Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thủ phủ” đá ong xứ Đoài

Nguyễn Mai| 24/04/2011 06:38

(HNM) - Ở vùng đất bán sơn địa chưa bị tác động nhiều bởi đô thị hóa, Bình Yên (Thạch Thất) êm đềm với những vạt đồi trải rộng; những cánh đồng thẳng cánh cò bay và xóm làng "nhuộm" sắc vàng óng của tường đá ong. Người dân Bình Yên dùng đá ong làm nhà ở. Đá còn là nguồn mưu sinh, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều thế hệ.

Chế tác đồ mỹ nghệ từ đá ong tại xã Bình Yên (huyện Thạch Thất).

Hàng trăm năm nay người dân xã Bình Yên vẫn sử dụng đá ong làm gạch. Đá ong hiện hữu mọi chỗ từ nơi thờ tự linh thiêng như đình, chùa... đến nhà ở, bếp, giếng, hàng rào, cầu ao, cổng ngõ... Đá ong gắn bó với đời sống sinh hoạt, tình cảm của người dân từ đời này qua đời khác. Hà Nội đang trong thời khắc giao mùa, trời lúc nóng, lúc lạnh, bên những vạt đồi, trong những khu vườn thôn Yên Mỹ, Sen Chi, Cánh Chủ… những nhóm thợ đang xoay trần với đá, mồ hôi lã chã. Họ hì hục đào, gọt, vận chuyển những khối đá khổng lồ lên xe tải. Ông Trịnh Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Bình Yên là nơi tập trung nhiều đá ong nhất xứ Đoài. Đá ong ở đây có 2 loại: đá lộ thiên và đá nằm sâu dưới đất. Xa xưa, người dân Bình Yên thường tranh thủ những ngày nông nhàn để thuốn đá ong. Họ tích cóp vật liệu tới dăm bảy tháng, có khi một hai năm mới đủ để xây một ngôi nhà. Chẳng thế mà ở Bình Yên gần như nhà nào cũng có một vài chiếc thó (dụng cụ để thuốn đá ong rất sắc và cứng). Những năm 1980, ngoài khai thác gạch để xây dựng trong gia đình, nhiều hộ còn bán ra thị trường. Thời gian này, Bình Yên như một "làng nghề" khai thác và kinh doanh đá ong… Chủ tịch UBND xã Lê Văn Mão cho biết, khai thác đá ong là công việc nặng nhọc, đòi hỏi tính cần cù, kiên nhẫn. Nếu làm vội, làm ẩu thì khó lấy được viên gạch vuông vức. Thợ thuốn gạch khéo thì những viên gạch đều nhau chằn chặn. Bởi vậy, dù tay thợ nào đào giỏi, "đánh vật" cả ngày cũng chỉ đào được 15 đến 20 viên là nhiều. Sau khi thuốn lên, gạch được xếp so le để phơi nắng phơi gió cho già cứng. Hiện ở Bình Yên còn khoảng 200 hộ sống bằng nghề khai thác, chế tác đá ong.

Nếu như trước đây, đá ong chủ yếu dùng trong xây dựng đơn thuần thì khoảng 10 năm lại đây, những khối đá vô tri vô giác đã được người nông dân chế tác ra nhiều sản phẩm đặc sắc. Tại cơ sở chế tác đá của anh Tăng Hữu Dũng, thôn Thái Bình, nằm ngay ven đường vào xã, bày la liệt sản phẩm được đẽo gọt từ đá ong như: hổ, báo, voi, sư tử...; các sản phẩm dùng để trang trí như: đèn đá, chậu, chum, vại... Giữa một xưởng sản xuất với hàng chục lao động đang cặm cụi đục đẽo, vận chuyển hàng lên ô tô, ông Trần Văn Nghiêm - người được anh em trong cơ sở tôn là "nghệ nhân" có "bàn tay vàng" trong chế tác đá ong cho biết: "Cũng không khó lắm đâu, làm nhiều là quen ấy mà! Từ một khối đá to, tôi dùng thuổng pha ra, rồi dùng dao, đục đẽo theo trí tưởng tượng". Không cần mẫu hay thiết kế, không qua trường lớp nào đào tạo, cũng không phải là nghề gia truyền nhưng người thợ vẫn có thể sáng tạo ra tác phẩm vô cùng sinh động. Tuy không nói ra, nhưng có lẽ nhiều người đều hiểu, tạo tác đá ong không đơn giản và cũng không phải ai cũng thành công. Để làm được nghề này, ngoài bàn tay khéo léo cần phải có bộ óc sáng tạo và ý tưởng phong phú. Đá ong chẳng phụ công người, nếu làm đều, ông Nghiêm cũng có thu nhập gần 300 nghìn đồng/ngày. Đó vừa là nguồn thu bảo đảm cuộc sống, vừa là niềm yêu thích vẻ đẹp đặc sắc của đá ong quê nhà.

Khác với ông Nghiêm chuyên chế tác đồ mỹ nghệ, anh Tăng Hữu Dũng, chủ cơ sở chế tác đá lại có niềm đam mê với những bức tường đá ong nghệ thuật. Anh Dũng cho biết, hơn chục năm làm nghề, đã từng đi khắp từ Bắc vào Nam, làm rất nhiều công trình bằng đá ong phục vụ yêu cầu của khách. Vừa ngắm nhìn công trình, anh vừa hướng dẫn chúng tôi, để làm được chiếc cổng bằng đá, ngoài việc tính toán kỹ thuật, kết cấu, cần phải có hoa tay và trình độ, bởi rất khó tạo ra các họa tiết, hình cong từ đá. Tính toán sao cho các lớp đá chồng lên thẳng tắp không cong, lệch so với các đường chỉ, thì mới tạo được dáng vẻ cổ kính, hoành tráng của công trình…

Công việc của những người thợ đá ong ngày một nhiều hơn khi khách từ khắp nơi đổ về đặt hàng, nhất là những người phát hiện ra đá ong không chỉ để xây nhà mà còn tạo nên những con giáp phong phú, những ngôi nhà đá ong sang trọng, cổ kính, gần gũi thiên nhiên. Đá ong là món quà quý thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này nhưng cứ khai thác mãi thì cũng có ngày cạn kiệt. Vì vậy, bên cạnh những niềm vui, nhiều người cũng băn khoăn cần quản lý sao cho hiệu quả để đá ong mãi là nét đặc trưng của xứ Đoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Thủ phủ” đá ong xứ Đoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.