Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Bưởi - Chu Văn An, những năm tháng đáng nhớ

ANHTHU| 19/05/2007 08:20

(HNM) - Năm 1908 là năm ra đời trường Trung học Bảo hộ, dân ta quen gọi trường Bưởi. Đây là trường THPT công lập duy nhất xứ Bắc Kỳ hồi đó, dành cho con em người Việt...

Trường Bưởi năm 1941 dưới thời thuộc Pháp.

(HNM) - Năm 1908 là năm ra đời trường Trung học Bảo hộ, dân ta quen gọi trường Bưởi. Đây là trường THPT công lập duy nhất xứ Bắc Kỳ hồi đó, dành cho con em người Việt. Tháng 6 năm 1945 trường đổi tên là Quốc lập trung học học hiệu Chu Văn An, nay là trường PTTH Chu Văn An. Trong lịch sử 100 năm, khoảng thời gian 10 năm (từ 1944 đến 1954) nhà trường có nhiều sự kiện đáng chú ý.

Năm 1944, máy bay Mỹ ném bom các căn cứ của Nhật tại Hà Nội, Hải Phòng. Để tránh thương vong và giảm bớt nhiều giờ học bị gián đoạn vì còi báo động, thày trò trường tản cưvề các vùng nông thôn tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Đông. Tuy ở xa Hà Nội và sống phân tán, không khí yêu nước vẫn sục sôi trong các lớp học. Vì thế, ngay sau khi được tin Nhật đảo chính Pháp, học sinh tự động bỏ trường, rủ nhau nhảy xe lửa, tàu thủy, cuốc bộ về Hà Nội, về quê hương tham gia cách mạng, đấu tranh cho dân tộc thoát khỏi gông xiềng nô lệ. Năm 1945, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, trường Trung học bảo hộ đổi tên thành Quốc lập trung học học hiệu Chu Văn An. Nghị định đổi tên trường do khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại ký ngày 12 tháng 6. Giờ viết sử trường, cũng nên tìm xem ai đề xuất lấy tên này, vì gọi là trường Hùng Vương, Độc lập hay Lê Quý Đôn... cũng ý nghĩa lắm chứ. Trường (Bưởi) có tên gọi mới (Chu Văn An), nhưng thày trò vẫn lang thang vì không có địa điểm học tập.

Nước Việt Nam Dân chủ Dộng hòa ra đời. Năm học đầu tiên của những công dân độc lập tự do đã tới nhưng phải tới 13-9-1945 Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe mới có thể ký nghị định cho phép trường trung học Chu Văn An (khu Hà Đông) trở lại hoạt động, niên khóa 1945-1946 được tuyển 180 học sinh vào 4 lớp ban A và B. Hai ngày sau, 15-9, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe ký tiếp Nghị định mới...Điều thứ nhất: Tất cả các lớp trường trung học Chu Văn An đã dời đi Ninh Bình và Thanh Hóa nay dọn về Hà Đông; Điều thứ hai: Ông hiệu trưởng trường trung học Chu Văn An sửa soạn việc dọn trường về Hà Đông cho kịp ngày khai trường định vào ngày 1-10 năm nay. Vậy thời gian này, ai là hiệu trưởng ? Những văn bản lưu trữ, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy; Chỉ thấy trong Việt Nam dân quốc công báo số III, trang 39, có đoạn sau đây:

Theo những nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (QGGD) ngày 1-10-1945: Cử ông Nguyễn Gia Tường, giáo sư thượng hạng hạng nhất bậc tiểu học, tòng sự tại Trường trung học Chu Văn An, quyền chức hiệu trưởng trường ấy thay ông Hoàng Cơ Nghị, kể từ ngày 21-9-1945.

Ông Nguyễn Gia Tường được hưởng phụ cấp chức vụ đã ấn định trong Nghị định ngày 28-12-1934.

