Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng họ Bùi danh tiếng ở làng Giáp Nhị, Thịnh Liệt

ANHTHU| 16/12/2006 10:02

(HNM) - Thịnh Liệt là một làng quê rất cổ kính, nằm sát kề kinh thành Thăng Long, xưa xa có tên làng Cổ Việt, đến Thế kỷ thứ XV mới có tên là Thịnh Liệt, tên nôm là làng Sét. Trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã nhắc đến đặc sản của làng là cá rô đầm Sét.

Nhà thờ tổ họ Bùi ở Giáp Nhị Ảnh: T. Thúy

(HNM) - Thịnh Liệt là một làng quê rất cổ kính, nằm sát kề kinh thành Thăng Long, xưa xa có tên làng Cổ Việt, đến Thế kỷ thứ XV mới có tên là Thịnh Liệt, tên nôm là làng Sét. Trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã nhắc đến đặc sản của làng là cá rô đầm Sét.

Theo thời gian, làng Thịnh Liệt phát triển đông đúc, quy mô, có 9 giáp, từ Giáp Nhất đến Giáp Cửu. Và rồi, Giáp Cửu tách thành làng riêng là Phương Liệt, còn gọi là Vọng; còn Thịnh Liệt, 8 giáp thành 8 thôn và dùng tên giáp làm tên thôn. Đến đầu thế kỷ XIX, 8 thôn từ Giáp Nhất đến Giáp Bát thuộc xã Thịnh Liệt, tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam Thượng. Đầu thế kỷ XX, hai thôn Giáp Tam và Giáp Ngũ nhập vào Giáp Nhị, Giáp Thất nhập vào Giáp Bát; 5 thôn Nhất, Nhị, Tứ, Lục và Bát trở thành 5 xã độc lập thuộc tổng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì. Sau Cách mạng Tháng Tám, Thịnh Liệt thuộc tiểu khu Đề Thám, ngoại thành Hà Nội. Sau cải cách ruộng đất, đổi gọi là xã Đoàn Kết gồm 4 thôn Nhất, Nhị, Tứ và Lục, còn thôn Giáp Bát được cắt về xã Hoàng Văn Thụ. Năm 1964, xã Đoàn Kết trở lại tên cũ Thịnh Liệt. Năm 1981, Giáp Lục chuyển về tiểu khu Tân Mai, quận Hai Bà Trưng và Thịnh Liệt chỉ còn 3 thôn Giáp Nhất, Giáp Nhị và Giáp Tứ, thuộc huyện Thanh Trì. Đến năm 2004, phường Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai...

Dòng họ Bùi danh tiếng ở Thịnh Liệt được cả thiên hạ biết đến, là người Giáp Nhị. Giáp Nhị qua nhiều đời, lúc là thôn, lúc là xã, nhưng bao giờ cũng là làng quê lớn nhất và như là trung tâm của tổng Thịnh Liệt, góp phần chủ yếu tạo nên truyền thống khoa cử, văn hiếncủa Thịnh Liệt. Từ nhiều thế kỷ trước, sông Tô, sông Lừ, sông Sét thông với nhau, tạo nên mạng lưới giao thông thủy rất thuận lợi, thuyền bè buôn bán tấp nập. Thời Lê - Trịnh, thuyền rồng vua, chúa vẫn du ngoạn từ Hồ Tây về Thịnh Liệt. Về đường bộ, Thịnh Liệt nằm trên đường thiên lý, đường cái quan (nay là Quốc lộ 1), cửa ngõ Thăng Long đi vào các tỉnh phía Nam. Giáp Nhị xưa không những có Văn Chỉ, mà còn cả Thọ Chỉ tức đền Ông Thọ, rất hiếm thấy ở các làng quê văn hiến khác. Thọ Chỉ là nơi sinh hoạt của các vị cao niên, đề cao cái đức của các vị cố lão để con cháu noi theo. Danh sĩ Bùi Huy Bích khi đang bận việc quan ở Nghệ An vẫn viết thư hưởng ứng việc xây dựng Thọ Chỉ, và chính ông viết văn bia cho đền Ông Thọ, có đoạn: "Phong tục thôn vốn từ xưa rất thuần hậu, việc cấy cày cần mẫn siêng năng, trọng văn học, luôn quý kính các cụ cao tuổi..." Qua văn bia, biết mỹ tục ở Giáp Nhị; Những cụ 100 tuổi trở lên là bậc Quốc lão được thờ tại chính đàn của Thọ Chỉ; các cụ trên 90 tuổi là bậc Hương lão, cũng được phối thờ theo; các cụ 70, 80 tuổi thì đựoc đặt bài vị thờ ở hai bên Tả, Hữu. Hàng năm lấy ngày 10 tháng 2 và 10 tháng 8 làm lễ, có văn tế và nghi thức trịnh trọng.

