Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên giá trị văn hóa đọc

Yên Nga| 19/04/2018 05:48

(HNM) - Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 (21-4) đến sớm với công chúng Thủ đô bằng sự kiện khai mạc Hội sách tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) vào ngày 18-4.

Bạn đọc tham quan các gian hàng tại Hội sách 2018.Ảnh: Thụy Du


Nơi gặp gỡ của những người yêu sách

Tới dự khai mạc Hội sách có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dự. 

Với người yêu sách cả nước, dường như có một lời hẹn trong tháng 4, đó là đến với Hội sách. Nơi đó, mỗi người không chỉ được tiếp cận những đầu sách mới, sách hay do các nhà xuất bản hàng đầu giới thiệu, mà họ còn được giao lưu với tác giả mình yêu mến và quan trọng hơn là được ở trong một không gian văn hóa tri thức.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị của sách trong đời sống xã hội, thể hiện sự quý trọng tri thức của dân tộc Việt Nam. Hội sách năm nay có quy mô rộng hơn, được tổ chức tốt hơn những năm trước. Trên 100 gian hàng của gần 80 đơn vị thuộc các nhà xuất bản, công ty phát hành trên cả nước đem đến 50.000 tên sách, hàng vạn bản sách với chủ đề đa dạng, phong phú nhằm thỏa mãn nhu cầu độc giả.

Tuy người đọc ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận tri thức chỉ bằng một cú “click” chuột, nhưng Hội sách vẫn là nơi gặp gỡ của những người yêu sách. Lê Việt Hằng, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, đến Hội sách để được cầm trên tay những cuốn sách còn thơm mùi mực in, với giá tốt nhất.

Hà Anh Tú, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì mong được gặp những tác giả mà mình yêu mến, như Rosie Nguyễn - chủ nhân của 2 cuốn sách “bestseller” là “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” và “Mình nói gì khi nói về hạnh phúc”.

Nhiều nhóm bạn trẻ hẹn tiếp tục trở lại vào chiều thứ bảy (ngày 21-4) để được gặp gỡ các cầu thủ đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam và cầm trên tay cuốn sách “Bão lửa U23 - Thường Châu tuyết trắng”. Ông Nguyễn Văn Tịnh (75 tuổi) có mặt từ sáng sớm với cuốn sổ tay ghi đầy đủ những đầu sách đang cần.

“Tôi thường đến các hội sách tìm mua tác phẩm kinh điển, tác phẩm cho thiếu nhi để xây dựng lại tủ sách gia đình cho bản thân và con cháu. Nhiều cuốn sách ngày xưa đã bị mối xông hết. Giờ có bản in mới, giấy đẹp, tôi còn thích nữa là bọn trẻ”, ông Nguyễn Văn Tịnh chia sẻ.

Nhiều nhà văn, tác giả nổi tiếng cũng xuất hiện tại Hội sách. Họ đến để ghi nhận phản ứng của độc giả về tác phẩm của mình, như cách để tiếp sức cho ngòi bút… Gần 20 cuộc giao lưu, trao đổi, tọa đàm được tổ chức trong 5 ngày Hội sách, phần lớn có chủ đề về khoa học và kỹ năng sống, như tọa đàm “Sách - Nhịp cầu hội nhập và phát triển”, ra mắt tủ sách “Hội nhập kinh tế quốc tế”, thảo luận về khuynh hướng giáo dục hướng ngoại hiện nay ở Việt Nam, giới thiệu bộ sách “Kỹ năng sống cho trẻ”… đều thu hút sự tương tác của độc giả; cho thấy giới trẻ ngày nay không chỉ thích sách giải trí mà quan tâm tìm đến sách nghiên cứu khoa học, kỹ thuật…

Lan tỏa thú vui đọc sách

Đông đảo độc giả tới dự Hội sách. Ảnh: Việt Linh


Tháng 4 năm nay đánh dấu lần thứ 5 cả nước thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Một chặng đường chấn hưng văn hóa đọc mà như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định: “Thông qua sách, tất cả tri thức, vốn hiểu biết, thế giới tinh thần, tình cảm con người được bảo tồn, lưu giữ và phát huy, góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người, đồng thời, thúc đẩy sự tiến bộ, công bằng xã hội. Vì vậy, khuyến khích phong trào đọc sách đồng nghĩa với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội”.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 đang và sẽ được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, không chỉ tại những thành phố lớn, mà còn được quan tâm, đẩy mạnh tại cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Nhiều địa phương đã có sáng kiến tổ chức Ngày Sách Việt Nam để tạo sự hứng thú và tỏa rộng niềm vui đọc sách đến mỗi người.

Điển hình tại tỉnh Hải Dương, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức theo từng tháng, mỗi tháng một hoạt động với từng chủ đề khác nhau, như: Ngày Sách kết hợp với Lễ khai bút tại đền Chu Văn An, Ngày Sách kết hợp triển lãm bản đồ, trưng bày và giới thiệu tư liệu lịch sử về Trường Sa và Hoàng Sa… Tỉnh Nam Định tổ chức khai mạc Ngày Sách Việt Nam cùng với việc vinh danh các tổ chức, cá nhân đóng góp cho chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học”. Tỉnh Phú Thọ sẽ khai mạc Hội sách Đất Tổ năm 2018 vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương...

Tại Hà Nội, Thư viện Hà Nội đã tổ chức Ngày hội sách năm 2018 với chủ đề “Sách - Người bạn, người thầy” vào ngày 12-4, thu hút hàng nghìn bạn đọc, thầy cô giáo và học sinh các trường tiểu học, trung học. Điểm ấn tượng của ngày hội này là phần trưng bày, giới thiệu nhiều tư liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và các cuốn sách viết về Thủ đô trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính...

Ngày Sách Việt Nam đã dần thành nếp tại các địa phương trên cả nước. Các hoạt động được tổ chức ngày một quy củ, cải tiến, chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu, áp dụng những công nghệ mới nhằm đưa tri thức đến gần bạn đọc. Hàng triệu, hàng triệu cuốn sách được đến với mọi người, từ đó tỏa rộng niềm vui hiểu biết trong cộng đồng.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa: Qua 5 lần tổ chức, Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam đã đi vào ổn định, thái độ người đọc nghiêm túc hơn, lượng sách ngày một phong phú, hấp dẫn, sách kém chất lượng bị loại dần. Sự quan tâm đọc sách của mọi người cũng góp phần giúp ngành Xuất bản phát triển, thúc đẩy không khí sáng tạo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên giá trị văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.