Chuẩn bị khai giảng năm học mới 1946, trường Chu Văn An chuyển về cơ sở mới, đúng tiêu chuẩn một trường trung học hiện đại thời ấy, là trường Phelix Faure dành cho nữ sinh người Pháp (nay một phần là trụ sở Đại sứ quán LB Nga). Về đây, trường Chu Văn An có hiệu trưởng mới, giáo sư Dương Quảng Hàm, bổ nhiệm theo nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Đặng Thai Mai ký ngày 3-8-1946: Ông Dương Quảng Hàm, giáo sư thượng hạng hạng nhất bậc tiểu học tòng sự tại Trường Chu Văn An nay giữ chức quyền hiệu trưởng.

Trước đó, giáo sư Dương Quảng Hàm, nhà giáo mô phạm, uyên bác, tác giả bộ Việt Nam văn học sử yếu đã được Hội đồng chính phủ ra sắc lệnh bổ nhiệm Tổng thanh tra trung học vụ, được Bộ QGGD cử làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn sách giáo khoa gồm nhiều thành viên trí thức bác học: Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như KonTum...

Mặc dù có trường mới khang trang, nhà xây hai tầng thoáng mát, sân chơi bóng rợp cây xanh, khu thể thao, bể bơi..., học sinh Chu Văn An không để tâm nhiều vào việc học. Thanh niên HàNội đang nô nức lên đường Nam tiến, vào tự vệ luyện tập quân sự. Theo các học sinh ngày ấy thì trong vài lớp còn có những cuộc tranh luận nảy lửa thậm chí đỏ mặt tía tai day tay mím miệng vì chính kiến khác nhau về Việt Minh, Việt cách, Việt quốc.

Đêm 19-12-1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ,trường Chu Văn An đóng cửa, thày nghỉ dạy, trò tứ tán. Ngày 29-5-1947 Bộ trưởng Bộ QGGD Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 143/NĐ nay mở tại vùng Việt Bắc một trường trung học phổ thông lấy tên Trường trung học Việt Bắc. Đây chính là ngôi trường mà nhiều người gọi Chu Văn An kháng chiến (vì có nhiều người là giáo sư, học sinh Chu Văn An, Hà Nội), hoặc trường trung học Đào Giã (mở tại vùng Đào Giã, Phú Thọ). Chỉ vài năm thì một số thày, trò chuyển đi dạy và học ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Phần lớn học sinh vào bộ đội.

Trong thời gian này, tại Hà Nội tạm chiếm, trường trung học Chu Văn An được mở lại. Vì trường cũ vẫn bị Pháp lấy làm trại lính nên đi “học nhờ” tại trường tiểu học Hàng Cót (nay là Thanh Quan), rồi chuyển xuống địa điểm trường Đồng Khánh cũ (nay là Trưng Vương). Năm 1951 Chu Văn An chuyển lên địa điểm trường Phan Đình Phùng (phố Cửa Bắc) và phải sau giải phóng Thủ đô, tới đầu năm học 1956 thày trò mới tưng bừng khiêng bàn ghế dọn về trường Bưởi cũ.

Năm 2004, Hà Nội đã tổ chức trọng thể gắn biển Di tích lịchsử cách mạng trường Bưởi - Chu Văn An. Hiếm có một công trình thể hiện sống động và đầy đủ các nội dung di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, kháng chiến là một ngôi trường như thế. Với bề dày 100 năm đóng góp vào công cuộc giải phóng và xây dựng Tổ quốc, vào sự nghiệp giữ gìn và phát triển nền văn hóa nước nhà,đào tạo đội ngũ trí thức Việt Nam, Chu Văn An xứng đáng được để tâm đầu tư, xây dựng nhiều hơn nữa. Và một việc cũng không thể thiếu là bổ sung, minh định vào truyền thống những gì còn thiếu hoặc chưa chính xác...

Lê Văn Ba

Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ có những chuyện trong quá khứ. Trong thời gian tới, đề tài ưu tiên của chúng tôi là thời chúng tôi đang sống; những con người, sự kiện, công trình mới... để nói lên sức sống của thành phố hôm nay.

Địa chỉ thư điện tử: thu1000 năm@ hanoimoi. com.vn.

Phông chữ VnArial

BTC

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trường Bưởi - Chu Văn An, những năm tháng đáng nhớ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.