Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ đúng để làm tốt

THUHANG| 26/06/2003 08:19

Kỳ thi cuối cùng của năm nay do Sở GD-ĐT tổ chức đã kết thúc. Những người trong cuộc thở phào nhẹ nhõm bởi các kỳ thi đã diễn ra bình thường trong trật tự, an toàn. Không chỉ thực hiện tốt quy chế của Bộ, ngành GD-ĐT Hà Nội còn kiên trì thực hiện những chủ trương, phương thức xét tuyển vào lớp 10, những cải tiến để đạt kết quả cao hơn mà vẫn bảo đảm sự ổn định...

Kỳ thi cuối cùng của năm nay do Sở GD-ĐT tổ chức đã kết thúc. Những người trong cuộc thở phào nhẹ nhõm bởi các kỳ thi đã diễn ra bình thường trong trật tự, an toàn. Không chỉ thực hiện tốt quy chế của Bộ, ngành GD-ĐT Hà Nội còn kiên trì thực hiện những chủ trương, phương thức xét tuyển vào lớp 10, những cải tiến để đạt kết quả cao hơn mà vẫn bảo đảm sự ổn định.

Để có một kết quả thi phản ánh tương đối chính xác chất lượng dạy và học, phải làm tốt các khâu: ra đề, coi thi và chấm thi. Trong 4 kỳ thi quan trọng đã diễn ra, đặc biệt là tốt nghiệp THCS - một kỳ thi hai mục đích, ngành GD-ĐT đã làm tốt cả 3 khâu này. Như đánh giá của trưởng đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT thì công tác chuẩn bị của Hà Nội khá chu đáo. Trước hết là về nhận thức. Thi cử là việc chính của ngành GD-ĐT nhưng không phải là việc của riêng ngành. Thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trước và trong kỳ thi. Mọi yêu cầu của ngành đều được thực hiện, nhất là về an ninh trật tự. Những điểm thi nào có dấu hiệu hoặc mất trật tự an ninh đều được rút kinh nghiệm và tăng cường lực lượng. Ngành Điện bảo đảm điện cho các điểm thi, khu vực làm đề được bố trí máy phát cơ động nên việc làm đề, sao in đề đã diễn ra đúng tiến độ. Thông tin liên lạc thông suốt. Cán bộ, giáo viên và học sinh được chuẩn bị tốt về tư tưởng. Họ ý thức đúng về tầm quan trọng của công tác kiểm tra đánh giá nói chung và các kỳ thi tốt nghiệp nói riêng. Kết quả các kỳ thi là thước đo sự nỗ lực của các trường, các phòng GD-ĐT, chất lượng dạy và học của thầy và trò. Nó không chỉ để đánh giá thi đua mà còn là dịp để từng đơn vị, từng cá nhân nhìn nhận đúng mình. Bởi thế, các trườngđã nâng cao chất lượng chuyên môn, tổ chức ôn tập tốt, chuẩn bị cho học sinh đi thi đạt kết quả cao nhất. Kết quả thi đã cho thấy, có những địa bàn khó khăn nhưng do chuẩn bị tốt nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao. THPT Trung Giã là trường công lập duy nhất đạt tốt nghiệp 100%. Những trường xưa nay có truyền thống dạy tốt, học tốt vẫn giữ kết quả cao. Thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp THCS là học sinh của trường Tây Sơn (Hai Bà Trưng), Việt Hưng (Gia Lâm), Giảng Võ (Ba Đình), với cấp THPT là học sinh Trần Phú, Hà Nội - Am-xtéc-đam và Chuyên ngữ. Hà Nội vẫn kiên trì tổ chức coi thi liên trường mặc dù quy chế không bắt buộc và nhiều địa phương đã bỏ. Năm nay, Sở còn điều động đội ngũ chuyển đổi tương đối lớn, không chỉ đổi chéo trong cùng quận, huyện mà còn phân công 50% cán bộ, giáo viên từ quận, huyện khác đến. Tuy phải đi trông thi xa nhưng vì nhận thức đúng đắn nên không ai có ý kiến và đều ủng hộ chủ trương của ngành. Biện pháp này thực sự có hiệu quả. Trường nào, quận, huyện nào có nền nếp thì kết quả vẫn rất tốt, nơi nào không thực chất đã có sự giảm sút về tỷ lệ tốt nghiệp, nhất là số khá, giỏi. Qua đó, lãnh đạo ngành đã đánh giá được thực chất chất lượng của cơ sở và chỉ đạo biện pháp quản lý phù hợp.

