Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người ghi lại bóng hình Bác

ANHTHU| 16/04/2007 07:49

(HNM) - Gần ngày kỷ niệm sinh nhật Bác, tôi may mắn được gặp ba cựu chiến binh đã quay phim, chụp ảnh, vẽ chân dung Lãnh tụ. Vào độ tuổi đã cao, họ đều xúc động, trẻ trung hẳn ra khi nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của đời mình.

Nhà quay phim Phạm Thành sinh năm 1932, hiện ở cụm 1 phường Bưởi. Năm 1951 ông xung phong tòng quân. Nhờ biết chụp ảnh, đánh máy chữ mà được chọn làm nhân viên phòng Tuyên huấn - Cục Chính trị. Quãng sau chiến thắng vang dội ở chiến dịch Biên giới, ta được Hồng quân Liên Xô tặng hai máy chiếu phim. Phạm Thành cùng hai đồng đội nhận máy, bắt đầu sự nghiệp chiếu bóng phục vụ bộ đội tại chiến trường, trong đó có chiến dịch Điện Biên. Nhóm chiếu bóng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được khen thưởng, trong đó có chiếc Huân chương Chiến công hạng Ba của Phạm Thành. Năm 1959, xưởng phim Quân đội thành lập, ông về đây sau một khóa học quay. Câu chuyện của ông lão 75 tuổi vang lên âm hưởng tự hào về những thước phim ghi lại hình ảnh Lãnh tụ hiền từ tươi cười trong bộ đồ ka ki giản dị, tay trái cầm quyển sổ và bao kính, tay phải giơ cao vẫy chào.

Đưa khách xem tấm ảnh Bác in ra từ những thước phim quay dịp Bác tiếp đoàn Đảng Cộng sản Nhật, Phạm Thành kể:

- Cuối năm 1965, trời se lạnh. Tôi nhận lệnh sang phối hợp với đoàn quay phim của bạn ghi hình buổi Bác tiếp đoàn. Tổ làm phim gồm biên tập Su-du-ki, quay phim Ta-ra-mô-tô và tôi, xưởng phim Quân đội biệt phái sang, rồi phía bạn cử thêm Phu-đi, nhà quay phim đứng tuổi, giàu kinh nghiệm sử dụng máy quay hiện đại nhất thời đó. Nhiệm vụ là làm phim về Bác Hồ cho ĐCS Nhật, nói đúng hơn là để bạn, sau đó, thông qua một hãng truyền hình, truyền ra thế giới hình ảnh Bác và cuộc chiến đấu chống Mỹ của ta. Nhóm đến phòng khách Phủ Chủ tịch từ sáng sớm để chuẩn bị. Đến giờ, Bác bước vào với bộ ka-ki bạc màu quen thuộc. Chúng tôi kính cẩn chào. Bác giơ tay đáp lại và cho phép làm việc. Bác đang trả lời phỏng vấn thì máy quay phát ra tiếng gì đó nghe không êm. Tôi rất lo, có trục trặc thì không bao giờ còn sửa lại được, bèn trao đổi rất nhỏ qua phiên dịch với Phu-đi. Không ngờ nghe được câu trao đổi bằng tiếng Nhật, Bác nói: “Các chú cứ làm cho tốt. Nếu cần Bác đọc lại cho mà quay”. Tất cả sững sờ trước cử chỉ chứa đựng sự thấu hiểu, thông cảm và ân tình ấy. Nước mắt trào ra, Phu-đi nói: “Thưa Bác, tốt rồi ạ !”. Bác bảo: “Nếu tốt rồi thì sang phòng bên bác cháu ta uống nước”.

Sau này Phu - đi bảo hơn 20 năm làm phim, đi nhiều nước, ghi hình nhiều nguyên thủ, ở nhiều nơi anh chỉ làm như cái máy. Nghĩa là các vị cứ diễn thuyết, mình quay, việc ai người nấy làm chứ không có sự giao lưu nào. Lần này, gặp Bác, anh xúc động ngay từ phút đầutiên nên thao tác có lúng túng. Tâm trí anh bị chi phối bởi cảm xúc về Lãnh tụ kiệt xuất của một đất nước anh hùng mà rất đỗi thân quen.

Giờ ghi hình hết. Bác nhanh nhẹn xuống thềm, chúng tôi theo cố quay thêm. Đến bên bụi hoa hồng, Bác dừng lại ngắt một bông tặng Su-du-ki rồi tạm biệt. Về gần đến nhà sàn, như biết mọi người vẫn dõi theo, Bác quay lại mỉm cười đôn hậu, giơ tay vẫy. Khoảnh khắc ấy đến rất nhanh, may thay ống kính của tôi vẫn hướng về Bác, máy còn chạy đều đều. Những thước phim ấy, các đồng chí Nhật đem về nước in tráng lại, cho một tấm ảnh rất đẹp về Bác.

