Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở cửa nhà dân đón khách vào

Hiền Dung| 25/05/2012 06:51

(HNM) - Cùng ăn, ở, làm việc, sinh hoạt, giao lưu văn hóa với người dân bản địa là những đặc điểm cơ bản của loại hình du lịch cộng đồng (homestay). Mô hình này đã và đang được áp dụng thành công ở nhiều địa phương trong cả nước, góp phần thúc đẩy người dân làm giàu trên chính quê hương mình; đồng thời bảo tồn được các giá trị truyền thống.


Đa lợi ích

Khác với các loại hình du lịch khác, "homestay" thường tổ chức ở những vùng nông thôn, làng bản có cảnh quan tươi đẹp, bản sắc văn hóa phong phú, hấp dẫn nên không cần phải xây dựng khách sạn, nhà nghỉ khang trang, đường sá hiện đại. Với lợi thế đa dạng về dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán, phương thức sinh hoạt, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch "homestay". Năm năm trở lại đây, du lịch "homestay" phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Hội An (Quảng Nam)… mang lại hiệu quả thiết thực.

Tại Sa Pa, khá nhiều người dân tộc thiểu số cư trú ở bản Tả Van, Tả Phìn, Cát Cát, Lao Chải, Nậm Cang… đã trở thành hướng dẫn viên du lịch đầy kinh nghiệm. Đồng bào có thể vừa dệt thổ cẩm, vừa nấu nướng, đan lát, thêu thùa vừa nói chuyện bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài, giúp họ hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt của người dân bản địa. Theo điều tra của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, đơn vị tài trợ cho dự án phát triển du lịch bền vững tại Sa Pa, thì hơn 70% số khách quốc tế đến Sa Pa có nhu cầu du lịch "homestay". Homestay ở Hội An gần đây nổi lên những cái tên như: Hoa Sứ, Phong Lan, Vườn Trầu, Nhà vườn ven sông, Nhà cổ Sanh Hiên, Chuông Gió… với hình thức nghỉ dưỡng gia đình (family resort) hoặc du khách cùng ăn, ở, sinh hoạt với chủ nhà như một thành viên gia đình trong khoảng thời gian dài. Còn tại tỉnh Hòa Bình, bản Lác (Mai Châu) là một điểm sáng trên bản đồ du lịch. Đến đây, du khách được sống trong các ngôi nhà sàn của người Thái, cùng họ dệt vải, sản xuất nông nghiệp, cùng đốt lửa nhảy sạp, múa quạt, thưởng thức các món ăn truyền thống như cơm lam, rượu Mai Hạ, cá suối, sản vật núi rừng...

Nói về mô hình du lịch đặc biệt này, anh Nguyễn Dũng, trú ở khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu (Hội An) cho biết, đón khách về nhà cùng ăn, ở, sinh hoạt không chỉ mang lại cho gia đình tôi nguồn thu gần 10 triệu đồng/đợt, mà quan trọng hơn, các thành viên trong gia đình tôi có điều kiện giao tiếp tiếng Anh, hiểu biết thêm về nhiều nền văn hóa. Với kinh nghiệm nhiều năm đưa khách đến lưu trú trong nhà dân, ông Lê Hồ Phước Vĩnh, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn cho rằng: So với các hoạt động kinh doanh lữ hành khác thì lợi nhuận từ mô hình du lịch homestay không cao nhưng khá triển vọng do nhu cầu du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa của một bộ phận du khách Châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng lớn. Tương lai, mô hình homestay sẽ là một trong những loại hình du lịch chủ đạo.

Một trong những ngôi nhà cổ tại Đường Lâm. Ảnh: Trung Kiên

Hướng đi mới cho làng cổ Đường Lâm

Thấy rõ hiệu quả thiết thực, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) cũng thí điểm đón khách tới ăn, ở, sinh hoạt tại 15 hộ gia đình trong làng. Do mới thực hiện nên "homestay" Đường Lâm mới chỉ dừng lại ở khâu tổ chức ăn uống cho du khách, cho thuê xe đạp để du khách tự khám phá mà chưa thật sự có một chương trình hoàn chỉnh. Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL làng cổ Đường Lâm cho hay: Cái khó để phát triển du lịch homestay ở Đường Lâm hiện nay là một số nghề truyền thống của làng như nghề đá ong, nghề mộc hầu như không còn; hệ thống nhà cổ hoặc đang tu sửa, hoặc đang xuống cấp, chật chội; người dân chưa biết cách làm du lịch…

Mặc dù khó khăn, song dưới cách nhìn của Inoue Aiko (tình nguyện viên của Tổ chức JICA Nhật Bản tại Đường Lâm) thì du lịch homestay là hướng đi mới cho ngôi làng cổ độc đáo này. Về sản phẩm du lịch, Aiko có ý tưởng tận dụng rơm khô của chính người dân trong làng tết thành đế cốc, túi xách, dép đi trong nhà, mũ… và in lên đó hình ảnh các ngôi nhà, di tích, phong cảnh đặc trưng của làng cổ làm quà lưu niệm. Cũng theo Aiko, người dân Đường Lâm có thể khôi phục lại "công nghệ" nhuộm vải bằng củ mài, sau đó may thành quần chân què, áo yếm, áo tứ thân, năm thân, áo mớ, áo the… để bán bởi hầu hết khách du lịch Châu Âu rất thích những sản phẩm này. Hướng dẫn người dân làm du lịch, Aiko đặt mình vào vị trí của du khách, cùng dân ra đồng bẻ ngô, đào khoai, gặt lúa, học cách làm tương, làm kẹo dồi, chè lam, nấu nước vối, nước chè xanh và thưởng thức nó để có góp ý một cách chân thực nhất.

Dự kiến đến năm 2020, làng cổ Đường Lâm sẽ đón 30 nghìn khách đến tham quan. Với lượng khách này, rõ ràng mô hình du lịch homestay sẽ mở ra hướng đi mới cho làng, quan trọng là người dân Đường Lâm có biết cách mở cửa đón khách vào hay không mà thôi.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở cửa nhà dân đón khách vào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.