Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết chống tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

Ngọc Quỳnh| 20/03/2017 06:38

(HNM) - Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 3-3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, UBND huyện Mê Linh kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và giao trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

- Mặc dù không có nhiều điểm “nóng”, nhưng huyện Mê Linh vẫn có tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở các chợ hoa... Đến nay UBND huyện đã ra quân và kết quả xử lý như thế nào, thưa ông?

- Từ đầu tháng 3-2017, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 3-3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, ngày 7-3-2017, UBND huyện đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn. Ngay sau đó, các xã, thị trấn đồng loạt ra quân giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh. Hiện tại, chợ rau xã Tiền Phong đã được giải tỏa, không còn ách tắc giao thông; chợ hoa xã Mê Linh đang được sắp xếp, bố trí lại chỗ ngồi hợp lý, không để ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân.


Cùng với đó, huyện đã bố trí một khu vực bãi đỗ xe tạm và chỉ đạo xã Mê Linh, tổ quản lý chợ hoa tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển toàn bộ xe chở hàng hóa vào khu vực bãi đỗ xe; chỉ đạo các ngành tạm di chuyển chợ rau xã Tiền Phong từ vị trí Hồ trung tâm xã ra tuyến đường 24m Khu đô thị Hà Phong để các hộ kinh doanh, buôn bán bảo đảm an toàn giao thông. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 9 địa phương cơ bản hoàn thành công tác giải tỏa, gồm các xã, thị trấn: Kim Hoa, Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh, Tiến Thắng, Tự Lập, Quang Minh, Chi Đông.

- Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của huyện là gì?

- Hiện nay, nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân ngày càng cao trong khi một số địa phương chưa có chợ, làm ảnh hưởng tới chất lượng giải tỏa chợ cóc, chợ tạm. Thực tế, nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, văn minh đô thị của người dân còn hạn chế. Hơn nữa, do khó khăn về kinh phí, nên việc đầu tư xây dựng chợ, chỉnh trang các tuyến đường, khu vui chơi chưa phù hợp...

- Để chống tái lấn chiếm, kế hoạch thời gian tới của huyện như thế nào, thưa ông?

- Đây là vấn đề nan giải, nên trong thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Huyện đang yêu cầu các ngành tổ chức điều tra cơ bản để có phương án thực hiện hiệu quả và tuân thủ theo 3 bước: Đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân tự giác thực hiện, đồng thời tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định; kiểm tra quá trình thực hiện, ra quân đồng loạt xử lý các trường hợp cố tình vi phạm; thường xuyên tuần tra, xử lý, duy trì và kiên quyết không để vi phạm tái diễn.

Huyện đã giao chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu còn tình trạng vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng và các điểm trông giữ phương tiện thuộc thẩm quyền quản lý. Ngoài ra, nếu xảy ra vi phạm không xử lý ngay, UBND huyện sẽ tạm dừng điều hành chung của chủ tịch UBND xã, thị trấn đó để tập trung xử lý. Trường hợp để tái lấn chiếm nhiều lần, UBND huyện sẽ xem xét, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.

- Xin cảm ơn ông!

Phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) tập trung nhiều hộ kinh doanh hàng ăn, thường xuyên kê bàn ghế, dựng biển quảng cáo và để xe choán hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ. (Ảnh chụp hồi 13h30, ngày 19-3-2017).

Bùi Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết chống tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.