Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập đoàn VNPT: Thành công từ tái cơ cấu

Châu Anh| 29/12/2016 11:13

(HNM) - Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, lần đầu tiên lợi nhuận - chỉ số sống còn của doanh nghiệp (DN) tăng gần gấp 3 lần tăng trưởng doanh thu.


Hoạt động giao dịch tại phòng bán hàng khu vực 7, Trung tâm kinh doanh VNPT Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Lợi nhuận tăng trưởng cao

Năm 2016 là năm VNPT chính thức vận hành theo mô hình sản xuất, kinh doanh mới theo đề án tái cơ cấu. Đây cũng là thời điểm mà thị trường viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT), đặc biệt là di động đã ở mức bão hòa với tỷ lệ 140 máy/100 dân. Do vậy, việc phát triển thuê bao, tăng doanh thu thực sự gặp nhiều khó khăn. Không chỉ có vậy, thời điểm này cũng là lúc mà toàn ngành quyết liệt thực hiện việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối để thiết lập lại kỷ cương trong kinh doanh, từ đó đòi hỏi các DN phải chuyển đổi phương thức bán hàng. Các lĩnh vực khác như dịch vụ băng rộng cũng chịu sự cạnh tranh mạnh và có sự chuyển đổi thuê bao cáp đồng sang thuê bao cáp quang dẫn đến chỉ số doanh thu trên thuê bao (ARPU) ngày càng giảm. Dịch vụ cố định tiếp tục xu hướng thoái trào trong khi dịch vụ CNTT sẽ có sự bùng nổ nhu cầu trên mọi lĩnh vực của đời sống…

Tuy nhiên, vượt qua các khó khăn như đã nêu, các chỉ số kinh doanh của đơn vị đều tăng trưởng và đáng chú ý chỉ số rất quan trọng - lợi nhuận tăng cao gần gấp 3 lần tăng trưởng về doanh thu. Cùng với đó, các chỉ số nộp ngân sách nhà nước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 1,4%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng 20,1%. Năm 2016, Tập đoàn phát triển mới 6,5 triệu thuê bao di động, nâng tổng số thuê bao VinaPhone đạt 31,6 triệu, tính chung hiện có 38,6 triệu (gồm cả cố định). Thuê bao internet băng rộng của Tập đoàn đến cuối năm 2016 đạt 3,8 triệu, tăng 700.000 thuê bao so với cuối năm 2015 (trong đó tổng số thuê bao Fiber VNN phát sinh cước thực tăng là 1,6 triệu thuê bao, gấp hơn 2 lần so với năm 2015). Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 18 triệu đồng/người/tháng, tăng mạnh so với thời điểm trước tái cơ cấu (năm 2013 đạt 11,77 triệu đồng/người/tháng).

Đầu tư mạnh hạ tầng để phục vụ kinh doanh

Để phục vụ tốt cho việc kinh doanh, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng. Hết năm 2016, VNPT đã hoàn thành thêm khoảng 11.000 trạm thu phát sóng (BTS) 3G (trong đó có hơn 7.000 trạm là 3G tần số 900 MHZ), nâng tổng số trạm lên tương đương 33.000 trạm 3G trên băng tần 2100 MHZ. Đáng chú ý, VinaPhone là mạng di động triển khai thành công công nghệ 3G tần số 900 MHZ tại 63 tỉnh, thành phố.

Cùng với việc đưa vào khai thác dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S, với lợi thế của hệ thống vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2, VinaPhone đã trở thành mạng di động có vùng phủ sóng 2G, 3G rộng nhất, khắp Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực. Từ tháng 11-2016, VNPT đã đưa vào khai thác tuyến cáp biển băng thông rộng APG, nâng tổng số tuyến cáp quang quốc tế lên 6 tuyến (3 tuyến cáp biển và 3 tuyến trên đất liền).

Đáng chú ý, trong năm 2016, Tập đoàn đã mở rộng 427 Gb/s truy cập internet quốc tế, nâng tổng băng thông lên 1.053 Gb/s, tăng 67% so với cuối năm 2015; bổ sung 1.500 Gb/s băng thông Google Caching, nâng tổng băng thông Google lên 3.360 Gb/s, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2015. Từ cuối tháng 10-2016, Tập đoàn đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ 4G-LTE và là nhà mạng đầu tiên chính thức khai trương dịch vụ 4G tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Hiện, Tập đoàn đang khẩn trương triển khai phủ sóng 4G rộng khắp trên toàn quốc.

Tập đoàn đã tập trung đẩy mạnh bán hàng đối với các chương trình, dịch vụ trọng điểm, từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ VT-CNTT. Hệ thống kênh bán hàng được hình thành trên phạm vi toàn quốc với gần 160.000 điểm; tổ chức kênh bán hàng trực tiếp chuyên biệt theo từng nhóm khách hàng: cá nhân, tổ chức, DN giúp tập trung nguồn lực cho kinh doanh. Đến nay, Tập đoàn đã lần lượt ký thỏa thuận hợp tác với 51 tỉnh, thành phố, bộ, ngành và DN cung cấp hạ tầng, dịch vụ, giải pháp về VT-CNTT. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ công nghiệp, đồng thời tập trung đầu tư ra thị trường quốc tế. Hiện, VNPT đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và đang chuẩn bị thành lập liên doanh thiết lập mạng viễn thông tại Myanmar. Dự kiến, VNPT sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại thị trường một số nước Châu Á, Châu Âu theo hướng không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mà sẽ kết hợp với việc cung cấp các sản phẩm công nghệ công nghiệp và dịch vụ CNTT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn VNPT: Thành công từ tái cơ cấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.