Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Phương án nào?

Tuấn Khải| 08/09/2018 07:09

(HNM) - Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam vào năm 2019. Hiện đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để có thể trình Bộ Giao thông - Vận tải ngay trong tháng 9.


Theo chiến lược phát triển đường sắt, từ năm 2020 đến năm 2030, ngành Giao thông - Vận tải sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160-200km/h, đường đôi khổ 1,435m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350km/h trong tương lai. Đến năm 2050, ngành sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435m trên toàn trục Bắc Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350km/h.

Đại diện Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.542km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, chia thành 4 đoạn, gồm: Hà Nội - Vinh (282km), Vinh - Đà Nẵng (432km), Đà Nẵng - Nha Trang (472km), Nha Trang - TP Hồ Chí Minh (363km). Phần lớn tuyến đường sắt mới sẽ đi song song đường sắt hiện tại nhưng có một số đoạn sẽ tách ra tùy theo địa hình. Trong đó, điểm đầu từ Ga Hà Nội hoặc Ga Ngọc Hồi, cơ bản song song với đường sắt hiện tại, qua huyện Phú Xuyên, vượt qua quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đi về phía Đông đường bộ cao tốc...

Đoạn từ Hà Tĩnh đến Đồng Hới (Quảng Bình), tuyến đường sắt mới sẽ về phía biển nơi địa hình bằng phẳng hơn và có thể qua các đô thị, trong khi đường sắt hiện tại đi về phía Tây. Các khu vực kinh tế lớn cũng sẽ xem xét đặt ga đường sắt. Thay vì đi ven đèo như đường sắt hiện tại, đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án đi xuyên qua núi tại Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả... Khoảng 50 - 60% chiều dài tuyến sẽ đi trên cầu cạn, cầu vượt sông, không có giao cắt đồng mức với đường bộ. Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đã cùng tư vấn làm việc với tất cả 20 tỉnh, thành phố về hướng tuyến. Ở khu vực cuối tuyến, sau khi qua Sân bay Long Thành (Đồng Nai), tuyến cơ bản đi cùng hướng đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây về Ga Thủ Thiêm đặt tại quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Liên danh tư vấn cũng đề xuất xu hướng lựa chọn công nghệ theo nguyên tắc đồng bộ, tiên tiến, thuận lợi chuyển giao. Đoàn tàu áp dụng công nghệ động lực phân tán vì có nhiều ưu điểm trong giảm bớt chi phí hạ tầng, phù hợp xu hướng các nước trên thế giới.

Tổng vốn đầu tư toàn dự án dự kiến là 58,710 tỷ USD, trong đó hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh được ưu tiên đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2030) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD. Hình thức đầu tư được đề xuất là PPP (đối tác công - tư) kết hợp với vốn nhà nước. Các phương án huy động vốn gồm: Vốn trong nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp, tư nhân (PPP); vốn thu từ quỹ đất. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế tài chính theo hướng: Nhà nước cấp phát đối với kết cấu hạ tầng; ngân sách nhà nước cấp phát kết hợp với xã hội hóa thông qua khai thác quỹ đất và dịch vụ tại các ga đô thị lớn. Xã hội hóa đầu tư hoặc doanh nghiệp vay lại để đầu tư phương tiện, đầu máy toa xe... Đây là đề xuất sơ bộ và nội dung trên sẽ được nghiên cứu, làm rõ hơn trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cuối kỳ dự án.

Theo các chuyên gia giao thông, đây là một "siêu" dự án đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nên cần phân tích kỹ khả năng hoàn vốn, giải phóng mặt bằng, tỷ giá... nhằm tránh rủi ro. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường cho rằng, Nhà nước còn nhiều dự án khác như đường cao tốc phía Đông, phát triển hàng không. Vì vậy, cần có dự báo vận tải để đưa ra đề xuất phù hợp. Việc chia các đoạn từ Vinh đến Nha Trang là quá lớn, nên có sự chia đoạn nhỏ hơn sẽ hợp lý trong phân kỳ đầu tư. Việc đề xuất phương án tốc độ cần phân tích kỹ, lưu ý dù phương án nào thì việc đầu tư hạ tầng cũng cần theo tiêu chuẩn 350km/h.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Phương án nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.