Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tây Mỗ tôn vinh hạt gạo

LANHUONG| 14/03/2005 08:37

Tây Mỗ (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm) là một làng cổ ven đô giàu truyền thống văn hoá. Cứ mỗi dịp ra giêng, sau Tết, dân làng lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội cổ truyền của làng mình - Lễ hội Rước xôi. Năm nay là năm chẵn, hội được tổ chức to hơn mọi năm. Trong câu chuyện của chúng tôi với các bậc cao niên trong làng có biết bao điều thú vị. Và cả những trăn trở...

Tây Mỗ (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm) là một làng cổ ven đô giàu truyền thống văn hoá. Cứ mỗi dịp ra giêng, sau Tết, dân làng lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội cổ truyền của làng mình - Lễ hội Rước xôi. Năm nay là năm chẵn, hội được tổ chức to hơn mọi năm. Trong câu chuyện của chúng tôi với các bậc cao niên trong làng có biết bao điều thú vị. Và cả những trăn trở...

Lễ hội tôn vinh hạt gạo

Thành thông lệ, cứ vào tháng giêng hằng năm, lễ hội rước xôi lại được nhân dân Tây Mỗ tổ chức tưng bừng. Tây Mỗ những ngày này rộn ràng không khí lễ hội. Cờ treo cao phấp phới dọc đường chính lát gạch cổ dẫn đến tận sân đình. Ông Nguyễn Duy Hiển - Trưởng BTC lễ hội làng Tây Mỗ - tâm sự: Lễ hội Rước xôi là lễ hội cổ truyền của làng, được tổ chức hằng năm và giao luân phiên cho 5 thôn trong làng, mỗi thôn tổ chức một năm. Có lẽ lịch sử của lễ hội cũng hình thành từ rất lâu, như chính lịch sử hàng nghìn năm của ngôi làng... Đình làng Tây Mỗ thờ hai vị thành hoàng là Thuỷ Hải Long Vương và ả Lã Làng Đê (một nữ tướng thời Hai Bà Trưng). Năm nay, đến phiên thôn Dưới làm lễ rước xôi vì thế các gia đình trong thôn đã tề tựu đông đủ ở nhà ông Khương (người đăng cai làm lễ thổi xôi) từ đêm hôm trước diễn ra lễ rước. Ông Trần Đăng Huyền - Trưởng BTC Lễ Rước xôi thôn Dưới - giải thích: "Mỗi thôn phải chọn ra một gia đình tiêu biểu trong thôn đăng cai việc thổi xôi. Gia đình được chọn phải là gia đình nền nếp, gương mẫu và đặc biệt phải còn song toàn cả cụ ông, cụ bà, con cháu phương trưởng".

Lễ hội Rước xôi của làng được coi là ngày lễ tôn vinh hạt gạo, cầu xin mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm. Lễ gồm 3 kiệu, mỗi kiệu sẽ rước 30kg xôi đựng trong 3 chiếc chum đồng. Gạo để thổi xôi phải là gạo nếp cái hoa vàng, được chọn từ 120kg gạo do chính dân làng làm ra. Trước Tết, gia đình đăng cai nấu xôi đã phải chọn gạo, sàng sảy để lấy những hạt mẩy nhất, lành lặt thổi xôi. Công việc này thường do 10 - 15 phụ nữ trong xóm làm từ 3-5 ngày mới xong. Từ đầu năm trước, gia đình ông Khương đã phải chặt rất nhiều tre, phơi khô làm củi nấu xôi. Nồi, niêu, rổ, rá đựng gạo, ngâm gạo đều phải rửa bằng rượu và sát gừng tươi cho thơm tho, thanh sạch. Theo các cụ cao tuổi trong làng thì trước đây, nước để thổi xôi phải là nước lấy từ giếng làng, chính là mắt cá nằm ngay trước đình làng nhưng nay, giếng đã chẳng còn nước do bị hoang phế từ lâu nên đành thổi xôi bằng nước máy.

Những người có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc thổi xôi, hầu hết là các cụ cao niên, có mặt từ sớm để chỉ đạo con cháu làm. Đúng 12 giờ đêm hôm trước, gạo nếp được cho vào những chiếc chõ lớn để đồ - đây là công đoạn quan trọng nhất. Cụ Đỗ Văn Tập, dù đã 85 tuổi nhưng vẫn thức suốt đêm để trông nom việc thổi xôi. Cụ nhớ lại: "Từ khi còn bé tí, tôi đã được xem các cụ thổi xôi, làm lễ. Trước cách mạng, Lễ Rước xôi của làng tổ chức có khác bây giờ. Thời đó còn có tục lệ thi thổi xôi, có cả giám khảo chấm điểm, kiệu xôi nhà nào ngon nhất sẽ được đi đầu khi rước ra đình". Cùng với kiệu xôi, trước kia trong mỗi dịp hội làng không thể thiếu kiệu văn và kiệu hoa. Đây là hai chiếc kiệu đề cao truyền thống khoa cử và thể hiện sản vật của làng trong năm vừa qua.

