang khác”.

Không những chịu thiệt thòi về nhiều mặt, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị trao đổi, mua bán. Trong số gần 1.000 nạn nhân bị mua bán trở về từ năm 2016 đến nay, phụ nữ và trẻ em chiếm đa số.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Kiên trì thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Theo đó, đến năm 2020, tỷ lệ biết chữ của nữ giới trong độ tuổi 15-60 đạt 98%, ngang bằng với nam; có ít nhất 50% nạn nhân của bạo lực gia đình được tư vấn về tâm lý, pháp lý, hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe; 75% số người gây bạo lực gia đình ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn…

Thực tế cho thấy, so với khoảng cách chênh lệch về giới đang tồn tại, những mục tiêu trên sẽ khó thành hiện thực nếu thiếu sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Ở cấp vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng những giải pháp như huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính; việc phân bổ nguồn vốn có ưu tiên cho những ngành, vùng, khu vực có bất bình đẳng giới… Đặc biệt, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, phát triển mô hình cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, tăng cường cơ hội việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho rằng, nguồn kinh phí phân bổ từ ngân sách cho công tác bình đẳng giới hiện chưa nhiều, chủ yếu dành cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Do đó, các cơ quan chức năng cần lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới trong quá trình xem xét, quyết định ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ở góc độ giáo dục, bà Trương Thị Thúy Hằng, giảng viên Học viện Quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) mong muốn Nhà nước quan tâm, đầu tư nhiều hơn đến mục tiêu giáo dục toàn diện, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số. Ngoài kiến thức phổ thông, trẻ em cần được trang bị kiến thức pháp luật về giới, kiến thức chăm sóc sức khỏe tình dục, sinh sản, kỹ năng sống…

Để giảm thiểu, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động nam giới tham gia vào các chương trình, hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, giúp họ hiểu rõ nam, nữ luôn bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực, hoạt động và cơ hội.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đang phối hợp triển khai dự án hỗ trợ và triển khai các chương trình, chính sách phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, bạo lực gia đình trên quy mô lớn. Cùng với đó, các ngành, địa phương đã, đang tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Với những nỗ lực và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hy vọng những mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới sẽ về đích sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực thu hẹp khoảng cách về giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.