Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các cửa hàng vắng khách,… người mua dè dặt

TRONGQUANG| 04/07/2003 21:02

Đã sang ngày thứ tư, kể từ khi Việt Nam chính thức thực hiện cam kết AFTA. Bốn ngày qua thị trường đã có những biến động gì? Liệu có những tác động giảm giá bán trên thị trường ngay trong những ngày đầu thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế quan CEPT/AFTA?

Danh mục hàng hoá và thuế suất CEPT/AFTA giai đoạn 2003 - 2006 của Việt Nam với khoảng hơn 6.500 mặt hàng (theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành) được đưa vào cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2003. Như vậy đến hôm nay là ngày thứ 4 của lộ trình AFTA.

Những cửa hàng điện lạnh vắng khách mua đến thảm hại

Năm 2003 là năm cuối cùng Việt Nam phải chuyển các mặt hàng nằm trong Danh mục tạm thời vào Danh mục cắt giảm với mức thuế NK nhỏ hơn hoặc bằng 20%, đồng thời phải bỏ ngay những hạn chế về mặt định lượng (hạn ngạch nhập khẩu). Những nhóm mặt hàng chính bắt đầu được đưa vào cắt giảm thuế ngay trong năm 2003 gồm : Dầu thực vật tinh chế, đồ uống, bánh kẹo, rau quả chế biến, hoá chất, mỹ phẩm, săm lốp, sản phẩm gỗ, giấy in, hàng điện tử, điện lạnh, vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh, phương tiện giao thông vận tải... Bốn ngày qua thị trường đã có những biến động gì? Liệu có những tác động giảm giá bán trên thị trường ngay trong những ngày đầu thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế quan CEPT/AFTA?

Trước đó, thứ trưởng Bộ Tài Chính, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan, Trương Chí Trung đã cho biết : “Việc cắt giảm thuế quan CEPT/AFTA thực hiện theo một lộ trình được định sẵn, và đã công bố từ lâu. Từ 1/7 Việt Nam phải thực hiện tiếp một bước quan trọng. Các mặt hàng có thuế suất nhập khẩu trên 20% đều được hạ xuống còn 20%... Hàng từ ASEAN được giảm thuế, giá cả giảm và rõ ràng là có lợi thế, song khó có thể tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt. Nói cụ thể hơn, trong những ngày đầu thực hiện cắt giảm theo danh mục hàng hoá và thuế suất CEPT/AFTA sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường...”

Qua khảo sát thị trường Hà Nội sáng 4/7 chúng tôi thấy phần lớn các mặt hàng trong danh mục phải cắt giảm thuế nhập khẩu đều đứng ở mức giá cũ, nhưng sức mua giảm hẳn, nhất là đối với các mặt hàng đắt tiền như điện tử, điện lạnh. Tại cửa hàng điện tử 40 Hai Bà Trưng của Cty Phú Hưng Thịnh, ông Nguyễn Anh Hùng, phụ trách cửa hàng cho biết, sau ngày 1/7 khách đi mua TV, đầu đĩa, cũng như các đồ điện tử khác giảm hơn 50%. Lý do là họ còn nghe ngóng xem giá có hạ không để đỡ bị thiết thòi, nhưng trên thực tế hiện nay thì chưa hề có giảm giá. Vì nếu hạ giá thì cửa hàng sẽ lỗ vốn. Các của hàng đại lý chờ đợi những thông tin mới từ những nhà phân phối, còn những nhà phân phối thì chờ đợi những thông tư, hướng dẫn mới của nhà nước. Mong muốn của ông Hùng là giá cả luôn giữ ổn định, không bị xáo trộn, và nếu càng rẻ hơn cho người tiêu dùng thì càng tốt, đương nhiên trong điều kiện người kinh doanh phải có lãi...

