Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hoá kiến trúc Hà Nội

ANHTHU| 04/07/2003 14:38

Nhà hát lớn Hà NộiĐặt chân tới thủ đô, cảm nhận trước hết là kiến trúc. Kiến trúc mang tính tổng thể, là sản phẩm của hoà bình, là văn hoá. Thật thú vị khi nghe nhà văn Tô Hoài nói:

Khách sạn Melia - Hà NộiĐặt chân tới thủ đô, cảm nhận trước hết là kiến trúc. Kiến trúc mang tính tổng thể, là sản phẩm của hoà bình, là văn hoá. Thật thú vị khi nghe nhà văn Tô Hoài nói: "Kiến trúc là bếp lửa gia đình, là mâm cơm xum họp, là thủ thỉ tình yêu".

Đầu thế kỷ XX, các nhà kiến trúc, văn hoá Pháp và Việt Nam đã thâm nhập và hiểu như thế nào là văn hoá Việt Nam, để xây dựng được một phong cách kiến trúc khác hẳn với những thứ họ từng quen thuộc, mà ngày nay chúng ta gọi là "phong cách Đông Dương" với những tác phẩm trên cơ sở cấu trúc hiện đại, hợp với dặc điểm đời sống, với cỏ cây, hoa lá phong thuỷ Phương Đông cho đến nay vẫn được thắp sáng ngợi ca. Không chỉ các nhà văn hoá kiến trúc mà không ít khách du lịch từ bên kia nửa trái đất phải suy tư, chiêm ngưỡng. Những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách này: Nhà Bộ ngoại giao, Viện bảo tàng lịch sử, Viện Pasteur...Và hàng ngàn biệt thự tập trung nhiều ở khu Ba Đình.

Nhà hát lớn Hà Nội
Các nhà kiến trúc lão thành Việt Nam đã dày công nghiên cứu và chứng minh là có một nền kiến trúc Việt Nam thực sự. Dù đất nước có nghèo, kinh tế chậm phát triển, từng bị nhiều chèn ép, nhưng văn hoá kiến trúc thì dù bao vật đổi sao rời cứ vươn lên đứng vững một mình.

Cố kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện (giải thưởng Hồ Chí Minh) từng đề xướng nền kiến trúc mở, thoáng với cốt cách dân tộc, khởi nguồn từ những kiểu nhà "ánh sáng" cho người nghèo, mà những năm 40 tiếng vang động ra cả những nước Châu Phi xa xôi.

Tiếc thay, cái hồn văn hoá truyền thống trong từng cây bút sao vẫn bâng khuâng, để những không gian quy hoạch lỗi nhịp, những dãy phố chắp vá, những ngôi nhà khô cứng, tầm thường đến không dám nhìn thẳng vào bạn bè, mặc dù cùng sánh vai dạo bước trên những đại lộ thênh thang.

Không ít kiến trúc sư vẫn chỉ chạy theo nhỏ nhoi trước mắt, họ vẽ kiểu nhà, chứ họ không làm kiến trúc, coi đồng tiền là quyết định, ông chủ là thượng đỉnh, cứ như là người thợ vẽ đôi khi chẳng lành nghề, hoặc chỉ biết tô điểm cho công trình của mình, chẳng chú ý đến sự hài hoà là yêu cầu hàng đầu của kiến trúc. Thử nêu vài dẫn chứng: nhà FPT 3 tầng đặc Pháp sát bên nhà Tổng Công ty Thép Việt Nam 7 tầng với những ô cửa nhọn như nhà thờ đạo Thiên Chúa (đường Láng Hạ), nhà Triển lãm văn hoá nghệ thuật Vân Hồ vươn những đầu đao cách điệu thẳng vào khối chính Bộ Xây dựng.

Hãy lắng nghe lời tâm huyết của nhà điêu khắc Điểm Phùng Thị nói với các KTS Việt Nam: "Sao Hà Nội xấu đi nhiều..., không biết các Kiến trúc sư có vai trò gì ở đây?..."

KTS. Đặng Văn Tất đề nghị cần tổng kết cái cửa cho nhà Việt Nam, hơn là chỉ chạy theo những tháp cao tầng. Thuyết phong thuỷ dạy rằng cửa là cái miệng của ngôi nhà, sao cho cái miệng đẹp mà hiền dịu, mà Việt Nam. Khó vậy thay và cũng văn hoá làm sao.

Báo chí nói nhiều đến quy hoạch, bình luận khen, chê các khu đô thị mới. Nhà cao  25, 27 tầng đã dần quen thuộc, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thông báo: nhà 34 tầng với trên trăm mét chiều cao. Thế là mấp mé "chọc trời" rồi đấy!

Cứ nhắc hoài cụm điệp từ: "Đô thị hóa nhanh". Chao ôi! Đô thị hoá dễ vậy sao? "Xây dựng thế này sao gọi là đô thị hóa? Sao gọi là kiến trúc?" Đâu phải cứ bê tông cốt thép mọc lên là có đô thị. Cái nền tảng kỹ thuật của đô thị (đường xá, cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng..) còn ở đâu mãi xa vời. Văn hoá đô thị như một khái niệm chưa hình thành, còn thẩm mỹ đô thị thì đang cơn sài đẹn.

