Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng đàn bầu giữa trùng khơi...

ANHTHU| 15/04/2007 07:46

(HNM) - Nghệ sĩ Hoàng Anh Tú của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long nổi tiếng trong giới nghệ sĩ biểu diễn bởi những ngón nghề đặc biệt của mình.

Các chiến sỹ đảo Trường Sa giao lưu với sinh viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Ảnh: Thu Giang

(HNM) - Nghệ sĩ Hoàng Anh Tú của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long nổi tiếng trong giới nghệ sĩ biểu diễn bởi những ngón nghề đặc biệt của mình.

Có thể nói không ngoa rằng chưa có nơi nào trên thế giới, khi có dịp xuất hiện với cây độc huyền cầm anh lại không làm mê mẩn người nghe bằng những ngón nghề thật độc đáo, một sự nhạy cảm tinh tế, một phong cách biểu diễn luôn đổi mới, nhuần nhuyễn với những nhạc phẩm của các dân tộc khác nhau. cái già dặn của tay nghề luôn đi liền với cái tươi mới, trẻ trung trong phong cách biểu diễn. Cây độc huyền cầm của anh có thể độc diễn mà cũng có thể hòa cùng một dàn đại hợp xướng của một dàn nhạc dây hoặc nhạc hơi hiện đại nhưng vẫn cứ lảnh lót, vẫn cứ trong và ngọt đủ mọi cung bậc, đủ mọiâmvực theo cách thức riêng của mình. Lạ một điều là, đến bất cứ vùng đất nào anh cũng có thể tấu lên bản nhạc của vùng quê ấy với một kỹ thuật điêu luyện và một sự tinh tế bẩm sinh thật tuyệt vời.

Trong đêm giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn, tiếng đàn của anh được người nghe đón nhận với một tình cảm đặc biệt. Khi Thu Huyền trong vai trò người dẫn chương trình thông báo: Anh Tú đã đi biểu diễn ở rất nhiều nơi trên thế giới và tài năng của anh đã chinh phục cả những người nghe khó tính nhất, rằng dàn nhạc Hoàng gia Nhật Bản hàng năm chỉ mời có mình anh sang biểu diễn nhưng anh cũng rất hào hứng được tới Trường Sa thì đồng chí cán bộ Tuyên huấn của Quân chủng Hải quân ngồi cạnh tôi đã cười cười: Quân anh khéo quá, được tới Trường Sa. Tôi hoàn toàn hiểu điều Thu Huyền nói và cũng cảm thông với lời bình trên bởi có thể việc đến Trường Sa đã trở thành những chuyến đi công tác bình thường với những người lính nhưng với chúng tôi lại là dịp hiếm có trong đời, phải được lựa chọn. Các ca sĩ Tấn Minh, Thanh Thanh Hiền, Thúy Mùi... đều muốn ra Trường Sa dịp này nhưng với người này thì bận công việc, người khác lại do không nằm trong kế hoạch nên các anh chị ấy đành cầm lòng vậy.

