Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai còn, nhớ vật dụng... quê?

ANHTHU| 16/04/2007 10:06

(HNM) - Ông là con người đậm chất dân thành thị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc gác Hà Nội, phần lớn thời gian trong đời, ông sống ở thành thị. Thế mà chẳng hiểu sao ông lại mê những vật dụng, đồ dùng của người nhà quê đến thế...

(HNM) - Ông là con người đậm chất dân thành thị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc gác Hà Nội, phần lớn thời gian trong đời, ông sống ở thành thị. Thế mà chẳng hiểu sao ông lại mê những vật dụng, đồ dùng của người nhà quê đến thế, để rồi sau bao nhiêu năm tìm kiếm, sưu tập, đến bây giờ ông đã có một bảo tàng khá đầy đủ về các vật dụng sản xuất và sinh hoạt của nông dânđồng bằng Bắc bộ.

Hơn 40 năm hoạt động trong ngành văn hóa, hơn ai hết ông Nguyễn Phú Sơn rất am hiểu những giá trị tuyệt vời của văn hóa Việt, mà nguồn gốc nằm chính trong những thôn quê hiền hòa. Có lẽ vì thế mà, trong một lần về Bắc Ninh ăn cỗ, thấy những thành niên ở đây đang bảo nhau vần chiếc cối giã gạo vứt ra vườn cho khỏi vướng chỗ, ông chợt nhận thấy, cứ đà này, người ta sẽbỏ hết những vật dụng vốn đã gắn bó bao đời với người nông dân Việt Nam.Ông liền nảy ra ý định xin về để trong nhà cho đỡ tiếc. Ngày ngày, ngắm nghía chiếc cối giã gạo bằng đá cũ kỹ ấy, ông chợt nảy ra ý định sưu tập các vật dụng gắn với người nông dân. Thế rồi, sau đó cuộc sống của ông là những cuộc hành trình đầy thú vị về những vùng quê khắp đồng bằng Bắc bộ để xem, để hiểu và để sưu tập những vật dụng nhà quê ấy. Bạn bè ông, người thân của ông, hàng xóm của ông ai có việc về quê là ông xin đi theo. Rồi những khi ôngnghe tin ở đâu đó, có ai đó còn giữ được một vật dụng, một đồ dùng bình dị nào đó của người nông dân xưa là ông lại hồ hởi lên đường với hy vọng tìm được một món đồ thực sự quê mùa.

Giờ thì ông Sơn vui lắm. Kết quả của những chuyến đi suốt 20 năm qua được ông sắp đặt cẩn thận, đầy sự trân trọng trong khu bảo tàng riêng trên gác thượng của ngôi nhà gia đình ông đang ở. Chỉ với diện tích chưa tới 100m2, nhưng với sự tỉ mỉ, sắp xếp khoa học, ông Sơn đã trưng bày trên 200 hiện vật là những vật dụng gắn với sản xuất và đời sống thường ngày của người dân đồng bằng Bắc bộ. Nếu muốn được thử làm công việc xay lúa như một người nông dân thực thụ, bạn hãy đến gian trưng bày các vật dụng sản xuất của người nông dân tại bảo tàng của ông Nguyễn Phú Sơn. Tại đây, bất cứ khách tham quan nào cũng thích thú khi được tự tay xay thóc để có được những hạt gạo trắng ngần và quan trọng hơn là hiểu được nỗi nhọc nhằn của người nông dân khi làm ra hạt gạo. Cũng ở gian trưng bày này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bộ sưu tập các loại cày, cuốc, liềm hái, nơm, dậm, hom giỏ... Đó là tất cả những vật dụng gắn với các công đoạn làm ra hạt gạo và các nông sản của người nông dân. Từ khâu làm đất phải dùng cày, cuốc, bừa đến tát nước thì dùng gầu sòng, rồi khâu làm cỏ đến khi thu hoạch dùng các loại liềm hái, tiếp đến là các vật dụng như cái néo đập lúa, cái quạt thóc, cối xay lúa, nong nia để sàng sảy, cối giã gạo... Cái độc đáo là ở chỗ những hiện vật được trưng bày là những hiện vật gốc được ông Sơn mày mò tìm kiếm ở nhiều vùng đất. Chỉ riêng bộ cày, ông cũng có đến gần 10 chiếc (ảnh). Đầu tiên là chiếc cày chìa vôi cổ đẽo từ gỗ, chỉ duy nhất chiếc mũi cày làm bằng gang. Ông bảo chiếc cày này chắc chắn phải tồn tại từ trước năm 1951 vì nó là chiếc cày theo kiểu cũ, không có cái diệc để lật đất như những chiếc cày cải tiến sau này. Càng về sau, những chiếc cày càng được làm to hơn, chi tiết bằng sắt nhiều hơn, nên vững chãi và sắc nhọn hơn.

