Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi tìm ông Tổ ngành Quân y Việt Nam

ANHTHU| 25/02/2007 08:24

Cách thị xã Hà Đông khoảng 1 cây số về phía Đông Nam, làng cổ Đa Sỹ xưa kia vốn có tên là Đan Sỹ, nghĩa là bến thuốc. Nguyên do dưới thời vua Lê Trang Tông - Dụ Hoàng đế niên hiệu Nguyên Hòa thứ nhất (1533) có một vị danh y của làng lúc đó làm thuốc cứu nhân độ thế trên mảnh đất ven dòng Nhuệ Giang.

Cách thị xã Hà Đông khoảng 1 cây số về phía Đông Nam, làng cổ Đa Sỹ xưa kia vốn có tên là Đan Sỹ, nghĩa là bến thuốc. Nguyên do dưới thời vua Lê Trang Tông - Dụ Hoàng đế niên hiệu Nguyên Hòa thứ nhất (1533) có một vị danh y của làng lúc đó làm thuốc cứu nhân độ thế trên mảnh đất ven dòng Nhuệ Giang.

Ông được nhân dân từ già đếntrẻ trong vùng tất thảy đều tôn là vị phúc tinh, thanh danh vang lừng khắp nước. Ông đã để lại cho đời sau tác phẩm “Hoạt nhân toát yếu” với 201 phương thuốc kinh nghiệm và phép dưỡng sinh. Ông được thờ làm Thành hoàng làng Đan Sỹ (nay là Đa Sỹ) đó chính là Lương y dược linh thông Cư sỹ Hoàng Đôn Hòa, ông Tổ của ngành quân y Việt Nam.

Người con của quê hương được thờ làm Thành hoàng làng:

Ngôi miếu cổ của làng Đa Sỹ nằm sát bên bờ dòng sông Nhuệ. Miếu thờ nhân thần Lương y dược Linh thông Cư sỹ Hoàng Đôn Hòa và phu nhân Phương Dung (Phương Anh công chúa). Có một điều thú vị là trước khi ông được thờ làm Thành Hoàng làng thì chính ông lại là người con sinh ra trên chính mảnh đất đó. Thần tích của miếu làng có ghi: “Hoàng Đôn Hòa ở thôn Huyền Khê, xã Thanh Oai trung, tổng Thanh Oai thượng, huyện Thanh Oai, phủ ứng Thiên, thi đậu Giám sinh ẩn cư dạy học, rất tinh thông nghề y”. Đời Vĩnh Khánh năm thứ 2 (Tân Hợi 1731) trong sắc phong cũng đã ghi rõ “Thanh Thành sinh địa, Đan ấp trừ linh, ngũ phúc kiến trung, tế chưng dân hựu thọ vực, tứ thời thuận khí, phù quốc lộ ư diên linh”. Có nghĩa là sinh ra ở Thanh Oai, ấp Đan Khê, nơi tàng ẩn những thiêng liêng, ngũ phúc dựng lên trong đó bao lợi ích của dân được che chở, đời thái bình bốn mùa thuận khí, giúp vận mệnh quốc gia thêm tuổi dài lâu.

Dưới thời vua Lê Trang Tông Dụ Hoàng đế, niên hiệu Nguyên Hòa thứ nhất (1533), dịch bệnh lan tràn, ông đã phát tiền, gạo và thuốc cho dân, cứu sống được rất nhiều người, nên ở địa phương trẻ già thảy đều tôn xưng ông là Vị Phúc tinh, thanh danh vang lừng khắp nơi. Đời vua Lê Thế Tông Nghị Hoàng đế năm Gia Thái thứ 2 (1574), triều đình đã điều động ông theo quân đội với chức trách “Điều hộ Lục quân” làm nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho quân đội. Có một thời gian trước đó, trong triều, công chúa Phương Anh bị bệnh, các thầy thuốc chữa không khỏi, ông đã dùng y thuật của mình chữa khỏi và được nhà vua gả công chúa cho. Đó chính là Phương Dung phu nhân, người có đức hạnh nhân từ đã cùng ông luôn đem lòng nhân ái chu cấp tiền của, thuốc men giúp nhân dân khắp vùng.

Ông bà làm thuốc hết lòng vì dân, nhân dân xa gần theo dòng sông Nhuệ đi thuyền tới nơi ông bà cấp phát thuốc ngay tại bến sông của làng. Trên bến, dưới thuyền chỉ thấy thuốc chữa bệnh cứu người, người được ông cứu sống nhiều không kể xiết. Quê hương Đan Khê nơi ông cấp phát thuốc được đổi tên thành Đan Sỹ, có nghĩa là “Bến đợi thuốc”. Mãi về sau này “Đan Sỹ” mới được đổi tên thành “Đa Sỹ” tức là “nhiều tiến sĩ” như tên gọi bây giờ. Sau khi ông mất, nhân dân làng Đan Sỹ lập đền thờ. Đến đời vua Lê Thần Tông Uyên Hoàng đế, năm Vĩnh Lộ thứ 5 (Quý Hợi 1623), xét thấy có công đã truy phong là Vi quốc Phúc thần, ban sắc phong Linh thông Cư sĩ Phù vận Đại vương, công chúa Phương Anh được phong là Phương Dung Kỵ nương, Tứ phu nhân. Ngày nay ngôi miếu thờ ông bà vẫn tồn tại ngay chính nơi bến thuốc xưa kia.