Về họ Bùi ở Giáp Nhị, Thịnh Liệt, vốn là chi Bùi Phổ từ xã Cát Xuyên, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, Thanh Hóa, vào những năm cuối triều nhà Hồ (1400-1407) đã chuyển cư sang Quảng Công (sau đổi là Định Công), huyện Thanh Đàm (sau đổi là Thanh Trì). Họ Bùi này sinh ra Tả Dụ công được ấn phong tước Diễn Phúc bá, chức Tả thị lang, rồi được thầy địa lý tìm cho ngôi đất đặt mộ ở làng Thịnh Liệt và khuyên chuyển cư sang đấy sẽ hưng phát. Sang cư ngụ ở Giáp Nhị, Thịnh Liệt, Tả Dụ công kết duyên với ThụcTịnh nhà họ Cao, sinh được một gái, hai trai, trong đó có Bùi Xương Trạch. Như vậy, Hoàng Hóa là quê tổ, Định Công là quê gốc, Giáp Nhị là quê ngoại và là nơi khởi phát dòng họ Bùi lừng danh thiên hạ. Do việc chuyển cư như vậy, và đặc biệt là 2 làng Giáp Nhị và Định Công cùng một huyện Thanh Trì, lại kề sát nhau, nên có một số sách chép Bùi Xương Trạch là người làng Định Công. Thực ra, Bùi Xương Trạch sinh tại Giáp Nhị, Thịnh Liệt năm 1451 và là ông tổ mở đầu truyền thống khoa cử của họ Bùi ở đây. Thuở thiếu thời, theo việc cấy cày mà Bùi Xương Trạch vẫn rất chăm học. Có giai thoại kể rằng, nhà nghèo quá ông phải đọc sách ban đêm bằng ánh sáng đom đóm. Sau, ông đỗ Tiến sỹ khoa Mậu Tuất 1478, niên hiệu Hồng Đức đời Lê Thánh Tông. Khi trường thi công bố kết quả Bùi Xương Trạch có tên trên bảng vàng, ông còn đang cày ruộng. Về sau, ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, Chưởng lục kiêm Đô Ngự sử, Tế tửu Quốc Tử Giám, từng được cử đi xứ nhà Minh. Ông qua đời năm 1529, được tặng chức Thái phó, tước Quảng Quốc công. Bùi Xương Trạch nổi tiếng thanh liêm, đức độ, rộng rãi, được người đời kính phục. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết về Bùi Xương Trạch: "Ông là người gặp thời ra làm quan, tự đảm nhận trách nhiệm kinh tế bang thế... Bổng lộc được bao nhiêu chia hết cho họ hàng, làng quê. Lòng tốt và danh vọng lớn của ông được người đời tôn phục...".