Ấm áp và gần gũi hơn cả là gian trưng bày các vật dụng trong sinh hoạt của người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Cả một không gian sống bao gồm nơi thờ cúng, nơi uống trà, nghỉ ngơi, nấu nướng... của người nông dân thuở xưa được tái hiện hết sức sinh động. Những vật dụng vô cùng thân thiết trong đời sống của cư dân đồng bằng Bắc bộ như chõng tre, tràng kỷ tre, giường tre, võng cói, chạn bát tre, nồi đồng, mâm gỗ, vại cà, chum tương, cối giã cua, cối xay bột, lọ mắm... Chiếc bếp củi với ba khối đất, tượng trưng cho ba ông đầu rau, vẫn nguyên sơ như thuở nào. Trên đó là chiếc nồi đồng cũng cũ xưa, màu đồng đã rỉ xanh. Đáng chú ý nhất trong không gian bếp của người nông dân xưa là chiếc chạn nguyên gốc làm bằng tre rất mộc mạc. Ông Sơn kể, một lần nghe người quen mách, ở Bắc Giang có người còn giữ được một cái chạn bằng tre kiểu cũ, ông lập tức tìm về mua cho bằng được. Để đem chiếc chạn tre cũ kỹ ấy về Hà Nội, ông phải thuê cả một chiếc xe tải nhỏ chở về. Ông Sơn nhớ mãi kỷ niệm khi tìm được cái chạn cũ ấy. Lúc đó, ông vui mấy tháng liền, đến nỗi mỗi ngày vài bận ông lại chạy từ tầng một lên tầng thượng say sưa ngắm nghía nó. Ông Sơn bảo, không biết từ bao giờ trong ông hình thành thú vui được lục lọi nơi gác bếp, thậm chí là gác chuồng lợn củanhững gia đình nông dân. Với ông, cái nơi tối tăm, bụi bặm nhất ấy đã giúp ông tìm ra rất nhiều thứ có giá. Những thứ mà người ta bỏ đi, không dùng đến vứt chỏng trơ nơi gác bếp thì ông lại mang về nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, sắp đặt đầy trân trọng trong một gian phòng riêng tại nhà mình.

Giữa thời buổi kinh tế thị trường, người ta đua nhau tìm đến với những trang thiết bị, vật dụng của tốc độ, hiện đại, đa chức năng thì vẫn có những người như ông Sơn tìm kiếm, sưu tập những vật dụng xưa cũ, gắn bó với người nông dân. Ông Sơn luôn tự nhận, đó chỉ là một thú vui của riêng ông, nhưng bất cứ ai, khi được tham quan bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Hà Nội của ông sẽ đều hiểu sâu xa trong đó là một tình yêu không thể nói hết với làng quê Việt Nam, sự trân trọng với những con người của quá khứ, và hơn hết là mong muốn lớp cháu con sau này sẽ hiểu rõ về một thời đã qua.

Bài và ảnh: Hà My

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai còn, nhớ vật dụng... quê?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.