Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đổi mới để phát triển toàn diện, vững chắc

17/04/2018 07:03

(HNM) - Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, căn cứ vào tình hình thực tiễn và Nghị quyết đại hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy nghiên cứu Đề tài khoa học


Đảng bộ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự phát triển ổn định của đơn vị. Trong ảnh: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại một siêu thị của Hapro. Ảnh: Khánh Nguyên


Đổi mới nội dung lãnh đạo

Các Đảng bộ Tổng công ty sau cổ phần hóa nếu vốn nhà nước giữ cổ phần chi phối: Thực hiện theo Quy định số 69-QĐ/TƯ ngày 13-2-2017 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng bộ cấp trên cơ sở trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vốn nhà nước chi phối”, trong đó đã xác định nội dung lãnh đạo gồm 6 nội dung chính: (1) Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; (2) Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng; (3) Lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; (4) Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát; (5) Lãnh đạo xây dựng tổ chức Đảng; (6) Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội;

Tuy nhiên, nội dung lãnh đạo cần xác định trọng tâm, trọng điểm, trong đó nội dung lãnh đạo nhiệm vụ chính trị là trọng tâm. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng thể hiện năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu trong Tổng công ty. Mọi hoạt động khác của tổ chức Đảng trong Tổng công ty đều xoay quanh và nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Nội dung lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của các Đảng ủy Tổng công ty nhà nước và Tổng công ty có vốn nhà nước chi phối, bao gồm: Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển dài hạn, trung hạn, kế hoạch hằng năm. Lãnh đạo sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp; công tác đổi mới khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; thực hiện các nhiệm vụ đối với Nhà nước; chế độ, chính sách đối với người lao động. Lãnh đạo tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc và cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, của đảng ủy, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tham mưu, đề xuất với cấp ủy cấp trên và các cơ quan, tổ chức có liên quan những vấn đề cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển,…

Đảng bộ Tổng công ty có vốn nhà nước không chi phối không quyết định nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác cán bộ của Tổng công ty. Tuy nhiên, nội dung lãnh đạo của các Đảng bộ cấp trên cơ sở trong các Tổng công ty có vốn nhà nước không chi phối vẫn cần phải thực hiện 6 nội dung lãnh đạo như đối với các Tổng công ty nhà nước và các Tổng công ty có vốn nhà nước chi phối. Nhưng trong từng nội hàm nội dung lãnh đạo của Đảng ủy Tổng công ty có vốn nhà nước không chi phối thì đối tượng lãnh đạo, mức độ lãnh đạo, cách thức, phương pháp lãnh đạo lại rất khác nhau, nhất là trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Tiếp tục thực hiện nhất quán phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng các Tổng công ty (kể cả các Tổng công ty có vốn nhà nước không chi phối) vẫn phải là “Quán triệt và thực hiện phương thức Đảng lãnh đạo doanh nghiệp thông qua hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp”. Tuy nhiên, do sự phát triển của mô hình tổ chức Tổng công ty và mối quan hệ tài chính trong nội bộ Tổng công ty có sự phát triển rất đa dạng và đan xen nhau, nên trong phương thức lãnh đạo cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung và cách thức ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch…:

Nghị quyết của Đảng ủy Tổng công ty ban hành, trước hết, phải vì mục tiêu chung là phát triển doanh nghiệp. Nghị quyết phải phân loại rõ đối tượng lãnh đạo để xác định đúng nội dung, phương thức lãnh đạo, bảo đảm để tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp thuộc Tổng công ty thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo các quy định của Ban Bí thư. Coi trọng việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội đảng bộ, của Đảng ủy, Ban Thường vụ đảng ủy về nhiệm vụ chính trị được cụ thể hóa thành Chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể của Tổng công ty. Nội dung lãnh đạo sát thực, phù hợp với loại hình tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp thành viên; gắn kết chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty với chấp hành đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,…

Thứ hai, đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng:

Kịp thời tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Thành ủy, nhiệm vụ của doanh nghiệp để cán bộ, đảng viên, người lao động nắm và thực hiện đúng; gắn việc phổ biến, quán triệt các chương trình, nhiệm vụ công tác của Thành ủy Hà Nội với các bộ, ngành trung ương và cụ thể hóa thành các chương trình, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện.

Chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, bản lĩnh, năng lực hoạt động thực tiễn, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, đảng viên và người lao động; chủ động nắm vững tình hình tư tưởng, bảo đảm nội bộ đoàn kết, thống nhất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng…

Thứ ba, Đảng ủy lãnh đạo Tổng công ty thông qua tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp:

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của Đảng với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ theo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong các Tổng công ty; Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào bộ máy quản lý của doanh nghiệp và thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên để thực hiện các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, với các Đảng bộ Tổng công ty có vốn nhà nước không chi phối, việc thực hiện công tác cán bộ, cấp ủy cần chủ động phối hợp chặt chẽ với ban lãnh đạo Tổng công ty, nhất là việc chủ động giới thiệu những cán bộ, đảng viên có năng lực, có uy tín tham gia vào bộ máy quản lý...

Đảng ủy cần xây dựng quy chế làm việc của Đảng ủy và thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp tình hình. Qua việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, Đảng ủy và các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc nắm rõ, nắm chắc hơn nhiệm vụ của mình để biết mình lãnh đạo việc gì; việc nào không lãnh đạo; việc gì cần phối hợp, vận động, thuyết phục; lãnh đạo thế nào và lãnh đạo đến đâu…

Thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của Tổng công ty, bảo đảm trách nhiệm đi đôi với quyền hạn…

Thứ tư, đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội:


Định kỳ, Ban Thường vụ Đảng ủy làm việc với các đoàn thể, cho ý kiến chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đoàn thể hoạt động và phối hợp với các đoàn thể cấp trên và các địa phương chỉ đạo việc quy hoạch cán bộ của các đoàn thể trong quy hoạch chung của Tổng công ty. Các Đảng ủy Tổng công ty cần thường xuyên chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng các tổ chức đoàn thể trong tổng công ty vững mạnh, hoạt động đúng pháp luật của Nhà nước, điều lệ doanh nghiệp và điều lệ của mỗi đoàn thể; lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể tham gia xây dựng, bảo vệ và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của doanh nghiệp. Đảng ủy cử những cán bộ, đảng viên ưu tú của Đảng tham gia vào các vị trí lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, thông qua tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hoạt động trong các đoàn thể để lãnh đạo thực hiện mục tiêu của Tổng công ty.

Thứ năm, Đảng ủy lãnh đạo Tổng công ty thông qua công tác kiểm tra, giám sát:


Đảng ủy lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp. Trong tình hình hiện nay, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác quản lý đảng viên, nhất là đảng viên làm việc ở xa. Thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp; ban kiểm soát, kiểm soát viên cần hoạt động độc lập và không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hoặc chi phối về lợi ích của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành Tổng công ty.


Việc đổi mới phải bảo đảm 4 yếu tố, gồm: (1). Bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với các Tổng công ty; (2). Bảo đảm sự đồng bộ, toàn diện, triệt để, có trọng điểm; (3). Phải xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp ở nước ta và trên địa bàn Thủ đô Hà Nội; (4). Tiến hành đổi mới phải thận trọng, nhạy bén, sáng tạo; có kế hoạch, lộ trình chặt chẽ; kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung hợp lý.

Vũ Đức Bảo

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đổi mới để phát triển toàn diện, vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.