Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để “quýt làm, cam chịu”!

Hà Phong| 11/11/2017 07:10

(HNM) - Qua xử lý hình ảnh, đã có hàng nghìn xe ô tô vi phạm bị từ chối đăng kiểm. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm qua hình ảnh vẫn còn những điểm chưa chặt chẽ, đòi hỏi phải khẩn trương hoàn thiện, tránh cảnh “quýt làm, cam chịu”.


Cơ sở pháp lý

Theo quy trình hiện nay, từ việc phát hiện vi phạm qua hệ thống camera giám sát, lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường được thông báo và trực tiếp dừng phương tiện vi phạm để xử lý. Đối với trường hợp không xử lý ngay được các xe vi phạm, Cảnh sát giao thông tra cứu và gửi thông báo vi phạm về địa chỉ của chủ xe, mời người vi phạm đến cơ quan Cảnh sát giao thông chấp hành xử phạt.

Hệ thống camera hỗ trợ giao thông sẽ giúp công tác xử lý hình ảnh bảo đảm chính xác. Ảnh: Thái Hiền



Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh thu được từ camera (được gọi là "phạt nguội") còn gặp nhiều khó khăn, số người chấp hành quyết định xử phạt chưa cao. Sau khi gửi thông báo trực tiếp qua đường bưu điện về địa chỉ nơi cư trú của chủ phương tiện hoặc qua công an phường, xã mà chủ phương tiện (hoặc người vi phạm) không hợp tác thì cơ quan Cảnh sát giao thông gửi thông báo sang cơ quan Đăng kiểm, kiến nghị tạm thời dừng đăng kiểm và đề nghị chủ phương tiện hợp tác để tìm người vi phạm. Chỉ khi chủ xe vi phạm nộp đủ tiền phạt thì mới được kiểm định.

Cơ sở pháp lý được viện dẫn cho việc phối hợp giữa Cảnh sát giao thông với cơ quan Đăng kiểm là Điều 85 Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Khoản 7, Điều 76, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, chủ phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Có tránh được oan, sai?

Ủng hộ việc xử lý nghiêm những lái xe có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên nhiều chuyên gia pháp luật cũng khẳng định, có những tình huống chủ phương tiện có thể bị oan khi không gây nên lỗi cũng phải nộp phạt. Ví như trường hợp mua xe cũ, chủ trước đây vi phạm và dữ liệu chưa được cập nhật; khi cho mượn xe hoặc cho thuê xe thì người mượn hoặc thuê xe đó vi phạm. Hoặc chủ công ty không nhận được thông báo vi phạm, giao xe cho nhân viên vận hành, khi đi đăng kiểm mới biết lái xe vi phạm, mà người đó đã nghỉ việc...

Theo luật sư Nguyễn Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội), phạt “nguội” và đăng kiểm là hai vấn đề khác nhau. Hành vi vi phạm dẫn tới phạt “nguội” là ý thức chủ quan của tài xế, không phải lỗi của phương tiện. Chúng ta đã có quy định rõ ràng về đăng ký xe, nếu chủ xe bán cho người khác thì phải báo cơ quan chức năng để xác định đúng chủ sở hữu. Nếu họ không báo thì phải chịu trách nhiệm. Đây là việc của cơ quan Công an chứ không phải là cơ quan Đăng kiểm. Kể cả trong trường hợp phối hợp, cũng phải xem xét lại nguyên tắc ai vi phạm thì người đó chịu phạt, chứ không thể để người này phải gánh phạt cho người kia, chẳng khác gì “quýt làm, cam chịu”.

Khẳng định việc phạt “nguội” đã làm chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, song Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn cho rằng, qua rà soát cho thấy, trình tự và quy định cụ thể liên quan đến phạt “nguội” qua hệ thống giám sát chưa được ban hành. Điều đó dẫn đến việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp khó khăn, vướng mắc. Điển hình như việc thông báo để yêu cầu trực tiếp người vi phạm tới cơ quan thẩm quyền lập biên bản, xử lý vi phạm, hay việc thông qua chứng cứ thu thập từ hệ thống giám sát đó xác định cụ thể đối tượng vi phạm đã đặt ra nhiều thách thức với cơ quan chức năng.

Ông Đặng Thanh Sơn khẳng định, sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an xây dựng thông tư, quy định cụ thể quy trình, trình tự xử phạt hành chính thông qua hệ thống giám sát về an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Để người vi phạm trật tự an toàn giao thông chấp hành tốt khi bị “phạt nguội”, luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, có nhiều cách khác đúng luật, có thể giải quyết hài hòa. Điển hình như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về phương tiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong đó người mua xe cũ biết có nợ "phạt nguội" hay không. Cùng với đó, cần xây dựng một hệ thống liên thông, cho phép thu, nộp tiền vi phạm trật tự an toàn giao thông tại bất kỳ Kho bạc Nhà nước nào thay vì gây ra lỗi ở tỉnh, thành phố nào phải về tỉnh, thành phố đó nộp phạt.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh hiến kế, sau khi đã xác minh, cơ quan quản lý phải kịp thời gửi thông báo về tận nơi cư trú hay nơi công tác của người vi phạm. Bên cạnh đó, có thể áp dụng phương án, càng chậm nộp phạt thì số tiền phải nộp càng tăng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để “quýt làm, cam chịu”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.