Trong ngôi nhà ấm cúng ở Bưởi, tấm ảnh Bác được gia đình Phạm Thành treo trang trọng ở gian giữa. Ông bảo: “Tôi cất giữ như một báu vật thiêng liêng. Bác đi xa đã 38 năm, nhìn tấm ảnh mà tôi vẫn tưởng như đang được ở bên Người”.

Đại tá Trần Duy Hợi, hiện ở khu TT Phòng không - Không quân ngõ 295 Thụy Khuê, say sưa kể lại kỷ niệm từ ngày 9-11-1964, khi chính ủy Đặng Tính bảo mang máy ảnh đi công tác. Xe qua cầu Long Biên, ông bảo: “Chúng mình sang Nội Bài, nơi đóng quân của trung đoàn phản lực tiêm kích đầu tiên của nước ta mới đi học và huấn luyện ở nước ngoài trở về với kết quả cao nhất, nhanh nhất. Hôm nay Bác đến thăm để động viên bộ đội không quân, đặc biệt là đoàn Sao Đỏ trước khi xuất kích chiến đấu. Anh cần viết tốt bài tường thuật, chụp ảnh đẹp cuộc đón Bác để làm lưu trữ cho quân chủng”. Tôi bỗng xúc động lạ thường. Liệu mình có hoàn thành được trách nhiệm, khi chỉ là một biên tập viên tờ tin quân chủng...

Khoảng 13 giờ, đoàn xe con tiến về sân bay. Bộ đội Không quân, Phòng không, Công binh tập trung, hàng ngũ chỉnh tề hồi hộp chờ đợi. Bác vừa bước ra khỏi xe, cả trời Nội Bài vang tiếng hô “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm ! Hồ Chủ tịch muôn năm !”. Cùng đi với Bác là các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, chính ủy Đặng Tính. Bác Hồ bằng da bằng thịt đang ở trước mặt tôi, vừa đi vừa vẫy chào chiến sĩ. Chân tay tôi run lên, lóng nga lóng ngóng. Trước đó, tôi đã nghĩ đến các góc chụp để sao cho hình lên thật hoành tráng. Khoảnh khắc ấy đến, trên trời bỗng xuất hiện mấy đám mây bông trắng nhè nhẹ bay về phía sân bay. Cán bộ chiến sĩ bên dưới nhiều người cố nhảy lên để nhìn Bác thật rõ. Tôi quỳ gối, ngắm thật nhanh, đưa tất cả những gì đã chọn vào ống kính bấm liên tục.

Đường về ngổn ngang. Vui vì được gần Bác, nghe Người căn dặn: “Không quân đã cất cánh là phải đánh thắng ngay từ trận đầu, phải mở một mặt trận trên không thắng lợi. ở miền Nam các chiến sĩ ta nắm thắt lưng địch mà đánh thì không quân cũng phải làm được như vậy...”. Và lo, liệu có được kiểu nào ra hồn. Phúc lớn là sau một đêm in tráng, ảnh ra đều rất đẹp, được chính ủy khen, chọn một bức bảo: “Đây mới là tấm ảnh làm kỉ vật mãi mãi cho quân chủng chúng ta”. Sau này các báo in lại, mỗi lần nhìn thấy bên dưới ghi “ảnh Trần Duy Hợi”, tôi lại tự hào.

Đỗ Mạnh Cương sinh năm 1940, năm 1959 đi bộ đội rồi xuất ngũ. Yêu hội họa, ông thi vào trường Mỹ thuật, sáng tác nhiều tranh đoạt giải thưởng, bày ở nước ngoài. Loạt tranh về Bác ông sáng tác với nhiều tâm đắc, rất thành công. Trong bức “Bác Hồ với thiếu nhi”, Bác khoan thai, hiền từ nắm tay các cháu đi trong vườn, gần gũi, giản dị và vĩ đại. Xung quanh là chim hòa bình, cờ đỏ, hoa sen hồng. Đến nhà ông xem, thượng tướng Hoàng Minh Thảo nhận xét: “Bức tranh toát lên được sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa Bác với thiếu niên nhi đồng”. Còn họa sĩ Mai Văn Hiến, người vẽ huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” năm 1954 đánh giá: “Tranh Đỗ Mạnh Cương bao quát nhiều đề tài, trong đó có đề tài về Bác Hồ, chân dung các nghệ sĩ tên tuổi... Anh nhận thức được rằng nghệ sĩ có thể tìm thấy sự riêng biệt của mình trong khotàng luôn luôn giàu có của đời sống nhân dân và thiên nhiên, đất nước bằng sự cần cù sáng tạo...”.

Bằng lao động của mình, ba cựu chiến binh trên đã cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm đẹp, có giá trị, trong đó có hình ảnh thân thương, giản dị của Lãnh tụ vĩ đại.

Kiều Linh - Minh Nguyệt

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người ghi lại bóng hình Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.