Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng sông Nhuệ và gia đình vị tướng

Trần Quang Vinh| 23/08/2010 06:54

(HNM) - Trong thế kỷ XIII, XIV, gia đình Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã sống ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng Thiên Trường (Nam Định), Thăng Long (Hà Nội), Kiếp Bạc - Chí Linh (Hải Dương), Ứng Thiên (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội). Phủ Ứng Thiên có sông Đáy, sông Nhuệ, đều bắt nguồn từ sông Hồng. Sông Nhuệ cổ bắt vào sông Hồng chỗ Hàm Rồng, Hạ Mỗ, Đan Phượng.


Dọc hai bờ sông Nhuệ có nhiều di tích: đình, đền, chùa gắn với triều Trần,
đặc biệt là gia đình Trần Hưng Đạo. Ảnh: Bá Hoạt

Thời Trần, sông Nhuệ chảy xuôi có đoạn nối với các sông Tô Lịch, Đáy, Châu Giang và nhiều chi lưu tỏa đi khắp nơi. Lại có đường thủy về tận Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Nam Định). Theo chính sử và thần phả có thể hình dung đại gia đình An Sinh Vương Trần Liễu và con cháu có ấp thang mộc ở nhiều nơi, trước năm 1237 có ở cả phủ Ứng Thiên, sau đó mới chuyển về vùng An Sinh, An Bang, An Hưng, An Dưỡng, An Phụ (Hải Dương, Quảng Ninh ngày nay). Năm 1251, Trần Quốc Tuấn lấy Thiên Thành Công chúa, gia đình phải nhượng một phần đất phủ Ứng Thiên cho Trung Thành Vương vì Trung Thành Vương đã có lễ ăn hỏi trước với Thiên Thành Công chúa. Năm 1289, Trần Quốc Uy - con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo, còn xin triều đình cho đất Canh Hoạch (làng Vác) xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai làm đất thang mộc. Như vậy, nhiều thế hệ của gia đình Trần Hưng Đạo đã gắn bó với vùng đất và người dân Ứng Thiên, cả thời bình và thời chiến. Dọc hai bờ sông Nhuệ có rất nhiều đình, đền, miếu, chùa gắn với triều Trần, đặc biệt là gia đình Trần Hưng Đạo. Những dấu vết trên, nay không còn nhiều và đã phôi pha, nhưng được lưu giữ khá đậm trong thần phả, ngọc phả, lễ hội và ký ức của con người.

Xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, ở gần thị trấn Trạm Trôi và Nhổn sôi động hiện nay, thời Hai Bà Trưng, sau khởi nghĩa thất bại, nghĩa quân đã về đây ẩn náu, sinh sống trong lau sậy, bắt cá, bắt cò, dần dần lập làng Lai Hương, ngày nay là Lai Xá. Năm 1237, An Sinh Vương Trần Liễu và phu nhân đã về đây một thời gian. Mấy chục năm sau, Vương trở lại đất này, xin triều đình cho làng Lai Xá được hưởng chế độ Hộ gia thần, miễn phu phen, tạp dịch, giúp dân xây sửa đình Quan (đình Ngoài), đình Đụn (đình Trong), chùa Bảo Liên, chùa Linh Bảo, đỡ tiền cho người già, người nghèo… An Sinh Vương qua đời, dân Lai Xá xin triều đình thờ phụng ông làm Thành hoàng. Ngày nay đình Quan có ngai, bài vị thờ Trần Liễu, đình Đụn có ngai, bài vị thờ Hoàng hậu Thuận Thiên và cung phi Nguyệt Nương.

Di tích thứ hai có liên quan đến cha con Trần Liễu và Trần Hưng Đạo là chùa Khúc Thủy, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Các bậc cao niên ở hai làng Lai Xá (Hoài Đức), Khê Tang (Thanh Oai) có nhắc tới sự tích: Sau khi Thái Tổ (1184-1234) Trần Thừa qua đời, quyền hành tập trung vào tay Thái sư Trần Thủ Độ. Thái sư ép Lý Thuận Thiên đang có mang với Trần Liễu phải lấy Trần Thái Tông (Trần Cảnh), gọi là mạo nhận để có con nối dõi sự nghiệp hai dòng tộc Trần - Lý, vì đã nhiều năm mà Lý Chiêu Hoàng không sinh con. Phản ứng trước sự áp đặt trên, Thái Tông bỏ Thăng Long ra Yên Tử (Quảng Ninh), còn Trần Liễu chạy về Lai Xá (Kim Chung, huyện Hoài Đức). Để đề phòng chuyện không hay, Trần Thủ Độ bắt Trần Quốc Tuấn để ép Trần Liễu. Thương con, Trần Liễu bí mật gửi Quốc Tuấn vào chùa làng Khúc Thủy bên dòng sông Nhuệ, ẩn mình trong hàng cây cổ thụ sum suê, ít người biết đến. Sau những phản kháng bất thành, Trần Liễu về an trí ở An Sinh - An Phụ - Kinh Môn (Hải Dương), mới đón Quốc Tuấn về. Như vậy, thời thơ ấu, có một thời gian, Trần Quốc Tuấn đã được nuôi dưỡng trong chùa làng Khúc Thủy, bên dòng sông Nhuệ.

Ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai có 2 ngôi đình, gọi là đình Hạ và đình Thượng, ở làng Khê Tang, thờ phụng Trần Hưng Đạo - Anh hùng dân tộc và tướng quân Trần Thông làm Thành hoàng. Thần phả đình ghi sự kiện năm 1285, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã về xã Cự Khê, nơi ông đã được chở che trong thời thơ ấu. Bấy giờ giặc Nguyên Mông đang tràn vào xâm lược Đại Việt, Trần Quốc Tuấn kêu gọi trai tráng vùng Ứng Thiên tòng quân đánh giặc. Các bậc cao niên ủng hộ, Khê Tang có 271 thanh niên hăng hái nhập ngũ, rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ, thích trên tay hai chữ “Sát Thát”. Tiếp đó, tướng quân Trần Thông cùng các dân binh tiến về phía bến Chương Dương (huyện Thường Tín) đánh thắng giặc Nguyên- Mông. Chỉ huy trận đánh này là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Đại Việt Sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội 1998) ghi: Ngày 10 tháng 5 năm 1285 (tháng Tư năm Ất Dậu), Thượng tướng Trần Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ kinh thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn. Bọn Thái tử Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt rút chạy qua sông Lô (tức sông Hồng nay). Như vậy là chính sử đã nhắc đến tướng quân Trần Thông và các dân binh. Còn thần phả nhắc ông được thờ ở nhiều nơi, riêng xã Cự Khê có ba nơi tôn ông làm Thành hoàng.

Năm 1289, triều Trần tổ chức khen thưởng cho các tướng lĩnh, vương hầu, châu, phủ… có công đánh giặc cứu nước. Trần Hưng Đạo và Trần Thông về Cự Khê khen thưởng, cấp tiền bạc để dân sinh sống sau chiến tranh. Làng Khê Tang dựng ngôi đình, Trần Hưng Đạo chọn đất có thế và hướng đẹp. Tưởng nhớ công đức của hai vị anh hùng dân tộc, dân Khê Tang xin triều đình được thờ phụng.

Xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, có đình Canh Hoạch (đình Vác) thờ tướng quân Trần Quốc Uy, con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo. Tướng quân đã về Vác tuyển quân, nhận lương thực, được dân hết lòng ủng hộ. Đem quân đi đánh giặc ở nhiều nơi, sau chiến tranh thay mặt triều đình, ông quay về khen thưởng cho dân làng. Trần Quốc Uy giúp dân thoát khỏi đói nghèo, gây lề thói, đào giếng ăn nước sạch, dựng đình, dựng chùa… lại xin triều đình cho làng Canh Hoạch là ấp thang mộc. Dân Canh Hoạch xin thờ Trần Quốc Uy làm Thành hoàng khi ông mất tại Vạn Kiếp.

Xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, có đình Cống Xuyên. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông, tướng quân Phạm Ngũ Lão (con rể của Trần Hưng Đạo) đã về đây tuyển quân, nhận lương, huấn luyện dân binh. Già trẻ tham gia cứu nước, giúp cánh quân của Phạm Ngũ Lão đánh thắng giặc ở Hàm Tử (nay thuộc xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống xâm lược, thay mặt triều đình, Phạm Ngũ Lão về nơi đây khen thưởng dân làng, giúp khôi phục kinh tế, văn hóa, được dân thờ khi qua đời.

Xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên có đình Thần Quy và chùa Thần Quy, nơi giao lưu sông Nhuệ với sông Châu Giang, sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng về giao thông, quân sự, kinh tế, văn hóa, tâm linh… dưới thời Trần. Huyền Trân Công chúa - con gái vua Trần Nhân Tông, cháu ngoại Trần Hưng Đạo - lấy vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy vùng đất từ Quảng Bình vào Thuận Hóa ngày nay. Trên đường vào Nam, bà đã dừng thuyền ở chùa Thần Quy lễ phật. Năm 1307, Chế Mân qua đời. Năm 1308, tháng 8, Huyền Trân từ đất Chiêm Thành trở về nước, lại dừng thuyền ở đây lên bái lễ. Những năm cuối đời, quy y cửa Phật, bà đã giúp đỡ cho dân làng làm ăn, mở mang tôn tạo chùa chiền, được dân thờ trong đình làng Thần Quy. Ngày nay, chùa Thần Quy còn giữ được hệ thống tượng Phật độc đáo, in đậm nghệ thuật điêu khắc thời Trần. Đất Minh Tân khuất nẻo còn lưu giữ dấu vết người con gái đã hy sinh tình riêng cho lợi ích đất nước, không lẽ đường phố nội đô Hà Nội không có nơi nào đáng để đặt tên bà?

Dọc theo sông Nhuệ, dày đặc những dấu tích lịch sử văn hóa liên quan với gia đình Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong công cuộc chống ngoại xâm, xóa đói nghèo, gây nền nếp đạo đức, văn hóa. Dòng sông cho thấy một truyền thống đẹp của gia đình vị anh hùng dân tộc: tôn trọng nhân dân, cùng nhân dân đánh giặc, biết báo ơn bách tính. Và như một tất yếu lịch sử, tình cảm sâu nặng của dân đối với dòng họ Trần không nhạt phai, qua hơn 700 năm vẫn soi bóng xuống dòng nước ấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dòng sông Nhuệ và gia đình vị tướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.