Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyên truyền, vận động là giải pháp căn cơ

Hà - Thủy| 18/03/2017 07:11

(HNM) - Nằm trong nội đô có mật độ dân cư cao, những ngày qua, quận Đống Đa đã quyết liệt thực hiện các biện pháp lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, trong quá trình phá dỡ các bậc tam cấp lấn vỉa hè có một số hộ dân chưa đồng thuận. Trước tình hình này, quận xác định phải kiên trì tuyên truyền, vận động người dân

Các hộ kinh doanh tại tuyến phố Tây Sơn - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) đã nghiêm túc chấp hành việc trả lại vỉa hè sau khi được vận động, tuyên truyền. Dù một số đoạn tại đây vẫn còn ngổn ngang gạch đá do các bậc tam cấp bị đập bỏ, người dân vẫn không gặp nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển. Ảnh: Thương Nguyệt



Ngày 17-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 197 quận Đống Đa cho biết, việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội trên địa bàn quận có phức tạp hơn vì hạ tầng luôn trong tình trạng quá tải. Toàn quận hiện chỉ có 34 điểm trông giữ xe; 20/72 tuyến phố có hè rộng trên 3m. Nhưng càng khó càng phải quyết tâm, kiên trì, bền bỉ, bài bản; coi tuyên truyền, vận động là giải pháp căn cơ, sau đó mới đến xử lý vi phạm. BCĐ 197 của quận, phường đã thành lập tổ công tác, gồm cán bộ công an khu vực, Mặt trận, các đoàn thể và tổ dân phố để tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ kinh doanh lấn chiếm hè đường chấp hành quy định.

Trước một số ý kiến cho rằng, quận chưa tuyên truyền trước khi tiến hành phá dỡ các bục, bệ lấn chiếm vỉa hè, ông Nguyễn Song Hào khẳng định, không chỉ tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng của quận còn ký cam kết với các cơ quan, hộ gia đình. Quận đã thông báo, tổ chức ký cam kết với 10.500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 12.300 hộ gia đình trên 72 tuyến phố về việc không sử dụng hè phố làm nơi buôn bán, kinh doanh, để xe sai quy định… Quận cũng sẽ rà soát, làm rõ một số bậc tam cấp có lấn chiếm vỉa hè, có xây ra ngoài phạm vi "sổ đỏ" được cấp của hộ dân hay không. Nếu có tình trạng này, sẽ kiên quyết yêu cầu các hộ dân chấp hành đúng quy định. Trong quá trình triển khai có hộ dân chưa đồng thuận, nhưng khi được cán bộ cơ sở vận động, giải thích họ đã hiểu và ủng hộ chủ trương của quận và thành phố.

Về việc khảo sát, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bán nước uống trên hè phố, quận Đống Đa đã thống kê có hơn 600 hộ bán trà đá, đồ ăn vặt trên địa bàn. UBND quận đã giao Công an quận phối hợp với các phường điều tra ban đầu với các hộ bị ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ. Đối với các trường hợp ở trong ngõ, có chỗ ngồi gọn gàng sẽ bố trí cho các hộ tiếp tục kinh doanh. Các hộ khác được xem xét theo hai hình thức: Hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc chuyển đổi sang vị trí khác, không gây ảnh hưởng đến phần đi bộ trên vỉa hè.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào cho biết, thời gian tới, quận sẽ chỉ đạo việc tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại các chợ tạm để người dân có nơi kinh doanh; bố trí các điểm đỗ xe phù hợp, kêu gọi đầu tư các điểm đỗ xe mới đáp ứng nhu cầu thực tế. UBND quận quán triệt tới 21 phường tuyệt đối không “đánh trống bỏ dùi”. Sau đợt ra quân này, lực lượng chức năng sẽ bàn giao từng tuyến phố “sạch” cho các phường, coi đây là bản cam kết trách nhiệm của lãnh đạo phường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền, vận động là giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.