Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chàng Sơn vang tiếng hát chèo

Văn Thành| 20/05/2012 07:48

(HNM) - Là một làng quê

Được thành lập năm 2004, thu hút vài chục người tham gia, từ đó đến nay đội chèo Chàng Sơn luôn phát huy vai trò nâng cao đời sống tinh thần người dân. Chính sự say mê, miệt mài của những con người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" như các anh Chu Quang Hợp, Phí Quang Bộ, chị Khương Thúy Tần đã góp phần làm nên những thành công cho đội chèo Chàng Sơn. Vốn là người hát hay, múa giỏi, yêu văn nghệ từ bé lại được trời phú cho chữ "dung" nên Thúy Tần được tín nhiệm bầu làm đội phó đội văn nghệ, kiêm hướng dẫn kỹ thuật, còn anh Chu Quang Hợp làm đội trưởng. Hồi đầu, hầu hết các anh chị em tham gia đội chèo đều không biết hát, nhưng vì yêu văn nghệ nên họ tình nguyện tham gia. Chị Thúy Tần là người chịu trách nhiệm hướng dẫn các thành viên cách lấy câu, nhả chữ, hát những làn điệu chèo cơ bản, sau đó sưu tầm băng đĩa của các nghệ sĩ chuyên nghiệp đem về cho anh chị em hát theo. Không những thế, chị Tần còn tham mưu cho đội mời soạn giả chèo Xuân Cung (Hội VHNT Hà Nội) về truyền dạy cách hát chèo, tập luyện kịch bản.

Đội văn nghệ Chàng Sơn giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân xã Đại Đồng (Thạch Thất). Ảnh: Tư Văn


Chỉ sau một thời gian, các thành viên trong đội tiến bộ hẳn. Thế rồi đội chèo "trình làng" vở kể chuyện Chàng Sơn (kể về lịch sử Chàng Sơn) do Xuân Cung viết, chị Tần đóng vai cô gái làng, anh Nguyễn Quốc Thái (nguyên Chánh án TAND huyện Thạch Thất) làm già làng, các bạn diễn khác đóng trai, gái làng... Buổi diễn trình làng đã thu hút khoảng 6.000 khán giả tới động viên cổ vũ. Nhiều khán giả hâm mộ tiếng chèo của quê hương đã rút tiền trong ví ủng hộ đội chèo. Thành công bước đầu khiến anh chị em rất vui, những làn điệu chèo tình tứ khi thì da diết lúc lại trầm lắng thiết tha cứ thôi thúc họ, để rồi từ chỗ chẳng hề biết hát chèo nay đã thuần thục nhiều làn điệu. Khi các thành viên chững chạc hơn, chị Thúy Tần động viên họ tập luyện các trích đoạn chèo: Quan Âm Thị Kính, Việc làng, Lý trưởng mẹ Đốp... biểu diễn cho bà con xem. Ban ngày các thành viên trong đội người thì làm ruộng, người buôn bán, làm mộc, mây giang đan phát huy nghề truyền thống của quê hương; tối đến họ tụ tập nhau lại cùng cất lên lời ca tiếng hát cho cuộc sống thêm vui. Những đợt chuẩn bị biểu diễn, các anh chị bỏ cả công việc kiếm cơm hằng ngày để dành cho văn nghệ; có những hôm tập không có nhạc, họ tự đánh nhạc bằng mồm, thậm chí những gì có thể phát ra tiếng kêu như xoong, chậu cũng được tận dụng làm nhạc cụ; quần áo biểu diễn các thành viên tự bỏ tiền ra mua hoặc thuê. Vất vả là thế nhưng trên gương mặt các anh, chị đội chèo Chàng Sơn vẫn rạng ngời niềm vui vì được góp sức mình xây dựng đời sống tinh thần cho bà con quê hương. Vào dịp đầu xuân hay hội làng truyền thống, đội đều có chương trình biểu diễn chào mừng, khi xã có kỳ cuộc quan trọng, đội chèo Chàng Sơn cũng thường xuyên được mời biểu diễn. Không những thế, "tiếng thơm" của chèo Chàng Sơn đã truyền đi khắp nơi, đội được mời biểu diễn tại Đại Đồng, lễ hội đền Lê ở xã Lại Thượng...; tại lễ hội chùa Tây Phương, cùng với đội chèo Canh Nậu và Đại Đồng, chèo Chàng Sơn cũng đem tiết mục của mình phục vụ khách hành hương về chiêm bái.

Không chỉ hát và diễn chèo, các thành viên trong đội chèo Chàng Sơn còn kiêm luôn việc phục vụ các buổi biểu diễn rối nước truyền thống của làng. Đội nhạc công đảm nhận phần nhạc, anh Phí Quang Bộ cùng chị Khương Thúy Tần dẫn chương trình cho phường rối. Hằng năm, phường rối và đội chèo Chàng Sơn được Bảo tàng Dân tộc học mời ra biểu diễn phục vụ du khách trong, ngoài nước. Ở một làng quanh năm tất bật làm nghề truyền thống như Chàng Sơn thì những điệu hát, lời ca ngọt ngào đằm thắm sẽ như luồng gió mát làm tan đi những giọt mồ hôi, những lo toan suy tính để thêm quý, thêm yêu cuộc sống này hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng Sơn vang tiếng hát chèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.