Vậy những con đường kia (rộng, thẳng, và cả những đường ngoằn ngoèo) những ngôi nhà ngạo nghễ nọ chỉ phản ánh thời kỳ quá độ: lộn xộn tăng nhanh trong tổng thể kiến trúc rối loạn. Văn hoá không gian đô thị thể hiện ở các khu quy hoạch mới phải mang bản sắc văn hoá dân tộc, chăm lo gìn giữ tôn tạo các di sản văn vật kiến trúc không ngừng nâng cao cảnh quan đô thị. Mở rộng, nhưng đừng xoá bỏ "năm cửa ô" quá đỗi thân thương! Kiến trúc làm cho sông núi có hồn, để mỗi góc nhà, mỗi góc phố mang tiếng nói thân thương như câu chuyện mẹ con, như tâm tình đôi lứa, như gạch nối con người với thiên nhiên.

Tạo dựng không gian sinh sống đáp ứng yêu cầu văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất, không tách khỏi điều kiện xã hội. Cái cầu thang với chiều cao, chiều rộng từng bậc bao nhiêu là phù hợp với tổng số bậc là (4n+1) để tránh điều kiêng kỵ trong "sinh - lão -bệnh - tử". Cả vệt dắt xe nghiêng nghiêng, tấm bó hè vát chéo mới thấy ở đường phố là sáng kiến thú vị cho thành phố xe máy, xe đạp. Tính chất dân tộc đâu phải chỉ ở những cao, những xa. Chỉ vậy mà quý!

Ta chẳng làm mái cong "nở hoa đao", cửa bức bàn như đình chùa, cung điện xưa, nhưng chắt lọc cái tinh tuý ấy vào hiện nay sao cho xứng danh kiến trúc Thăng Long. Chỉ một ô cửa đặt đúng chỗ với kích thước vừa phải thêm bức rèm mềm phủ hoà sắc với tường, nền nhà nhiều sức gợi cảm so với cái trần giả, cái mành sáo bằng chất dẻo tổng hợp đưa từ Singapore sang. Đến nhiều trường học thấy những dãy cột bê tông vuông thành sắc cạnh nhuốm một màu vàng rẻ tiền, với những phi lao, bạch đàn, sao thích thú bằng những mảng tường điểm tô trang trí quen thuộc, bao quanh là mấy hàng cây xanh mướt và phượng vĩ đỏ thắm ở bên gốc đa mới ươm hứa hẹn một ngày xum xuê. Bản đồ quy hoạch trải dài trên các bàn thiết kế định hướng phát triển không gian hệ thống trung tâm, các khu đô thị mới, nhưng có điều thiết thực lại thiếu vắng.

Nên chăng đề cập tới một luận chứng thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị. Đó là độ cao thấp công trình, chất liệu mặt đường, màu sắc nhà cửa, chủng loại cây trồng, những thiết chế văn hoá xã hội. Sao cho từng đường phố, từng khu quy hoạch, "mỗi nơi một vẻ, mười phân vẹn mười". Từng đoạn đường, góc phố, quảng trường...do quá trình sinh hoạt lâu đời trở nên có giá trị văn hoá. Chợ Đồng Xuân dù 3 tầng hiện đại vẫn hài hoà 3 nhịp khởi thuỷ với hai trụ của nhịp ngoài cùng được giữ lại nguyên vẹn là ý thức văn hoá đẹp.

Hà Nội xưa có hai mươi mốt cửa ô, rồi năm cửa ô, nay như chỉ còn một: Ô Quan Chưởng. Có phải các nhà kiến trúc đô thị đã lãng quên một di sản văn hoá tuyệt vời. Nhưng thật ra đâu phải chỉ các nhà văn hoá, các KTS, còn các ông, các bà "Chủ đầu tư", các nhà cầm cân nảy mực.

Cần có sự bảo vệ của thể chế hành chính, của pháp luật, cho hoạt động của KTS, một trong những thành phần chịu trách nhiệm chính văn hoá đô thị. Văn hoá trong kiến trúc đô thị không thể chỉ vận động, hô hào. Mong sao trong quản lý đô thị sẽ nâng cao tính văn hoá, ngay trong điều lệ.

Con người bươn trải, vất vả mưu sinh, nhưng lại được không gian kiến trúc che chở, hào tan mọi khổ đau. Cho nên thật chí lý khi nói Kiến trúc không chỉ là nghệ thuật khối hình với ba chiều không gian mà còn có một chiều thứ tư, sâu thẳm của tâm linh, của tâm hồn con người.

Tất cả đã có nền, có móng nhưng tất cả vẫn đang còn ở phía trước: "Phong cách kiến trúc Việt Nam, Thăng Long thật đẹp lòng mọi người, đẹp lòng bè bạn". Mong sao, kiến trúc sẽ bùng lên ngọn lửa mới, toả ấm cúng đến từng người, từng mái nhỏ gia đình, để ta có thể nói: Kiến trúc của chúng ta là tổng hoà giá trị sử dụng, giá trị văn hoá, giá trị tương lai trong môi trường bền vững, và Hà Nội, xứng danh thủ đô, dẫn đầu cả nước "văn hoá trong kiến trúc".

KTS. Ngô Huy Giao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hoá kiến trúc Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.