Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Hương quê" và một cách tiếp cận khác

Đặng Huy Giang| 15/03/2018 11:28

(HNMO) - Từ lâu, chùa Hương đã trở thành một thắng cảnh độc nhất vô nhị bởi vẻ đẹp linh thiêng và huyền bí vốn có. Phật tích và chất Thiền của vùng đất “Tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan” hấp dẫn và mạnh mẽ đến nỗi đã khiến nhà thơ-Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (1862-1905) phải thốt lên trong bài vịnh “Thú Hương Sơn”: “Kìa non non, nước nước, mây mây/ Đệ nhất động, hỏi là đây có phải/ Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh”.

Bìa cuốn sách “Hương quê”


Còn trước đó, nhà thơ-“Thánh thơ” Cao Bá Quát (1809-1855) đã như quên hết tất cả để trở về Hương Sơn như để trở về bản thể thiên nhiên và trở về mình. Không thế, tại sao trong “Mười khúc vịnh Hương Sơn”, ông lại hạ bút: “Thôi đừng hỏi chuyện chìm hay nổi/ Hãy thử cùng sư rửa tấc lòng”.

Nhiều năm sau, thời hiện đại, nhà thơ người Hưng Yên Nguyễn Quốc Lập coi sự tìm về chùa Hương như tìm về sự cứu rỗi, nơi nương tựa tâm linh và gửi gắm tâm thế của mình vào tứ thơ mang tên “Chùa Hương”: “Về đây gột rửa ưu phiền/ Thoát vòng vướng bận, chạm miền thảnh thơi/ Nghe lá rụng nghe mưa rơi/ Và nghe gió cất những lời tự do/ Về đây, vô nghĩ, vô lo/ Kia dòng suối Yến con đò đợi ta/ Đất gần, trời cũng chẳng xa/ Bỏ qua hơn, thiệt đi qua đời mình”.

Nêu thế để thấy: Vượt lên thời gian, chùa Hương cũng chính là cái nôi sinh thành nhiều áng thơ văn đáng nhớ, để đời.

Mới đây, từ một cách tiếp cận khác, một góc nhìn khác, với tư cách chủ biên, nhà báo Kiều Ngọc Kim đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn mang một cái tên tuy giản dị, gần gũi mà nên thơ: “Hương quê”. Và ông cho rằng: “Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không ngừng bổ sung thêm các tác phẩm viết về chùa Hương, viết về Mỹ Đức yêu dấu”. Chính sự “không ngừng bổ sung thêm” đã trở thành chỗ dựa để Kiều Ngọc Kim nối quá khứ với hiện tại.

Mang tinh thần ấy, phần mở đầu, nhóm tác giả đã tập trung viết về những kỷ niệm, những việc làm đáng nhớ mang nặng dấu ấn thời gian, dấu ấn thời cuộc như là nền tảng của “Hương quê” qua các bài viết khá sinh động: “Cảnh đẹp chùa Hương”; “Sinh nhật lần thứ 68, Bác Hồ về thăm chùa Hương”; “Xây dựng Tam bảo và tạc tượng Hòa thượng Thích Thanh Chân”; “Hương Thiên vắng lạnh bóng người tri âm”; “Thiên Trù-Đêm Nguyên tiêu”; “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái”...

Phần tiếp theo của “Hương quê”, nhóm tác giả dành phần lớn số trang sách để đưa độc giả vào thế giới ẩm thực được gìn giữ từ bao đời nay, như là một nét đẹp, nét lạ văn hóa của một vùng đất có một không hai.

Đọc “Hương quê”, độc giả hiểu thêm thế nào là “Nhị độ mai”, “Sa cá Phú Yên”, “Rượu tằm Mỹ Đức”, “Món ăn giả tam tam”, “Mắm tôm riu”… Ngay cả cách giải thích gốc gác cái tên củ mài ở chùa Hương, của chùa Hương, cũng ngồ ngộ, là lạ: “Không rõ vì sao cây này lại có tên là “mài”? Nghe các cụ ở Hương Sơn bảo: Đào được của mài thì phải mài quần, mài áo, mài người, mài mặt xuống đất”. Hay cách tả, cách nói về lá và hoa rau sắng, cũng rất ví von, hình ảnh và nghe rất vào: “Ngọn non mới nhú ra, lá còn nhỏ xíu, gọi là rồng rồng. Hoa rau sắng nhỏ li ti sắc vàng, tựa như hoa ngâu. Nửa tháng sau, lá non căng đẫy vừa tầm, gọi là lá bánh tẻ.” Còn đây là món “giả tam tam”, chỉ đọc lên thôi đã thấy ứa nước miếng: “Ở Hương Sơn có cách nấu ốc nhồi om chuối đậu khá đặc biệt gọi là “giả tam tam”. Người ta nấu ốc với chuối xanh, đậu phụ, thịt ba chỉ và gia vị như món ốc om. Điều khác biệt là chuối được hầm thật nhừ, nhuyễn như thể chuối xay. Món “giả tam tam” này được múc vào một bát chiết yêu, bát loa đủ cho 5-6 người trong mâm, mỗi người một suất như một miếng giò. Ai muốn ăn thêm cũng không có. Đây là bí quyết mời khách, ăn ít ngon lâu.”

Trong “Hương quê”, đặc biệt có khá nhiều đoạn viết rất có văn. Đây là một ví dụ được trích từ “Cá suối Yến”: “Tháng ba, hoa gạo đơm bông, thắp lửa đỏ rực hai bờ suối cũng là lúc trời quang, nắng vàng, mây trắng; không gian rộng mở, con suối như rộng ra. Nước suối trong xanh. Ngồi trên thuyền nhìn thấu tận đáy thảm cây tảo, cây rong và từng đàn cá bơi lội tung tăng, đùa giỡn theo mái chèo đưa khách.”

Đây là một ví dụ nữa được trích từ “Gỏi cá Quan Sơn”: “Giờ Ngọ. Mặt trời đứng bóng. Hồ đang giai đoạn tích nước, đầy ắp. Gió nhẹ, mặt nước hồ lăn tăn gợn sóng. Nắng trải thảm vàng. Lóng lánh sóng nước mặt hồ như những đàn cá tầng tầng, lớp lớp, vẫy đuôi bơi dạo, kiếm mồi”.

Sau chót, “Hương quê” là một cuốn sách được viết khá kỳ khu, uyển chuyển, linh hoạt, tạo ra sức hấp dẫn, gợi mở, không giống với những cuốn sách cùng loại thông thường, đủ sức cho ta hình dung ra vẻ đẹp và đời sống gắn với tổng thể chùa Hương của nhà báo Kiều Ngọc Kim, sau những tập tản văn và bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và tiểu luận: “2+2 bằng mấy?”; “Hương cốm”; “Đâu chỉ có vâng! Dạ!”, “Một thời để nhớ”; “Đất Việt yêu thương”; “Dòng sông nước đỏ”… mà ông là tác giả. Hỏi ra được biết, Kiều Ngọc Kim đã có thời gian dài nhiều năm “thai nghén” với tập sách này, nhất là vào dịp huyện Mỹ Đức đón danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt với danh thắng chùa Hương vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt và kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập huyện Mỹ Đức (1888-2018). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Hương quê" và một cách tiếp cận khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.