Cùng với chuẩn bị tốt về lực lượng, năm nay ngành GD-ĐT đã đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các phương tiện làm việc, đặc biệt là máy tính, máy in, máy phôtô siêu tốc phục vụ cho việc ra đề, in sao đề đã được trang bị. Nhờ đó, Hội đồng đề được làm việc trong điều kiện tốt hơn, hiệu quả cao hơn. Tình trạng thiếu đề, đề in sao không rõ ràng đã được khắc phục hoàn toàn. Nhờ đầu tư về công nghệ thông tin nên công tác thông tin, báo cáo nhanh, chuẩn xác.

Công tác chuẩn bị đề thi là một thành công lớn. Đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ tuy cũng còn một vài sai sót (không ảnh hưởng đến kết quả thi) nhưng đã bám sát yêu cầu đổi mới, có tác dụng điều chỉnh cáchdạy và học. Đề không khó nhưng điểm không cao ở các môn Toán, Vật lý, Văn bởi cách ra đề mới đã buộc học sinh phải học, không thể đạt điểm cao nhờ gian lận trong thi cử. Đề thi tốt nghiệp THCS do Sở chịu trách nhiệm đã ngày càng phân hóa được học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn nămngoái, sự chênh lệch giữa các quận, huyện không lớn nhưng tỷ lệ đỗ khá, giỏi lại có sự khác biệt khá xa giữa các trường ở những địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội và mặt bằng dân trí cách xa nhau.

Đội ngũ chấm thi được chọn lọc kỹ lưỡng. Quy chế mỗi bài thi phải do hai giám khảo chấm độc lập được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy chưa có kết quả phúc khảo nhưng số bài thi yêu cầu được chấm lại không nhiều. Vài năm nay, công tác chấm thi của Hà Nội đã có nếp. Năm nay, những biện pháp để bảo đảm việc chấm thi chính xác vẫn tiếp tục được áp dụng và đem lại hiệu quả cao.

Sự đổi mới thi tốt nghiệp tiểu học bằng bài kiểm tra định kỳ học kỳ 2 do Sở ra đề, các trường tổ chức kiểm tra, chấm bài và xét tốt nghiệp đã làm giảm gánh nặng về tâm lý, về công sức và tiền của cho xã hội, ngành Giáo dục và gia đình học sinh. Kết quả không có “đột biến” với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và đạt loại khá giỏi tương đương mọi năm cho thấy những điều lo ngại trước kỳ thi về sự thiếu chính xác trong đánh giá nếukhông tổ chức thành kỳ thi là không có cơ sở. Lẽ dĩnhiên, sau năm đầu tiên sẽ có những bài học được đúc kết để sang năm làm tốt hơn.

Kết thúc kỳ thi, điều còn “cấn cá” vẫn là ý thức của người coi thi. Dù kỷ luật phòng thi đã có nhiều tiến bộ nhưng không thể phủ nhận vẫn còn tình trạng quay cóp, do ý thức, nghiệp vụ của giám thị kém. Một số giáo viên dễ dãi, thậm chí vì thành tích mà “thả” cho học sinh chép. Khi chấm, giám khảo phát hiện nhiều bài làm rất giống nhau. Đây là một vấn đề phải khắc phục, nhưng cần một quá trình lâu dài.

Qua các kỳ thi vừa diễn ra có thể thấy rõ tư tưởng chỉ đạo cùng quyết tâm của ngành GD-ĐT Hà Nội: tổ chức ngày càng tốt hơn các kỳ thi để kết quả thi phản ánh chính xác hơn chất lượng giáo dục. Những cải tiến trong mùa thi năm nay, cách làm việc của những người trong cuộc, đặc biệt là lãnh đạo ngành đã minh chứng điều đó. Không một kỳ thi nào, các đoàn thanh tra của Sở không kiểm tra đột xuất các điểm thi, kể cả nơi là “điểm nóng” lẫn những đơn vị xưa nay có truyền thống làm tốt. Nó đã tạo nên hiệu quả cao trong quản lý, nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ sở. Rõ ràng sự chuyển biến trong nhận thức sẽ đem đến kết quả cao trong hành động.

Kim Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ đúng để làm tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.