Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu chí xác định ùn tắc giao thông đã lỗi thời

Gia Bảo| 12/05/2017 07:06

(HNM) - TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc áp dụng Bộ tiêu chí xác định tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn. Cơ sở của đề xuất này là tiêu chí đang áp dụng dựa trên cơ sở tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút mỗi đợt đã lỗi thời, không phù hợp.


Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn thành phố thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm, các trục ra vào cảng hàng không, cảng biển; các tuyến đường khu vực trung tâm. Thực tế đó đòi hỏi phải có một tiêu chí để đánh giá tình trạng ùn tắc nhằm tìm ra những giải pháp căn cơ. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Bộ tiêu chí xác định UTGT dựa trên 3 yếu tố gồm: Vận tốc trung bình dòng xe nhỏ hơn hoặc bằng 5km/giờ (thấp hơn vận tốc người đi bộ); tình trạng kéo dài thời gian trên 30 phút và chiều dài dòng xe kéo dài từ 200m đến 300m. Yêu cầu đặt ra với Bộ tiêu chí là phải phù hợp với đặc thù và tình hình giao thông thực tế. Đồng thời, đánh giá tình hình giao thông trên cơ sở khoa học, có định lượng các thông số cơ bản của dòng phương tiện lưu thông như: vận tốc dòng xe, chiều dài hàng đợi, lưu lượng, mật độ… Bên cạnh đó, cần bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, công cụ và phương pháp cụ thể để xác định các thông số.

Thời gian qua, việc xác định tình trạng UTGT chủ yếu dựa trên cơ sở tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút mỗi đợt. Thế nhưng, qua đánh giá, UBND thành phố nhận thấy phương pháp này mang tính chất định tính, chưa phù hợp với thực tế. Do vậy, việc xây dựng Bộ tiêu chí cần dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng để xác định chính xác tình trạng UTGT, nhằm phục vụ công tác tổ chức giao thông cũng như công tác hoạch định các chính sách về quản lý và điều hành giao thông đô thị. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sớm nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chí chung để đánh giá một cách khoa học, hợp lý tình hình giao thông và áp dụng đồng bộ trong phạm vi cả nước. Đồng thời, xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu đánh giá tai nạn giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Trao đổi với Báo Hànộimới về đề xuất trên, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho hay, việc xác định tình trạng UTGT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bằng Bộ tiêu chí trên là cần thiết. Thế nhưng, để Bộ tiêu chí trên phát huy hiệu quả cao nhất thì chính quyền thành phố cần khảo sát thực tế chi tiết hơn nữa và đánh giá một cách khoa học bằng việc phân tích các số liệu điều tra đối với từng khu vực, tuyến đường, khung giờ, lưu lượng người tham gia giao thông… bởi đặc điểm mỗi nơi một khác nên cách đánh giá cũng cần riêng biệt.

Tương tự, TS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị cho rằng, không thể dựa vào 3 tiêu chí trên để đánh giá thực tế UTGT trên địa bàn thành phố, bởi như vậy là không thực tế. Do đó, để tìm bài toán giải quyết UTGT cần các giải pháp tổng thể và linh hoạt dựa trên điều kiện thực tế của thành phố như: Quản lý đô thị, quy hoạch mạng lưới giao thông, phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, tăng cường ý thức người dân…

Cũng theo phản ánh từ nhiều người dân tại các điểm nóng về UTGT như: Đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Bình), khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp)… tại những thời điểm gọi là kẹt xe khủng khiếp nhất cũng không thể xảy ra UTGT theo kiểu xe di chuyển chậm hơn người đi bộ. Do đó, chính quyền thành phố cần đánh giá lại tiêu chí để có những giải pháp thực tế hơn nhằm đẩy lùi tình trạng UTGT trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chí xác định ùn tắc giao thông đã lỗi thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.