Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Bằng Liệt

LANHUONG| 04/11/2004 11:23

Làng Bằng Liệt xa xưa được phân thành hai khu (xóm): Trên và Dưới. Sau phát thành hai làng Bằng Liệt Thượng và Bằng Liệt Hạ, nay đổi thành Bằng A và Bằng B. Các địa danh này “Thượng, Hạ” vẫn in đậm trong các câu ca quen thuộc của người dân nơi đây:

Làng Bằng Liệt xa xưa được phân thành hai khu (xóm): Trên và Dưới. Sau phát thành hai làng Bằng Liệt Thượng và Bằng Liệt Hạ, nay đổi thành Bằng A và Bằng B. Các địa danh này “Thượng, Hạ” vẫn in đậm trong các câu ca quen thuộc của người dân nơi đây:

Củ đậu Bằng Thượng thiếu gì

Dưa hấu Bằng Hạ đâu bì được chăng ?

Hay "Bằng vải, Bằng dưa, Linh cua, Tứ bún…" (vải quả Bằng Thượng, dưa quả Bằng Hạ, cua Linh Đàm và bún Tứ Kỳ là bốn đặc sảnthuộc phường Hoàng Liệt ngày nay).

Thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX, làng Bằng Liệt cũng là một xã thuộc tổng Quang Liệt, đến thời Thành Thái (1889 - 1907) thuộc tổng Thanh Liệt huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông. Từ năm 1946 trở đi thuộc xã Hoàng Liệt (gồm các làng: Linh Đàm, Pháp Vân, Tứ Kỳ, Bằng Liệt) huyện Thanh Trì; từ tháng 11 - 2003 chuyển thành phường Hoàng Liệt thuộc quận Hoàng Mai.

Bằng Liệt vốn là làng thuần nông, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Song nơi đây đã biết khai thác thế mạnh của vùng đất sông hồ màu mỡ, nên chuyển dần từ cây lúa sang trồng hoa màu và rau xanh cung cấp cho Hà Nội, cùng phát triển các nghề thủ công như làm bún, nghề mộc...Bằng Liệt xưa nổi tiếng với vải quả ngon nhất Kinh kì đã đi vào câu ca:

"Vải ngon thì nhất làng Bằng,

Khắp thành Hà Nội hỏi rằng đâu hơn".

Vải Bằng còn được đề cập đến trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Đại Nam nhất thống chí giải thích rõ hơn: "Quả vải các xã Trường Cát, Cát Đông đều có, duy các xã Thanh Liệt và Bằng Liệt là tốt nhất, có lệ thượng tiến".

Theo bia "Thanh Bằng thịnh sự bi" (bia nói về sự hưng thịnh của làng Bằng Liệt huyện Thanh Trì) khắc ngày 18 tháng Hai năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 45 (1784) thì làng còn có ông Bùi Quốc Khái, đỗ thứ hai kỳ thi Đình khoa ất Tỵ niên hiệu Trinh Phù đời Vua Lý Cao Tông (1185), làm quan đến chức Đô Ngự sử. Các sách Đăng khoa lục trước đây đều chép ông là người xã Bình Lăng huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Song tấm bia trên khẳng định ông là người xã Bằng Liệt, di bảo (mộ) đặt ở ruộng chùa xứ Trong Đồng. Như vậy, Bùi Quốc Khái là vị khai khoa của Thăng Long - Hà Nội.

Trước đây, làng có Văn chỉ, đặt ở xóm Vĩnh Phúc, dựng năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng (1784) . Hàng năm, vào ngày 12 tháng Hai sửa lễ vật dâng tế cáo Bùi Quốc Khái cùng các vị chức sắc khoa bảng. Hiện nay, Văn chỉ không còn, nên tấm bia trên được đặt trong miếu Gàn.

Miếu Gàn nằm sát hồ Liên Đàm (hay Linh Đàm) - đầm sen, nơi thờ chính vị Thủy Thần của đầm này, gắn với truyền thuyết Thần rồng, học trò của Chu Văn An đã làm mưa cho 5 xã 7 thôn trong một trận đaị hạn hán năm xưa. Thời Nguyễn gọi là Nguyệt Kính hồ. Đầm Linh Đàm và miếu Gàn là yếu tố tâm linh kết nối các làng ven hồ.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Bằng Liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.