Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn những giếng cổ 600 năm tuổi ở Vĩnh Phúc

TTXVN/Vietnam+| 15/06/2011 10:44

Tồn tại cách đây đã hơn 600 năm, nhiều giếng cổ ở xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc vẫn giữ được nguyên bản, không bao giờ cạn nước, được người dân nơi đây coi là


Theo ông Dương Đình Nghê, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bá Hiến, người đã dày công nghiên cứu và bảo tồn giếng cổ của làng, cho biết giếng cổ ở đây có niên đại từ thời Hồng Đức Nhị Thập Nhất Niên (năm 1491).


Giếng cổ bên vệ đường ở xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên



Thống kê trong toàn xã Bá Hiến hiện còn 13 chiếc giếng cổ; trong đó có năm giếng còn nguyên bản, còn lại một số giếng hiện nay đã được sửa sang và đang được các hộ gia đình lấy nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nếu tính cả những giếng hiện đã bị vùi lấp, sụt lở thì có khoảng 30 chiếc, tập trung ở năm thôn Bá Hương, Thích Chung, Thiện Chi, Quang Vinh, Bá Hạ. Mỗi giếng đều có tên riêng. Do đất đai bị phân chia nhiều lần nên một số giếng cổ nằm ở giữa đường đi, có chiếc lại nằm góc vườn, bờ ao thuộc phần đất của các hộ dân…

Trên thành miệng các giếng đều còn các dòng chữ ghi rõ niên đại xây dựng vào thời Hồng Đức và Đoan Khánh thời Lê sơ (cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16). Nét chữ khắc sâu mang đặc trưng lối chữ của thời Lê sơ. Nhờ có thông tin này mà người dân Bá Hiến biết chắc chắn các giếng cổ này đều có trên 500-600 tuổi.

Điển hình là trên tang giếng cổ nhà ông Dương Văn Lại (thôn Thiện Chi) còn ghi lại nguyên vẹn dòng chữ "Hồng Đức Nhị Thập Nhất Niên Canh Tuất Thập Nguyệt Tam Thập Nhật khởi tạo".

Còn ở phiến đá đối diện giếng cổ còn lưu giữ được dòng chữ "Sùng Khang Cửu Niên Bính Tý Tam Nguyệt Thập Nhị Thật trùng tu," điều này chứng tỏ các giếng cổ trong quá trình tồn tại luôn được sửa chữa, tu tạo.

Qua quan sát cho thấy các giếng cổ ở Bá Hiến về cơ bản có đặc điểm cấu tạo khá đồng nhất với tang (thành trên của giếng) hình vuông, được tạo bởi bốn phiến đá sa thạch hình chữ nhật màu xanh và vàng xám xếp khít dựng đứng bằng cách cắt vát và tạo lỗ mộng liên kết, kích thước dài khoảng từ 1,3m đến 1,54m, rộng khoảng từ 0,7m đến 0,96m. Trên một trong số bốn phiến đá ấy có ghi rõ niên đại xây dựng.

Phía dưới thành giếng hình tròn, được tạo bởi những viên cuội sông suối (dạng thỏi) xếp quay ngang cắm vào làm cho thành giếng lô xô rất lạ mắt. Đáy giếng khá sâu (khoảng trên dưới 5m), được rải một lớp cát dày và một lớp rong guột khoảng 10cm. Phía dưới lớp rong guột có 2 tấm gỗ lim dày 10cm x dài 1,5m x rộng 80cm. Mặc dù trải quả hơn 600 năm nhưng lớp gỗ không hề bị mục trong môi trường nước, thành giếng không bị sụt lún hư hỏng, nước trong giếng rất trong, mát và quanh năm không đứt mạch, không bao giờ cạn.

Theo ông Nguyễn Viết Bồng ở thôn Bá Hương, không biết giống cổ có từ khi nào, chỉ biết cách đây 6-7 đời, gia đình ông đã có giếng cổ này. Trong thôn chỉ còn duy nhất một giếng cổ của gia đình ông giữ được gần như nguyên bản và đang sử dụng hàng ngày. Giếng nhà ông Bồng thuộc loại nhỏ, kích thước 0,74 x 0,67m, sâu khoảng 4m. Trên tang giếng cổ có khắc vài dòng chữ nho, do thời gian một số chữ đã bị mòn, chỉ còn duy nhất dòng chữ Mậu Ngọ Nhị Nguyệt.

Điều lạ là vào mùa khô, các giếng đào, giếng khoan xung quanh nhà ông đều cạn trơ đáy, nhưng riêng giếng cổ của gia đình vẫn đầy ắp nước, ngoài phục vụ cho cả gia đình còn phục vụ cho cả làng khi thiếu nước.

Bà Dương Thị Lan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bá Hiến, những năm gần đây hiện tượng sửa chữa, cải tạo giếng cổ để phục vụ đời sống của bà con trong vùng khá phổ biến đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất xứ của giếng cổ. Vì vậy, các cấp, các ngành trong huyện, trong tỉnh cần khẩn trương vào cuộc, có phương án bảo tồn nguyên trạng hoặc tôn tạo các giếng cổ ở địa phương để phát huy giá trị./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn những giếng cổ 600 năm tuổi ở Vĩnh Phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.