Trên sân khấu dã chiến dựng vội ngay dưới chân cột mốc chủ quyền của nước CHXHCNVN ở Trường Sa Lớn chúng tôi đã có một đêm biểu diễn và giao lưu để đời với mỗi người. Các nghệ sĩ của Hà Nội như cũng thăng hoa trong không khí hòa hợp, cảm thông, sẻ chia hiếm thấy. Thu Huyền với Gần lắm Trường Sa đã làm cho nhiều người nghe rưng rưng bởi cô không chỉ hát bằng tài năng mà bằng cả trái tim đang xúc động trước những điều tai nghe mắt thấy về đời sống của các chiến sĩ. Khoảng cách giữa người diễn và người xem đã bị xóa nhòa. Quốc Anh, Mai Hương với trích đoạn Xã trưởng - mẹ Đốp trong vở chèo Quan Âm Thị Kính đã làm cả sân khấu nghiêng ngả vì những trận cười. Quốc Chiêm, Thanh Mai, Quang Tám cũng có những giây phút diễn xuất ngẫu hứng đến xuất thần. Trăng 16, tiếng rì rào của sóng biển tạo nên không gian huyền ảo như chắp cánh thêm cho tiếng hát, làm say lòng những người nghe. Trong không gian ấy Anh Tú xuất hiện với cây đàn của mình. Bộ quân phục của người lính biển anh mang trên người hôm nay càng tạo ra sự gần gũi nơi anh với các chiến sĩ cũng mang cùng một loại trang phục. Những âm thanh đầu tiên của bản nhạc Tình đất đỏ miền Đông đã ngân lên. Không gian im phăng phắc, chỉ còn các cung bậc khác nhau của tiếng đàn lúc dịu dàng, thủ thỉ như lời tâm tình, khi mượt mà, trải dài ra như gió thoảng trên một cánh đồng lúa có cánh cò bay, có ráng chiều đỏ. Đâu đó có tiếng xuýt xoa Tuyệt vời. Tôi cũng đã nghe anh biểu diễn nhạc phẩm này một đôi lần nhưng ở một hoàn cảnh khác, trong một không gian khác nên lần này khi tiếng đàn thủ thỉ Tổ quốc ơi, ta yêu người mãi mãi thì tiếng đàn và lời ca đã quyện vào nhau, nâng nhau lên như lời hứa, như tâm nguyện.

Nhưng càng đáng ngạc nhiên và thú vị hơn khi nghe anh biểu diễn bài Hãy nói với nhau những lời êm dịu, nhạc Pháp. Bản nhạc vốn trữ tình là thế, quyến rũ là thế và cũng nổi tiếng đến thành quen thuộc ở khắp nơi, lần này qua tiếng đàn bầu của anh, những rung cảm của anh đã để lại những ấn tượng thật lạ lùng. Chính anh cũng trở thành một phần của buổi diễn, một bè của bản nhạc mà thiếu anh sẽ không còn cái cảm giác bay bổng đến diệu kỳ của bản nhạc. Nụ cười vừa đủ làm cho gương mặt anh như sáng lên, như mời gọi sự đồng cảm. Rồi thật không ngờ, khi cây đàn đang rung lên những âm thanh trong trẻo, bàn tay anh trên cần đàn đang biểu diễn một cách điêu luyện những kỹ thuật luyến, rung, vuốt, vỗ, anh rời cây đàn, di chuyển với những bước nhảy uyển chuyển của người nghệ sĩ kịch câm: anh như đang bay lên cùng những âm thanh huyền ảo, trong không gian mộng mơ. Người xem lặng đi rồi vỡ òa ra những tràng pháo tay, những tiếng ngợi khen khi những âm thanh cuối cùng vừa dứt. Những tiếng nữa đi, tiếp đi vang lên. Anh nghiêng người: “Tôi xin chơi tiếp một bản nhạc vui: Tình có cũng như không”. Những âm thanh vui nhộn vang lên một điệu nhảy hiện đại, trẻ trung. Tiếng Thu Huyền trong trẻo: Mời các chiến sĩ cùng nhảy với các nghệ sĩ. Thoắt cái, sân khấu đã tràn ngập các sắc áo lính thủy, các màu áo của nghệ sĩ. Mọi người cùng hòa chung vào một điệu cha cha cha bốc lửa. Các chiến sĩ nhảy rất tròn vai và các nghệ sĩ cũng làm cho các điệu nhảy trở nên hấp dẫn hơn. Tiếng đàn của Anh Tú càng say người hơn, dồn dập. Không ai ngờ cây đàn một dây dưới bàn tay anh lại có thể chơi một bản nhạc vui nhộn mà lại đa dạng đến thế. Đồng chí cán bộ Tuyên huấn của binh chủng lại ghé vào tai tôi, hỉ hả: Ôi, chơi đàn bầu để nhảy cha cha cha ở Trường Sa! Thật tuyệt.

Phạm Quang Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng đàn bầu giữa trùng khơi...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.