Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội sách Mùa thu: Chảy mãi mạch nguồn văn hóa đọc

Mai Hoa| 12/11/2017 07:35

(HNM) - Tối nay 12-11, Hội sách Mùa thu sẽ khép lại (tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt - Hà Nội). Với chủ đề “Hội nhập - những cuốn sách cùng bạn ra biển lớn

Hội sách Mùa thu 2017 thu hút nhiều độc giả.


Những thông điệp ý nghĩa

Bà Đỗ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Talent Pool chuyên về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chia sẻ về hành trình làm cuốn "Con gái Bà Triệu thế kỷ XXI" (phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh): "Điều hạnh phúc nhất, đó là tôi được gặp nhiều người phụ nữ tuyệt vời, để rồi nhận ra rất nhiều điều đẹp đẽ quanh ta".

Có một câu chuyện nhỏ khiến bà Dương đau đáu mãi. Đó là hành trình làm cầu nối đưa sách đến trại giam, trường giáo dưỡng. Bà cho biết: "Có những trẻ lứa tuổi tương đương lớp 8 rồi mà vẫn không biết đọc. Không ít phụ nữ cũng ngậm ngùi rằng họ không biết đọc. Đến với họ, tôi mong những người làm sách, bên cạnh việc cập nhật thông tin để không bị chậm nhịp so với sự phát triển của ngành Xuất bản thế giới, cũng cần có những cuốn sách "đủ đơn giản" để giúp những số phận không may ấy được tiếp cận, đọc sách, học từ sách".

Một thông điệp khác cũng rất ý nghĩa được chia sẻ từ bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm CSIP (Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng) - một đơn vị đã có gần 10 năm thực hiện hành trình hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội. Trong hành trình ấy may mắn được tiếp cận, hỗ trợ hàng trăm con người giàu hoài bão và ý tưởng ấy, bà đã quyết định chọn ra 25 câu chuyện kể về những con người luôn tiên phong tạo sự thay đổi, mang đến tinh thần khởi nghiệp cho cộng đồng, tập hợp trong cuốn sách "Thành công theo cách khác"... Bà Kiều Oanh nhấn mạnh: "Tạo dựng thói quen đọc chính là cách hữu hiệu để tạo ra một thế hệ trẻ tự tin trong hội nhập, có khả năng tận dụng tri thức, nguồn lực cộng đồng để tạo nên sự thay đổi".

Các tác giả Thùy Dương và Kiều Oanh chỉ là hai, trong số rất nhiều trí thức, tác giả, văn nghệ sĩ, độc giả yêu thích đọc sách đã cùng góp mặt và chia sẻ những câu chuyện tràn đầy cảm hứng của họ tại Hội sách Mùa thu 2017. Trong một không gian đẹp, giàu tính tương tác, hội sách không còn là nơi mua - bán sách, mà đã thực sự trở thành một không gian văn hóa, nơi gặp gỡ và giao lưu, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa.

Bền bỉ phát triển văn hóa đọc

Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp Hội sách Mùa thu được Nhà Xuất bản Phụ nữ phối hợp cùng Nhà Xuất bản Trẻ, Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức. Nhớ lại những ngày đầu xây dựng ý tưởng, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Phụ nữ bày tỏ: "Cách đây 6 năm, Nhà Xuất bản Phụ nữ chỉ nghĩ phải làm thế nào để đưa sách trực tiếp đến tay bạn đọc, tạo không gian gặp gỡ của những người yêu sách, lắng nghe ý kiến bạn đọc, tổ chức mô hình nhỏ, gọn, chuyên sâu. Chúng tôi mời các Nhà Xuất bản Trẻ và Kim Đồng cùng tham gia, qua đó có thể cung cấp đa dạng các thể loại sách cho mọi lứa tuổi, đối tượng trong gia đình".

Biết bao khó khăn, bởi trước đó mới chỉ có mô hình hội chợ, chưa phải hội sách. Nhưng càng về sau, Hội sách Mùa thu càng được tổ chức theo hướng chuyên sâu, tạo bản sắc trong lòng bạn đọc với các chương trình giảm giá trực tiếp, nội dung sách chất lượng, tác giả trực tiếp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển bản thân từ sách... Không gian đẹp, sách phong phú, nội dung giao lưu sâu nên Hội sách Mùa thu dần trở thành thương hiệu ngày càng gần gũi bạn đọc. Mỗi năm, Ban Tổ chức lại chọn các chủ đề riêng, cách làm riêng, như làm sách độc bản, gửi tặng sách cho vùng sâu, vùng xa, hội phụ nữ cơ sở, tặng sách và quà cho Quỹ "Mùa đông ấm" của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...

Trong khuôn khổ hội sách năm nay, rất nhiều cuốn sách mới được xuất bản, sách hay được tái bản. Bà Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh Nhà Xuất bản Trẻ tại Hà Nội chia sẻ: "Bên cạnh những hội sách quy mô lớn chỉ nên tổ chức 1-2 năm/lần, những mô hình nhỏ, gọn, chuyên sâu như Hội sách Mùa thu sẽ có lợi cho các gia đình trong việc dễ dàng lựa chọn sách tốt nhất, phù hợp nhất. Năm nay, Nhà Xuất bản Trẻ giới thiệu những cuốn sách cung cấp kiến thức nền rất tốt cho định hướng nghề và khởi nghiệp"...

Không quá khó để nhân rộng những mô hình tạo dựng không gian sách đậm chất văn hóa với quy mô nhỏ, gọn, chuyên sâu như Hội sách Mùa thu, nhưng nó vẫn đòi hỏi nhiệt huyết, quyết tâm của những người làm nghề, luôn chủ động tìm kiếm phương thức hoạt động phù hợp, gây dựng thói quen đọc sách tới cộng đồng. Bên cạnh đó, để phát triển văn hóa đọc thực sự, bên cạnh những chiến lược, đề án, việc học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến, ví như Nhật Bản có Luật Khuyến đọc, cũng là sự tham chiếu cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội sách Mùa thu: Chảy mãi mạch nguồn văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.