Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn

Mai Hoa| 09/04/2017 07:44

(HNM) - GS.TS triết học Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định:

Tác phẩm “Đường kách mệnh” là “Bảo vật quốc gia” và được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Lê Hiếu


- Giáo sư có thể chia sẻ ý nghĩa đặc biệt về sự ra đời tác phẩm “Đường kách mệnh”?

- “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của cách mạng Việt Nam. Được xuất bản lần đầu năm 1927, tác phẩm có vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của tác phẩm là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp xuất bản tác phẩm lý luận chính trị cũng như các tác phẩm báo chí cách mạng sau này.

- Không phải ngẫu nhiên chương trình giới thiệu tác phẩm “Đường kách mệnh” được xếp là sự kiện mở đầu trong chuỗi 25 sự kiện tại Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam 2017, thưa Giáo sư?

- Năm nay là dịp kỷ niệm 90 năm ngày tác phẩm ra đời, gắn liền với kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I Lenin - người có ảnh hưởng rất quan trọng đến tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chương trình chính là dịp để khẳng định con đường cách mạng của Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước ta đã trải qua hơn 30 năm, Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định đường lối cách mạng Việt Nam thời kỳ mới là tiếp tục sự nghiệp của “Đường kách mệnh” mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra 90 năm trước đây.

Đây là sự kiện mở đầu trong chuỗi hoạt động của tuần lễ phát động Ngày Sách Việt Nam 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức. Điều đó cho thấy mảng sách lý luận chính trị của Đảng chiếm vị trí rất quan trọng trong hoạt động xuất bản của nước ta, mà trước hết thể hiện ở tác phẩm “Đường kách mệnh”.

- Giáo sư nhận định thế nào về giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập?

- Không có lý luận dẫn đường như người không có trí khôn. Trong bối cảnh hiện nay, muốn kiến tạo thành công, Đảng ta phải chú trọng toàn diện các mặt, về đường lối chính trị đúng đắn, tư tưởng tiên tiến của thời đại, tập hợp sức mạnh muôn người như một... Đặc biệt, theo ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt chú trọng vấn đề đạo đức, mà đạo đức lớn nhất của người cộng sản là trung thực, dũng cảm trong nhận khuyết điểm, sai lầm, có bản lĩnh và quyết tâm sửa chữa, làm cho Đảng xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân, gây dựng niềm tự hào của nhân dân về Đảng của mình.

Với “Đường kách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề cao đạo đức cách mạng với lối sống giản dị, trung thực, tiết kiệm, tận tụy, hy sinh. Sinh thời, Bác Hồ thường dạy chúng ta phải lo cuộc sống cho dân, làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân. Chúng ta cần có đủ dũng khí để chống cho được thói quan liêu, tham nhũng; và mỗi người cách mạng, mỗi đảng viên cần rèn luyện bản lĩnh, noi gương Bác Hồ, đứng ngoài vòng danh lợi, đánh bại chủ nghĩa cá nhân để toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp cách mạng. Đảng ta đã và đang quyết tâm thực hiện những tư tưởng lớn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Xin Giáo sư cho biết, tác phẩm “Đường kách mệnh” có ý nghĩa thế nào với việc đào tạo cán bộ, đảng viên hiện nay?

- Bác Hồ nói, cán bộ là gốc của sự nghiệp cách mạng, đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng. Cán bộ cần phải có đức và có tài, đức là gốc, tài là quan trọng, chúng ta phải làm thế nào để vận dụng được tư tưởng ấy của Bác vào đường lối chính sách chiến lược phát triển cán bộ, vào trong cơ chế, để đưa được người tài giỏi, có đức độ vào trong bộ máy của Đảng, chính quyền, đoàn thể; đồng thời, phải loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất, làm tổn hại thanh danh của Đảng - đó là yêu cầu bức xúc mà nhân dân đặt ra hiện nay. Cán bộ phải có năng lực hiểu biết lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn, thống nhất lý luận với thực tiễn, hành động thiết thực, cụ thể chứ không nói suông, không mắc bệnh hành chính, quan liêu. Điều quan trọng nữa, cán bộ phải là cán bộ của dân, dân phải kiểm soát được cán bộ, cả hành vi, lối sống; đánh giá cả hiệu quả công tác...

- Trong “Đường kách mệnh”, Bác Hồ cho rằng người cách mạng phải có tiêu chí không ham muốn vật chất. Trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nội dung đó có ý nghĩa như thế nào?

- Điều Bác Hồ mong muốn, đó là người cách mạng phải từ bỏ tính tham, lòng tham của chủ nghĩa cá nhân để toàn tâm toàn ý vào việc chung. Khi lợi ích của sự nghiệp chung đòi hỏi thì người cách mạng phải có bản lĩnh hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích chung. Trong đời sống hằng ngày, Bác Hồ chỉ chống chủ nghĩa cá nhân chứ không bao giờ phủ nhận cá nhân. Mà tôn trọng cá nhân nghĩa là tôn trọng nhu cầu lợi ích hằng ngày thiết thực của họ, tạo động lực cho sự phát triển.

Ngày nay, Đảng ta nhấn mạnh: Khuyến khích mọi người lao động làm giàu hợp pháp theo luật pháp, không có bất cứ cản trở nào, chỉ chống lại “lợi ích nhóm” bất minh, bất chính, vì lợi ích của nhóm nhỏ mà làm hại đến lợi ích chung của xã hội. Điều này phải được thực hiện thông qua giáo dục nhận thức, qua cơ chế kiểm soát và thông qua lãnh đạo quản lý chặt chẽ. Cùng với đó, trong xã hội, phải giáo dục đạo đức, văn hóa để mọi người biết lựa chọn giá trị đúng đắn, từ bỏ những tham lam, ích kỷ vụ lợi, từ đó, quyết tâm làm điều có lợi cho dân, cho nước!

Bác Hồ không xem nhẹ lợi ích cá nhân và chúng ta cần vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác trong điều kiện lịch sử cụ thể hiện nay, khi chúng ta đang phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.