Cửa hàng đại lý Hải Yến ở 94 Trần Hưng Đạo vốn nổi tiếng là Trung tâm cung ứng nhiều tủ lạnh, máy giặt, máy điều hoà, cùng các đồ dùng gia đình nhập ngoại khác ở Hà Nội... mấy hôm nay bỗng vắng như chùa bà Đanh. Hầu hết khách vào cửa hàng chỉ hỏi giá rồi ... đi ra. Chủ cửa hàng, chị Nguyễn thị Hải Yến ngán ngẩm: "Lượng khách vắng hẳn. Chẳng có chuyện giảm giá nào hết, mà chỉ có khách mua dè dặt, lượng khách giảm đi rất nhiều nên mấy hôm nay chúng tôi toàn ngồi đuổi ruồi. Đã thế hàng điện lạnh của Electrolux lại tăng giá sau 1/7."

- Làm gì có chuyện lạ vậy?

- Đấy anh xem, - Chị Yến chìa cho tôi xem 2 chiếc bảng giá của Hãng Electrolux (Thuỵ Điển),- Bảng giá mới này là bắt đầu áp dụng từ 1/7 với hầu hết các mặt hàng của Hãng đều tăng giá. Cá biệt có những đồ tăng tới 700 ngàn đồng/chiếc, như chiếc máy rửa bát này. Còn một số Hãng khác như SamSung, LG... thì không tăng giá, nhưng lại không có hàng nhập bán. Chỉ có hàng liên doanh, lắp ráp tại Việt Nam là sẵn và giá cả ổn định... Việc tăng giá của một số mặt hàng khiến người mua bán tín bán nghi, và cửa hàng cũng không biết giải thích thế nào vì thiếu lý do hợp lý. Đó cũng chính là tâm lý chung khiến người tiêu dùng dè dặt, không mua ngay. Các cửa hàng điện lạnh gần như không có khách mua, và điều này khiến chúng tôi cũng hoang mang trong khi vẫn phải thuê nhà, trả lương cho nhân viên...

Chúng tôi đem băn khoăn của chị Yến tới Showroom chính của Electrolux Vietnam, nằm trên đường Thái Hà. Tại đây, chị Hoàng Thị Minh Phượng, Phụ trách cung ứng sản phẩm cho biết, đúng là từ 1/7 Electrolux có đưa ra bảng giá mới, tăng giá một số mặt hàng điện lạnh, nhưng không hề dính dáng gì tới lộ trình cắt giảm thuế quan CEPT/AFTA, mà là do đồng Euro tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh của Hãng trong thời gian qua. Hơn nữa, các sản phẩm của hãng hầu hết đều nhập từ châu Âu, trong khi AFTA chỉ áp dụng cho châu Á. Khoảng 1 năm nữa, Electrolux sẽ xây dựng nhà máy ở Thái Lan để mong được hưởng những mức thuế ưu đãi hơn theo AFTA, để có điều kiện hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.

Sắt, thép xây dựng cũng tăng giá ngay sau ngày 1/7. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Lạc, chủ cửa hàng Vật liệu xây dựng ngõ 61, đường Trần Duy Hưng, Trung Hoà (Cầu Giấy). Ông Lạc cho biết, sắt thép tăng trung bình 200đ/kg, vì hầu hết phôi thép đều phải nhập ngoại với giá cao. Tuy vậy, khách hàng vẫn phải mua, và cửa hàng vẫn không hề vắng khách vì các công trình (nhất là công trình nhà nước) không thể chờ đợi những hiệu lực của AFTA, khi mùa xây dựng đang nhộn nhịp…

Ngoài những ý kiến lấy được từ những cửa hàng, đại lý trên thị trường, chúng tôi có trao đổi nhanh qua điện thoại với bà Đặng Phương Dung, Tổng Giám đốc Cty May 10 - Một trong những doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc lớn của Việt Nam. Bà Dung cho biết, cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam, Cty May 10 luôn trong tư thế sẵn sàng hội nhập. Bài toán phải giải là : Thực hiện AFTA, hàng nước ngoài nhập vào Việt Nam chỉ phải chịu thuế nhập khẩu thấp, buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với nước ngoài. Muốn giành ưu thế, các doanh nghiệp trong nước cần có những biện pháp nâng cao chất lượng, giảm giá thành, khẳng định thương hiệu của mình ngay từ những ngày đầu hội nhập. Doanh nghiệp nào không có thương hiệu lúc này coi như là đã thua./.

Quang Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cửa hàng vắng khách,… người mua dè dặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.