Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị trước kỳ thi

ADMIN| 21/06/2003 08:12

Năm học cuối cấp bao giờ cũng đầy ắp những lo âu. Không ít bạn ngày thi càng tới gần, nhất là kỳ thi ĐH, CĐ, tâm trạng càng căng thẳng, học cũng không vào, không hiệu quả. Cũng có khi quá lo nghĩ, đến ngày thi… thì lăn ra ốm.

Năm học cuối cấp bao giờ cũng đầy ắp những lo âu. Không ít bạn ngày thi càng tới gần, nhất là kỳ thi ĐH, CĐ, tâm trạng càng căng thẳng, học cũng không vào, không hiệu quả. Cũng có khi quá lo nghĩ, đến ngày thi… thì lăn ra ốm.

Chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa là đến kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, song theo những người có kinh nghiệm thì bây giờ bạn vẫn có thể ôn tập mà vẫn chưa muộn. Hãy bắt đầu bằng cách lên kế hoạch cụ thể cho việc học, chia giờ giấc một cách hiệu quả. Quan trọng là bạn phải định được chuyện chính, phụ để tập trung vào học và phải “đủ can đảm” để gạt ra ngoài mọi chuyện “chơi” khác. Bạn cần hệ thống lại những kiến thức đã có, sau đó giải quyết chi tiết nhỏ là trả lời những câu hỏi trong giáo trình. Trong phòng thi vũ khí duy nhất giúp bạn là kiến thức của chính mình. Nếu còn lo âu thì kiểm tra lại xem nó có còn hổng chỗ nào không? Đặc biệt đừng bao giờ nghĩ đến tình huống may rủi trong việc đi thi hay còn gọi là “học tủ”, vì như vậy lúc nào bạn cũng có cảm giác lo âu, thụ động và không thể tự tin. Một khi không đủ bình tĩnh, tập trung để làm bài thi… (cũng có bạn nghĩ đến tình huống xấu nhất như là mọi việc không như ý, bài không trúng tủ, “quay” không được, bạn bên cạnh không cho copy…) thì phải học bài ngay từ bây giờ. Một khi các bạn có ý nghĩ mang tài liệu vào phòng thi thì học bài rất khó. Đi thi với ý nghĩ nguyện vọng này không đỗ đã có nguyện vọng kia điểm thấp hơn…, cũng rất dễ làm bạn ỉ lại, không cố gắng hết khả năng .

Thí sinh nào cũng mong đỗ, nhưng học như thế nào mới quan trọng. T, hiện là sinh viên kể về quá trình của mình năm trước, vẫn ôn bình thường như bao bạn khác. Một tuần cận thi thì T học như “tu” trong phòng, không tiếp xúc với ai, chỉ có học và học. “Thoạt đầu cũng ngán ngẩm vì mấy cuốn sách ôn quá dày. Xác định kết quả thi là do mình có chịu học hay không, chỉ đi ngủ lúc trời gần sáng và trở lại học lúc mọi người thức dậy. Nghĩ lại mà rùng mình, mình không thể ngờ lại có thể ngủ quá ít trong một tuần liền như vậy. Hôm nhận giấy báo trúng tuyển, mình không những hạnh phúc mà còn … đắc ý nữa!”. Quyết tâm như thế là rất cần thiết, tuy nhiên không phải ai cũng “may mắn” khi chọn cách học chay nước rút như T. Có bạn sau khi chép đề bài thi thì gục xuống bàn ngủ một cách ngon lành. Không ít những người đang làm bài thi đột nhiên… xỉu! Nên đi thi phải chú trọng đến cả thể chất và tinh thần của mình, không nên uống quá nhiều cà phê, trà, hút thuốc lá… người không quen sẽ bị ép tim, khó thở hay rất dễ gây “lờn” hoặc nghiện… Cũng không nên ăn quá no máu sẽ dồn xuống bao tử khiến buồn ngủ hoặc khó nhớ…

Một giáo sư của Hội Tâm lý - Giáo dục đã từng đưa ra phương pháp học dễ nhớ. Theo ông tự học là quan trọng nhất, khi các bạn tự tìm tòi, khám phá ra những đều chưa biết thì nhớ rất lâu. Khi bạn tự thắc mắc về một vấn đề , một bài toán nào đó, suy nghĩ mãi mà không ra, sau khi hỏi thầy hỏi bạn, bạn sẽ nhớ mãi… Công việc học ở trung tâm chỉ là phụ thêm thôi, hãy tự biết đánh giá sức mình chứ đừng chạy theo phong trào ôn luyện cấp tốc. Sau đó cần hệ thống lại những phần đã học và ôn lại chúng vào những buổi tối, trước khi đi ngủ hoặc khi thức dậy, bởi khi kiến thức ăn sâu vào tiềm thức thì sẽ nhớ mãi. Nên vận dụng giác quan để tưởng tượng ra bài học khiến mình dễ nhớ bài, như với hình không gian, thì hình dung ngay hình vẽ trong đầu… Khi giải các bộ đề thi, bạn phải chú ý chọn mức điểm chuẩn để phấn đấu và nhớ “trừ hao” khi tính điểm.

Và cuối cùng, trước ngày thi một, hai ngày, nên dành thời gian nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe đi thi. Nhớ kiểm tra lại các dụng cụ, bút, thước, máy tính… trước khi bước vào cuộc đấu trí…

Nguyễn Hoàng Đại

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị trước kỳ thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.