"Holy... mỗ" và "cơn lốc" đô thị hoá

Mục đích cuối cùng của lễ rước xôi như các bậc cao niên trong làng nói là để giáo dục cho thế hệ trẻ biết nâng niu, quý trọng cây lúa và hạt gạo cũng nhưkhông được quên cội nguồn. Cụ Tập tâm sự, giọng man mác buồn: "Ngày hội trước kia còn là một ngày sum họp con cháu trong gia đình. Ai đi xa đều nhớ ngày hội làng để về. Nếu đã lập nghiệp nơi khác thì cũng phải dẫn con cháu về để giáo dục chúng truyền thống uống nước nhớ nguồn. Nhưng nay thì không còn được như trước nữa rồi"...

Năm nay hội làng Tây Mỗ như được nhân đôi niềm vui khi năm 2004 vừa qua xã Tây Mỗ đã đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp. Tây Mỗ là địa phương vốn có nền văn hiến lâu đời được lưu truyền trong Tứ danh hương của vùng Mỗ - La - Canh - Cót. Không những thế đất Tây Mỗ còn rất tự hào khi được xếp ở vị trí đầu tiên trong số các vùng rất có truyền thống văn hoá này: Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh - Cót.

Nhắc đến Tây Mỗ là không ít người nhớ ngay đến một "địa chỉ đỏ" của những nhà làm phim khi muốn quay những cảnh thôn quê, dân dã mang đậm phong vị của một miền quê Bắc Bộ. Đã rất nhiều lần, các đoàn làm phim về đây chọn cảnh, lấy bối cảnh cho phim vì thế dân làng vẫn gọi vui làng Tây Mỗ là "Holy... mỗ". Không chỉ có thế, chúng tôi còn cảm nhận được bao điều thú vị và sâu sắc từ câu chuyện của ông Nguyễn Duy Hiển. Ông vừa dẫn chúng tôi đi quanh làng vừa say sưa kể: "Làng Tây Mỗ chúng tôi nằm trên thế của một con cá, đình làng nằm ở lưng cá, cái giếng kia chính là mắt con cá, mô đất nhô cao này là đầu cá"- ông vừa chỉ cho chúng tôi vừa ngâm nga hai câu thơ: "Đình trên lưng cá nằm nghiêng giữa làng/Voi phục trước Phượng hoàng chầu lại". Quả thực sau khi đi một vòng chúng tôi có thể hình dung mình đang đi trên mình cá. Phải chăng chính nhờ vào địa thế linh thiêng này mà làng Tây Mỗ không phải chịu một hòn tên mũi đạn nào trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Thế nhưng, những năm gần đây, "cơn lốc" đô thị hoá đang đe doạ làm mất đi những vốn văn hoá cổ gồm cả vật thể và phi vật thể của làng. Nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên làm những nếp nhà cổ với mái ngói rêu phong mất dần. Liệu mai này có còn được thấy một làng cổ ven đô vừa cổ kính vừa ẩn chứa biết bao điều kỳ thú. Tuy vậy, chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng đôi chút khi nghe được những lời tâm huyết từ ông Chủ tịch xã Bùi Hữu Hớn: "Những năm vừa qua, ở Tây Mỗ chủ yếu mới chỉ là đô thị hoá trong dân. Nhiều dự án lớn trong năm nay sẽ được khởi động, vì thế năm nay sẽ là năm giải phóng mặt bằng tại một số thôn. Tại đây có những dự án lớn như khu đô thị đại học Tây Nam (234ha), cụm các trường dạy nghề cao cấp (114,5ha), đường Láng - Hoà Lạc mở rộng (37ha). Nhưng dù thế nào thì những nét đẹp về truyền thống văn hoá chúng tôi quyết tâm giữ bằng được". Được biết năm 2004, huyện Từ Liêm đã đầu tư 750 triệu đồng để tôn tạo lại đình làng Tây Mỗ.

Từ trong những ánh mắt trẻ thơ đang háo hức xem hội hôm nay, tôi tin rằng dần dần trong tâm hồn các em sẽ nhen nhóm lên tình yêu quê hương và những bản sắc giàu truyền thống của làng. Cụ Tập cứ đinh ninh một điều với tôi, rằng hi vọng khi lớn lên, tiếng trống hội làng sẽ còn theo các em tới suốt cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Mỗ tôn vinh hạt gạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.