Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có về Lệ Mật, tháng ba...

ANHTHU| 17/04/2007 10:40

Nhà xây kiểu kiến trúc cổ(HNM) - Lệ Mật ngày nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội nổi tiếng với “nghề” rắn. Hàng năm vào ngày 23-3 âm lịch, dân làng Lệ Mật mở hội tưởng nhớ chàng trai họ Hoàng là người đã có công khai hoang lập ấp. Hội “làng” Lệ Mật là cơ hội để con cháu trong làng và những người đi xa có dịp gặp nhau ôn lại những trang sử đầy gian nan thử thách, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn đối với tổ tiên.

Tương truyền, vào đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), có một công chúa cưng của vua thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên đức (sông Đuống ngày nay) và một hôm công chúa bị đắm thuyền chết đuối không thấy xác. Có một chàng trai họ Hoàng ở Lệ Mật đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều gấm vóc, vàng bạc, nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho đưa dân nghèo Lệ Mật và mấy làng quanh đó sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Từ đó dân làng Lệ Mật, một phần ở lại làng gọi là Cựu quán, còn phần lớn vào thành khai khẩn đất hoang gọi là Kinh quán, đó là các làng Cống Vị, Giảng Võ, Liễu Giai, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Vĩnh Phúc, Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Kim Mã, Thụy Khuê... ngày nay. Vùng đất ấy dần trù phú và được mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu Thập Tam trại. Sau đó, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ, rất trù phú, nên gọi làng là “Trù Mật”. Sau khi chàng thanh niên mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn chàng là Thần Hoàng. Từ đó cứ đến ngày kỵ của chàng (ngày 23 tháng 3), con cháu 13 trại xưa lại kéo về làng cũ Cựu quán dự lễ hội tưởng niệm người đã có công mở làng lập ấp. Người dân Hà Nội ngày nay vẫn có câu ca:

Nhớ ngày 23 tháng 3

Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê

Kinh quán, cựu quán đề huề

Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây

Theo các nguồn tư liệu hiện còn lưu giữ tại địa phương, cụ thể là qua các sắc phong của triều đình phong kiến thời Lê, Nguyễn cho Thành Hoàng làng Lệ Mật cho thấy, địa danh Lệ Mật đã xuất hiện từ trước thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Theo địa chí Hà Bắc và Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Lệ Mật là một xã nằm trong tổng Gia Thụy (có tư liệu ghi là Gia Thị), huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Lệ Mật là một làng cổ, xưa có tên là Trù Mật, có lẽ vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương: 1686-1729) nên đổi thành tên Lệ Mật như hiện nay. Làng Lệ Mật xưa có hai ngôi đình: đình Thượng (nay không còn), thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đình Hạ thờ dũng sĩ họ Hoàng.

Tư liệu của các nhà địa lí học giúp chúng ta có cơ sở khoa học để thẩm định những lời truyền kể trong dân gian về Lệ Mật thuở sơ khai: “Những người đầu tiên đến khai khẩn vùng này chỉ thấy đầm lầy và rắn rết..., rồi lãnh địa của rắn có khi còn rộng hơn nơi cư trú của con người... Trải qua quá trình vận động để sinh tồn, người Lệ Mật đã chinh phục đầm lầy, nhanh chóng hòa đồng với tự nhiên rồi cộng sinh trên đó. Chắc chắn nghề bắt rắn cùng những giai thoại truyền thuyết về một chàng trai thạo nghề sông nước có công chém rắn cứu người đã được nảy sinh và tồn tại trên nền môi trường sinh thái như vậy”.

Lệ Mật được đánh giá là trung tâm giao dịch về rắn của toàn miền Bắc, đồng thời là làng rắn nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Người dân Lệ Mật có biệt tài bắt rắn, nuôi rắn để chế biến ra những thành phẩm có giá trị cao về kinh tế cũng như y dược. Dân làng có cả một pho tri thức dân gian về kĩ thuật, kĩ xảo bắt rắn, làm thuốc bổ từ rắn, làm thuốc chữa rắn cắn... Những người cao tuổi trong làng cho biết, nghề rắn ở Lệ Mật xưa là một bí truyền. Đi kèm với nghề này, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng Lệ Mật hiện nay còn lưu giữ khá nhiều giai thoại, truyền thuyết xung quanh rắn. Nghề bắt rắn mang lại danh thơm cho làng, nhưng cũng vì nghề này mà có biết bao nhiêu người phải trả giá bằng sinh mạng hoặc bằng thương tật do bị rắn độc cắn.

