Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vỡ vụn” và “Cuộc vuông tròn” hấp dẫn lạ lùng

Bùi Nhật Thành| 13/08/2017 07:36

(HNM) - Tôi mê mải đọc Nguyễn Bắc Sơn với tâm trạng háo hức đặc biệt vì cả nội dung và giọng điệu văn chương, đề tài - từ chính sự, chính trị đến tình yêu, hôn nhân gia đình - gai góc hấp dẫn, nóng hổi tính thời cuộc. Mới đây nhất phải kể đến là bộ tiểu thuyết

Bộ tiểu thuyết “Vỡ vụn” và “Cuộc vuông tròn” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.


Là công dân Hà Nội, bạn đọc trung thành của Báo Thời mới đến Hànộimới bây giờ nên tôi biết nhà văn Nguyễn Bắc Sơn là cộng tác viên của báo, rõ nhất là ở mảng giáo dục. Cho đến cuộc thi viết kéo dài suốt 10 năm "Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" do Báo Hànộimới tổ chức từ cách nay 17 năm, thấy ông đoạt hai giải nhất, một giải nhì liền trong ba năm đầu (từ năm 2000 đến năm 2002) khi viết về cầu Long Biên, sông Hồng, xe buýt Hà Nội, tôi mừng vì sự thành công ở thể ký của ông.

Rồi là những ngạc nhiên khác nữa khi biết Nguyễn Bắc Sơn viết tiểu thuyết và đạt kết quả không ngờ: "Luật đời & cha con" đoạt Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; phim chuyển thể "Luật đời" được khán giả bình chọn là phim hay nhất năm 2007. "Lửa đắng" và "Gã Tép Riu" đều đoạt giải ba ở hai cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Và, mới nhất là bộ tiểu thuyết "Vỡ vụn" (2016), "Cuộc vuông tròn" (2017).

"Luật đời & cha con" và "Lửa đắng" đã "tiểu thuyết hóa" nhiều vấn đề quan trọng nảy sinh trong đời sống, thậm chí từ trước khi những vấn đề đó được đặt ra một cách rộng rãi, như vấn đề thí điểm thi tuyển công chức vào ví trí lãnh đạo; nhất thể hóa một số chức danh quan trọng. Với vấn đề chạy chức chạy quyền, việc chống tham nhũng làm đau đầu nhức óc lãnh đạo và cử tri, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp, Nguyễn Bắc Sơn dựng nhân vật Lưu Minh Vương với thủ đoạn cáo già trong chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng, chạy huân chương… ở chương 16 - Bí mật cuộc chạy đua (Vỡ vụn).

Còn "Ông Quy Trình" (chương 13, Cuộc vuông tròn) là đỉnh điểm của cuộc đấu khẩu, đấu trí giữa Thành, Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh với ông Bia Cổ Rụt, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Bằng sự hiểu biết sâu sắc của người làm tổ chức và sự thông minh sắc sảo, bản lĩnh của một cán bộ từng trải, lại được thừa hưởng của thân phụ - cựu tù chính trị Sơn La, cựu chủ tịch, bí thư tỉnh này mà Thành đã nghĩ ra được cách buộc Ông Quy Trình phải lựa chọn sống còn: Hoặc là hoàn trả lại những gì đã "ăn" của người ta để làm lại từ đầu, hoặc là mất hết, bởi không còn đường lùi nữa...

Bằng cách gì mà Thành làm được như thế, bạn đọc sẽ tìm được câu trả lời khi đọc chương 13 - "Cuộc vuông tròn". Theo tôi, điều lý thú là những gì rút ra được sau khi đọc cuốn sách này: Nếu cả nước đều làm theo cách của Thành, chúng ta sẽ thu hồi được của tham nhũng!

Vấn đề tình yêu, hôn nhân cũng là chuyện rất đời, rất nóng. Chuyện phụ nữ sống đơn thân không chỉ xuất hiện ở nước ta, mà là điều phổ biến trên thế giới. Chưa ai nghiên cứu tâm lý, tính cách những đứa trẻ là sản phẩm của cuộc sống đơn thân, nhưng thừa biết rằng chỉ với việc sống trong cảnh bố mẹ li dị hoặc mồ côi là chúng đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Nguyễn Bắc Sơn đưa ra một trường hợp vô cùng độc đáo nhưng lại rất đời thường: Một cô gái xinh xắn da trắng tóc dài, đỗ đầu vào khoa Ngữ văn, học giỏi, muốn chọn bạn đời phải hơn mình một cái đầu nên đưa ra một câu đố liên quan tới chỉ số IQ. Bạn học chịu cứng… Ra trường mãi, ngẫu nhiên gặp một thần tượng hơn mình nhiều thứ.

Yêu lắm nhưng thần tượng đã có gia đình. Anh này cũng chịu, không giải được câu đố nên đành chọn cách - cũng là điều kiện mà người thua phải chịu - chiều ý để có một đứa con mà không phải chịu bất cứ sự phiền hà hay hệ lụy nào. Trong khi đó, thần tượng của cô gần như đổ vỡ hôn nhân với người vợ tàn tật về thể xác (phải ngồi xe lăn) nhưng tệ nhất là tàn tật về tâm hồn. Chỉ đến khi con gái đưa ra lời khuyên: “Bố phải biết thương mình hơn. Cho mẹ con em Đại nữa, không để mẹ con cô ấy sống đơn thân được đâu. Nó trái với luật đời” thì Chính - nhân vật đứng giữa hai người đàn bà mới khỏi day dứt mà nghiêng hẳn về một bên.

Tôi đồng thuận với nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng trong lời giới thiệu “Cuộc vuông tròn”: “Bạn đọc bị cuốn hút đọc liền mạch bởi tài năng của một nhà tiểu thuyết có lối kể chuyện kỳ khu tỉ mẩn, kỳ khu đến độ quái kiệt vào từng ngóc ngách bí ẩn cuộc sống với sức liên tưởng dồi dào trên cơ sở hiểu biết sâu rộng đến nơi đến chốn của Nguyễn Bắc Sơn”.

Tôi thích lối diễn đạt vừa hàn lâm vừa đậm chất dân gian đương đại của Nguyễn Bắc Sơn, như khi ông viết “Vốn sống… trên trời” (trang 37. Vỡ vụn), “Ai cũng biết chỉ mình mẹ không biết” (trang 32. Vỡ vụn) nhại từ câu “ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu”. Hay khi viết về lợi thế của Lưu Minh Vương với bốn từ đôi đều bắt đầu bằng phụ âm “m” - “mồ mả, mồm mép, mưu mẹo, may mắn” (trang 17. Vỡ vụn) thì quả thật đây là lần đầu tôi được nghe...

Còn nhiều điều thú vị nữa từ tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn mà tôi không thể kể hết ở đây. Như chuyện tác giả để nhân vật Chính giải thích cụm từ “Ba vạn chín nghìn” trong “Cuộc vuông tròn” thì, dù vẫn nghe các bà nông dân nói nhưng đố ai giải thích được nếu không đọc “Cuộc vuông tròn”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vỡ vụn” và “Cuộc vuông tròn” hấp dẫn lạ lùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.