Bùi Vịnh (1508-1545) là con trai thứ của Bùi Xương Trạch, đỗ bảng nhãn khoa Nhâm Thìn 1532 niên hiệu Đại Chính đời Mạc Đăng Doanh, sau làm quan đến Tả Thị lang bộ Hộ kiêm Tả Xuân phường, Đông các Đại học sỹ, tước Mai Lĩnh hầu. Sau khi mất, ông được phong tặng Thái Bảo, tước Mai Quận Công. Bùi Vịnh là một tác gia có tiếng để lại cho đời bài phú Đế đô hình thắng (chữ Hán) và bài phú Cung trung bảo huấn (chữ Nôm). Vị tiến sỹ thứ ba của họ Bùi ở Giáp Nhị là Bùi Bỉnh Quân (1580-1630) là huyền tôn của Bùi Xương Trạch. Ông đỗ khoa Kỷ Mùi 1619 niên hiệu Hoàng huyền tôn của Lê Kính Tông, làm quan đến Phủ doãn Phụng thiên, đến 1630 được cử đi sứ nhà Minh và qua đời trên đường đi sứ, được truy tặng chức Hữu Thị lang. Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, Bùi Bỉnh Quân là tằng tôn của Bùi Cầu người làng Hoàng Liệt cùng huyện Thanh Trì. Bùi Cầu sinh năm 1568, chưa rõ năm mất, cũng đỗ tiến sỹ cùng khoa với Bùi Bỉnh Quân, rồi làm quan đến chức Đề hình Gián sát Ngự sử. Vị tiến sỹ tiếp theo của họ Bùi ở Giáp Nhị, Thịnh Liệt là Bùi Huy Bích (1744-1818), hậu duệ của Bùi Xương Trạch. Bùi Huy Bích đỗ khoa Kỷ Sửu 1769 niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tông, năm 1777 được bổ Đốc đồng Nghệ An. Năm 1784 thì được thăng Hành tham tụng, tước kế Liệt Hầu. Thu xếp êm nạn kiêu binh tháng mười một năm 1785, được thăng Đồng binh chương sự kiêm Tham tụng, nhưng ông chối từ, rồi cáo bệnh về quê sống ẩn cư cho đến lúc qua đời. Bùi Huy Bích tự Hy Chương, hiệu Tốn Am, là tác giả sử học, văn học danh tiếng, để lại cho đời nhiều tác phẩm, trong đó có Tồn am thi văn tập cùng bộ sách Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng Việt văn Tuyển có giá trị lớn trong lịch sử văn học dân tộc.

Ngoài những người đỗ đại khoa kể trên, họ Bùi ở Giáp Nhị, Thịnh Liệt còn có nhiều người tài cao danh lớn hơn nữa: Bùi Bỉnh Uyên (1520-1613) là con của Bùi Vịnh, đỗ hương cống nhưng kỳ thi Hội vì có tang nên không đi thi. Từng làm quan với nhà Mạc, nhưng năm Canh Tuất 1550 ông cùng bác Bùi Trụ và bố vợ là Lê Bá Ly vào Thanh Hóa theo nhà Lê. Bùi Bỉnh Uyên làm quan đến chức Thượng thư Bộ binh, bộ Lễ, Tham tụng, tước Tiên Quận Công. Bùi Trụ, con trai của Bùi Xương Trạch, chỉ đỗ hương cống, nhưng sau làm quan đến Thượng thư bộ Hộ, được tặng Thái bảo, tước Kính Quốc Công. Bùi Bỉnh Trục tức Bùi Trực (1730-1815) hiệu Đản Trai, đỗ Hương cống, làm quan đến chức tự thừa. Ông là tác gia có tiếng, để lại cho đời tác phẩm Đản Trai trích đối và Đản Trai công thi tập. Bùi Phổ (1776-1836) hiệu Mão Hiên, năm 1802 dự tuyển trúng cách được bổ tri huyện Nghi Dương. Sau, ông làm đến chức Thượng thư bộ Hình, sung vào hiệu chính luật lệ và toản tu Thực Lục, sau khi mất được đưa bài vị thờ ở điện Hiền Lương. Ông là một tác gia nổi tiếng đương thời có nhiều tác phẩm để lại, như Mão hiên văn tập, Mão Hiên chuyết bút, Bùi thị gia phả... Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục, học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) đã ca ngợi dòng họ Bùi ở Giáp Nhị, Thịnh Liệt: "Con cháu sinh sôi nảy nở, công danh sự nghiệp rạng rỡ vẻ vang. Từ đời Lê Trung Hưng bầy tôi kế thế, tộc thuộc lớn lao, nói đến nhà quý hiển nhất, chỉ có họ Bùi mà thôi".

Anh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng họ Bùi danh tiếng ở làng Giáp Nhị, Thịnh Liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.