Ông tổ ngành Quân y Việt Nam

Trong năm 2006 vừa qua, đã có một cuộc họp chuẩn bị cho Hội thảo khoa học về Lương y dược Hoàng Đôn Hòa sẽ tổ chức trong năm 2007. Cuộc họp đó có mặt nhiều người đang cống hiến cho nền y học nước nhà như Thiếu tướng quân y Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, nguyên Viện trưởng Viện 103; bác sĩ Hồng Xiêm, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hà Tây... Nhiều ý kiến đưa ra nhưng đều khẳng định công lao của Lương y dược Hoàng Đôn Hòa đối với nền y học nước nhà và là vị thầy thuốc quân y đầu tiên của Việt Nam.

Như trên đã viết, đời Lê Thế Tông Nghị Hoàng đế năm Gia Thái thứ 2 (1574) quân nhà Mạc chiếm cứ Thái Nguyên, nhà Lê cất quân đi đánh dẹp nhiều lần, nhưng bị lam sơn chướng khí gây bệnh tật. Triều đình đã điều động lương y Hoàng Đôn Hòa theo quân đội với chức trách “Điều hộ Lục quân” chăm lo sức khỏe cho quân đội. Với tài năng của mình, ông đã chữa cho quân đội nhà Lê tránh khỏi lam sơn chướng khí, dẹp tan được nghịch tặc. Chiến thắng khải hoàn, ông được phong chức “Thị nội Thái y viện Chánh trưởng thủ phiên” (đứng đầu Viện Thái y trong triều đình, lo việc chữa bệnh trong cung) và tước Lương Dược hầu nhưng ông xin về nghỉ ở quê nhà.

Khi còn sống, nhân dân trong vùng tôn xưng ông là Phúc tinh, khi ông mất, triều vua Vĩnh Tộ năm thứ 5 (Quý Hợi 1623) ghi nhận ông là “Vi quốc phúc thần” - phúc thần của cả nước và thăng phong “Phù vận Đại vương” có công giúp vận nước. Đến đời Vĩnh Tộ năm thứ 8 (Bính Dần 1626) ghi nhận rõ ràng hơn công lao của ông “... vi Mạc nghiệt đầu hàng, hựu quốc hữu công” - làm cho nhà Mạc tội lỗi phải đầu hàng, là người có công với nước. Trải từ đó đến đời vua Khải Định đã có tới 43 đạo sắc phong (còn giữ 38) ghi nhớ công lao của ông. Nhà nước ta cũng đã có 2 lần ra Quyết định xếp hạng di tích lịch sử miếu thờ ông vào năm 1981 và năm 1988.

Sau khi mất, ông để lại cho đời tác phẩm “Hoạt nhân toát yếu” gồm 201 phương thuốc kinh nghiệm và phép dưỡng sinh đã được Viện Nghiên cứu Đông y biên dịch, chú thích, phụ lục và NXB Y học đã ấn hành năm 1980, tái bản năm 2000. Tác phẩm này đã bổ sung công dụng cho một số cây thuốc phát hiện ở nước ta, sử dụng những cây cỏ ở quê hương, đó chính là thuốc Nam để chữa bệnh. Một số phương pháp bào chế được thể hiện qua các phương thuốc, nhiều dạng thuốc đã được sử dụng như thang, hoàn, tán, cao, đan với cách uống trong xoa, rịt, chườm, dán bên ngoài. Có khi còn dùng phép chữa gián tiếp đắp rịt thuốc để trị bệnh ở nội tạng hay chữa từ một bộ vị khác của cơ thể.

Từ đời Dương Hòa năm thứ 5 (Kỷ Mão 1639) đã công nhận ông là bậc “Y quốc phúc hựu, khải tường hựu hậu Đại vương”. Người đầu tiên mở ra điềm lành che chở chúng dân. “Điềm lành” ở đây chính là bắt đầu từ ông đã triệt để sử dụng cây cỏ có sẵn ở quê hương làm thuốc trị bệnh và dùng các dạng thuốc nói trên đều đạt hiệu quả cao. Bắt đầu từ ông đã trọng dụng và chế nhiều thuốc cao, đan, hoàn, tán sẵn sàng đáp ứng kịp thời yêu cầu trị bệnh hàng loạt cho nhiều người cùng một lúc như khi có bệnh dịch, bệnh nhân gần như tập trung hay khi hành quân với hoàn cảnh lưu động thiếu điều kiện.

Chính việc sử dụng thuốc cao đan hoàn tán tiện lợi đã giúp nhà lương y dược phát huy tài năng để làm tốt nhiệm vụ của mình phục vụ quân đội mà mở rộng phạm vi phục vụ của nền y dược học dân tộc. Lương y dược linh thông Cư sỹ Hoàng Đôn Hòa là người mở đầu, người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng thành công những dạng thuốc chế sẵn để phục vụ kịp thời yêu cầu chữa trị trong điều kiện hành quân dã chiến của quân đội. Ngày nay chúng ta gọi đó là ngành Quân y.

Bài và ảnh: Lê Hồng Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm ông Tổ ngành Quân y Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.