Hiện nay, trong làng Lệ Mật có hàng trăm hộ nuôi rắn, hàng chục nhà hàng đặc sản rắn và có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn được tổ chức rầm rộ hàng năm. Trên địa bàn Việt Hưng, dọc theo các đường làng lớn, xuất hiện khá nhiều các nhà hàng đặc sản rắn. Nhiều gia đình khác lại nhờ các nhà hàng này mà tăng thu nhập bằng cách bắt rắn, nuôi rắn, thu gom rắn từ các chợ xa để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của các thượng đế. Nếu trước đây các món ăn dân gian chế biến từ thịt rắn của dân làng Lệ Mật chỉ có vài món chế biến rất đơn giản như rắn ướp muối tiêu nướng trên than hoa, rắn bóc sống (lột vỏ) xào với hành, tỏi, rắn băm nhỏ xào giòn... thì hiện nay rắn đã được thương mại hóa đến mức cao nhất. Người bước vào cửa hàng đặc sản để thưởng thức đầy đủ các món ăn kể trên phải chuẩn bị số tiền không dưới vài trăm ngàn. Chỉ riêng một con rắn người ta cũng có thể chế biến tới hơn chục món ăn (thường là 11 món) như: rắn xào xả ớt, rắn rút xương tẩm bột, nem rắn, chả rắn, rắn quấn lá lốt, rắn tẩm thuốc bắc, rắn rán chặt khúc, da rắn chiên giòn, rắn xào lăn, cháo rắn, súp rắn, xôi rắn... Những món này có thể nhấm nháp với bánh đa, rau thơm, sung muối, rượu pha huyết rắn, mật rắn và với các loại rượu tam xà, ngũ xà...

Hội làng Lệ Mật được bắt đầu vào sáng ngày 23, trong khung cảnh cờ, kiệu, trống chiêng gióng giả báo ngày vui tại sân đình. Dân 13 trại lập thành 13 đoàn, cử người đội mâm lễ vật cung kính từ kinh đô về cùng dân làng mọi ngả kéo tới sân đình dự hội. Điều nổi bật của lễ hội là trò múa rắn độc đáo. Mở đầu lễ hội là tục rước nước, đám rước từ đình ra giếng làng, nước được lấy đầy ché sứ lớn đặt trang trọng trên kiệu có lọng che. Lấy nước xong, theo lệ cũ dân làng lại đem vó ra giếng bắt một con cá chép lớn, đặt nguyên cả con lên mâm đồng, phủ vải điều rước về đình làm lễ vật dâng cúng. Nghi thức này nhắc nhở con cháu hôm nay không được quên gốc cũ, và công lao người đã có công khai phá mở mang trăm nghề cho dân làng. Sau cuộc lễ long trọng và thành tâm là đến trò múa rắn tại sân đình. Đội múa rắn thông thường được tập luyện từ hàng tháng trước và trò diễn là nhằm tái hiện lại chiến tích kỳ diệu của người tráng sĩ họ Hoàng năm xưa. Ngoài ra, còn nhiều tích vui với sự tham gia của nhiều tầng lớp và lứa tuổi khác nhau. Hội làng còn là dịp những người anh em họ hàng thân thích ở Kinh quán và Cựu quán gặp gỡ, trao đổi thăm hỏi thân tình.

Hội Lệ Mật không chỉ là lễ hội mang tính địa phương, nhằm tưởng niệm người có công với dân làng, mà còn mang những đặc điểm chung của các cư dân nông nghiệp. Đó là tín ngưỡng vật linh giáo thể hiện trong điệu múa rắn- con vật mang tính nước và là biểu tượng thế giới âm, thực ra đây là một biến thể của tục coi rắn là vật tổ, vật linh và thờ rắn khá phổ biến ở các cư dân nông nghiệp Đông Nam á. Song cái hay ở đây là nó được khéo léo ẩn trong sự tích của chàng trai họ Hoàng và công cuộc mở làng, lập ấp tạo nên Thập tam trại trù phú trên đất kinh kỳ. Điều đó không chỉ góp phần tạo niềm vui chung, là dịp ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thử thách, mà còn góp phần thúc đẩy mối dây liên hệ cộng đồng, tạo tình gắn bó với quê hương. Về dự hội làng hôm nay, du khách có dịp được thăm các bể nuôi rắn theo phương pháp cổ truyền để lấy nọc làm dược phẩm quý phục vụ cho trong nước và xuất khẩu, cũng như thưởng thức một chén rượu rắn, thứ đặc sản thứ thiệt chỉ có ở vùng quê Lệ Mật, để khi tan hội ra về vẫn nhớ mãi vị đậm đà độc đáo của chén rượu vùng quê!

Minh Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có về Lệ Mật, tháng ba...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.